'Kê' nhưng chưa 'khai'

'Kê' nhưng chưa 'khai'
TP - Trao đổi với báo chí ngày 4- 3, ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (ảnh) cho biết, hướng dẫn kê khai tài sản đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND vẫn chưa có gì thay đổi. Luật hiện hành quy định bảng kê khai tài sản đó không phải công khai.

> Nuôi dưỡng nguồn thu

Sinh viên đi bầu cử Quốc hội khóa XII Ảnh: N.T-M.H
Sinh viên đi bầu cử Quốc hội khóa XII. Ảnh: N.T-M.H.

Vậy, có cách nào để kiểm soát việc kê khai đầy đủ, trung thực?

Đã là người kê khai thì phải trung thực. Ngoài ra, cơ quan quản lý khi tiếp nhận bản kê khai phải có trách nhiệm xem xét. Nếu họ phát hiện thấy vấn đề gì thì sẽ yêu cầu xác minh. Còn một kênh nữa là những người biết về người ứng cử sẽ phản ánh.

Nhưng nếu không công bố kết quả kê khai tài sản thì việc kiểm chứng từ người dân như thế nào?

Tất cả phải thực hiện theo luật. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND thực hiện theo luật hiện hành. Mà luật hiện hành quy định bảng kê khai tài sản đó không phải công khai.

Nếu công bố, niêm yết công khai bảng kê khai tài sản của ứng viên sẽ thu về hiệu quả tốt hơn, thưa ông?

Vấn đề công bố bản kê khai tài sản của ứng viên đại biểu Quốc hội đang được nghiên cứu, cho nên chưa thể trả lời việc đó như thế nào. Nghị định 37/NĐ-CP đang được nghiên cứu sửa đổi. Còn sửa đổi theo hướng như thế nào thì tôi cũng chưa biết.

Như vậy, quy định hiện tại về kê khai tài sản vẫn phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của người ứng cử?

Trước mắt phải như vậy. Những người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND trước hết phải trung thực, không trung thực thì không nên ra ứng cử. Đúng là chúng ta vẫn dựa vào sự tự giác của người kê khai. Còn biện pháp kiểm soát rất nhiều, trong luật cũng quy định, nhưng cũng không thể kiểm soát hết được.

Trong luật chỉ quy định phải kê khai tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng. Vậy sẽ có nhiều cách lách luật?
Đã là quy định thì chúng ta phải tuân thủ và không có cách nào khác.

Ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ
Ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ .

Như vậy, yêu cầu giám sát trước kỳ bầu cử đối với người ứng cử có thể thực hiện?

Cái đó vẫn phải theo luật thôi. Luật quy định như vậy.

Ông cũng là một cử tri vì vậy cũng có nguyện vọng muốn biết đầy đủ, chính xác về ứng cử viên mình gửi gắm. Theo ông, để giám sát việc kê khai tài sản hiệu quả, cần quy định như thế nào?

Tôi đã nói rồi. Cái đó phụ thuộc tính tự giác của người ứng cử. Đã ra ứng cử thì việc kê khai tài sản phải trung thực.

Tại kỳ bầu cử trước có phát hiện ra người kê khai không trung thực không và xử lý thế nào?

Theo tôi biết đã phát hiện ra một số trường hợp và cũng xử lý bằng nhiều cách. Một số trường hợp đưa ra khỏi danh sách bầu cử, ứng cử, bị kỷ luật. Thậm chí, có người đã bị cách chức.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng kê khai tài sản của người ứng cử khóa trước?

Hiện chưa có đánh giá tổng thể về điều này. Nhưng vừa qua, chỉ phát hiện một số ít người kê khai không trung thực.

Việc kê khai nhiều hay ít tài sản liệu có ảnh hưởng gì đến người ứng cử không, thưa ông?

Không ảnh hưởng đến người ứng cử. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là khuyến khích làm giàu chính đáng. Đó là tài sản chính đáng thì đáng mừng chứ.

Cảm ơn ông.

Ngọc Tiến ghi

Hoàn thành giới thiệu ứng cử viên trước 18-3

“Thủ tục giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy trình hiệp thương được tiến hành từ ngày 4- 3 và chậm nhất ngày 18- 3 phải hoàn thành”- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết như vậy tại Hội nghị Hướng dẫn, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương, ngày 4-3.

Hội nghị này là bước hai trong quá trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chính thức về số lượng, cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Ông Kim đề nghị đại biểu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương sau hội nghị này tiến hành các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn để giới thiệu, lựa chọn những người tiêu biểu của đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

MTTQ Việt Nam đã đồng ý lập danh sách sơ bộ 183 ứng viên do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Tại hội nghị này, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cũng hướng dẫn về việc kê khai tài sản của các ứng cử viên.

Theo đó, đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cơ quan xác minh là Ủy ban Kiểm tra T.Ư; cán bộ thuộc diện Thành ủy, Tỉnh ủy và Đảng ủy quản lý, đơn yêu cầu xác minh được gửi đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy;

Ứng cử viên đang công tác tại các bộ, ngành Trung ương, đơn yêu cầu xác minh gửi đến Thanh tra Chính phủ. Ứng cử viên tự do, cơ quan xác minh là Thanh tra tỉnh, thành phố…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG