Trẻ em nghèo mưu sinh

Lao động nhí khuân gạch ở An Giang
Lao động nhí khuân gạch ở An Giang
TP - Ở ĐBSCL, rất nhiều trẻ em đang phải lao động nặng nhọc để nuôi bản thân và gia đình. Các nỗ lực giúp đỡ lao động trẻ em chưa có kết quả như kỳ vọng.

Đổ máu, oằn lưng

Ngô Thái Hoàng Em, 16 tuổi, học sinh lớp 9 ở xã Nhơn Phú (Măng Thít, Vĩnh Long), đã bị cụt hai tay gần sát nách. Hoàng Em là học sinh giỏi, nhà quá nghèo, nghỉ hè xin vào làm ở lò gạch của anh Nguyễn Văn Linh cùng xã để kiếm tiền giúp mẹ. Khi đang nhào đất bằng máy thì tay của Hoàng Em bị cuốn vào máy, bị cụt hai tay từ đó, nhà nghèo càng thêm kiệt quệ.

Ông Thi Công Dựng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú, cho biết: “Hoàng Em chỉ là một trong nhiều nạn nhân của máy ép gạch thủ công. Lò gạch máy móc thô sơ, sử dụng lao động trẻ em, thiếu bảo hộ lao động và tai nạn ở các lò gạch là một thực trạng nhức nhối địa phương nhiều năm qua”. Xã Nhơn Phú có hơn 500 cơ sở làm gạch sử dụng hàng ngàn lao động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Em Hoàng Em nhập viện vì một tai nạn ở lò gạch
Em Hoàng Em nhập viện vì một tai nạn ở lò gạch.

Trần Văn Lý 15 tuổi và hai em 13, 12 tuổi đang cùng mẹ bốc gạch cho lò gạch ngói của ông Nguyễn Văn Chiến tại thị trấn An Châu (Châu Thành, An Giang). Lý kể, em bỏ học để làm ở lò gạch ngói đã 3 năm. Trước đây, chỉ cha mẹ Lý làm việc ở lò gạch ngói, còn anh em Lý được đi học.

 Theo số liệu của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em An Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 trẻ lao động trước tuổi. Rất nhiều trẻ phải làm những việc nặng nhọc như khuân gạch, đẽo đá…

“Cha đổ bệnh nan y mấy năm trước, mẹ bốc gạch không đủ sống, tụi em bỏ học theo mẹ” - Lý cho biết. Ba anh em Lý gầy teo, chân tay nhằng nhịt sẹo. Mỗi ngày, mẹ con Lý mỗi người được 20.000 đồng, lo thuốc thang cho cha xong, còn lại vừa đủ sống qua bữa. Mơ ước của anh em Lý là “không bị bệnh” và mơ ước này đang trở nên khó thực hiện vì “làm ở đây cực lắm, nhiều lúc cõng gạch nặng muốn ngã xuống”.

Lò gạch ngói của ông Nguyễn Văn Chiến đang sử dụng 30 lao động, một nửa trong đó là trẻ em, lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 11 tuổi. “Làm nghề này không có nam giới trưởng thành, chỉ có phụ nữ và trẻ em vì thu nhập thấp”, ông Chiến cho biết. Lò gạch nằm trên bãi đất trống, khói bụi mù mịt. Hàng chục lao động tay chân trần giữa bùn đất, người mang áo kẻ cởi trần hì hục dưới nắng đổ lửa.

Biết sai nhưng không can thiệp được

Tỉnh An Giang có trên 600 cơ sở sản xuất gạch ngói và làm đá thường xuyên sử dụng nhiều lao động trẻ em. Chỉ riêng huyện Châu Thành đã có 478 trẻ bỏ học để lao động sớm. Còn theo số liệu của Ủy ban Dân số- Gia đình và Trẻ em An Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 trẻ lao động trước tuổi. Rất nhiều trẻ phải làm những việc nặng nhọc như khuân gạch, đẽo đá…

Lao động nhí khuân gạch ở An Giang
Lao động nhí khuân gạch ở An Giang . Ảnh: Kiến Giang

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, cho biết, An Giang có số lượng trẻ em lao động sớm cao nhất ĐBSCL. Việc sử dụng lao động của các chủ cơ sở gạch ngói là sai luật nhưng rất khó can thiệp. “Tỉnh có nhiều trẻ em hộ nghèo tạo nên một lực lượng lao động trẻ em hùng hậu. Vậy nên các cơ sở sản xuất kinh doanh thường chọn các em vì giá thuê rẻ lại không cần phải quan tâm tới các chế độ lao động”, ông Tuấn phân tích.

 Tỉnh Bến Tre cũng có 465 lao động trẻ em, hầu hết trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong đó, trẻ có độ tuổi 14 - 16 chiếm gần 70% và 54% là nữ. Công việc chủ yếu mà trẻ em đảm nhận là đi biển, phụ hồ, phục vụ quán ăn, giúp việc gia đình, lượm phế liệu.

Khâu quản lý việc sử dụng lao động trẻ em gần như bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, các lớp nghề và đào tạo dài hạn không thu hút được các em. Từ năm 2009 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang mở 8 lớp dạy nghề, chỉ giải quyết việc làm được cho 205 em.

Ông Tuấn nói: “Hoàn cảnh nghèo là nguyên nhân khiến lao động trẻ em chấp nhận những công việc nặng nhọc nguy hiểm để mưu sinh. Vấn đề lao động trẻ em vẫn nhức nhối, chưa giải quyết được”.

Tại Vĩnh Long, báo cáo của Sở LĐ-BT&XH tỉnh, hiện có trên 1.200 trẻ em phải lao động nặng nhọc tại các lò gạch, phụ hồ. Đó là chưa kể số trẻ em lao động theo mùa vụ ở vùng nông thôn như làm cỏ lúa, thu hoạch. Tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện đề án hạn chế số trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, năm 2009, các lớp dạy nghề do Sở tổ chức chỉ có 60 em theo học.

Một vị lãnh đạo Sở LĐ-BT&XH tỉnh Vĩnh Long thừa nhận: “Các lớp dạy nghề chưa thu hút được trẻ em”.

MỚI - NÓNG