> Tuyển Việt Nam và cuộc hành quân gian khổ tới Uzbekistan
> Đội tuyển quốc gia bị 'ghẻ lạnh'
Quản lý cầu thủ chuyên nghiệp
Thành công của đội tuyển U19 VN ở Giải vô địch ĐNA và Vòng loại châu Á 2014 đã khiến nhiều người giật mình nhìn lại công tác đào tạo trẻ của bóng đá VN. Vì sao các cầu thủ VN, thi đấu rất xuất sắc ở các lứa tuổi U, nhưng lại không phát huy được tố chất khi bước vào giai đoạn trưởng thành là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Nếu chỉ mình HA.GL, bóng đá VN không thể phát triển có chiều sâu Chuyên gia |
Trao đổi với Tiền Phong, hôm qua, chuyên gia Trần Văn Phúc cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. “Cầu thủ của ta, tính chuyên nghiệp rất thấp, đặc biệt là các cầu thủ trẻ. Nhiều cầu thủ mới thể hiện được một chút thôi, cộng thêm được nuông chiều, lập tức sinh hư. Nói chẳng đâu xa như lứa U16 hồi năm 2000, nhiều cầu thủ về CLB lập tức sa vào rượu chè be bét, rồi cờ bạc với các tệ nạn khác. Như thế làm sao phát triển thành tài được”-Ông Phúc nói.
Theo chuyên gia Trần Văn Phúc, để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của VFF với các CLB, đặc biệt trong khâu đầu tư và quản lý. “Đại hội VFF nhiệm kỳ VII, theo tôi dù ai đắc cử cũng cần đặt nhiệm vụ đào tạo trẻ lên hàng đầu. Việc quản lý các cầu thủ cũng cần theo hướng chuyên nghiệp. Tôi biết một số nơi đang thực hiện việc này rất chặt chẽ, VFF nên tham khảo để nhân rộng ra các địa phương”.
Mô hình cần nhân rộng
Theo ông Phúc, mô hình đào tạo của học viện HA.GL đã đem lại những hiệu quả tích cực ban đầu, thể hiện qua thành công của đội U19 VN, với nòng cốt đa phần là các cầu thủ của bầu Đức.
“Công tác quản lý, cơ sở vật chất của HA.GL đều rất tốt. Họ lại có HLV nước ngoài hướng dẫn. Thành công là chuyện tất yếu. Tuy nhiên đây chỉ là thành công bước đầu. HA.GL cũng chỉ có chừng hơn chục cầu thủ ở đội U19.
Trong bóng đá không thể chỉ dựa vào từng nấy cầu thủ để mong thành công. VFF cần thiết phải phối hợp với các địa phương và những CLB khác, đảm bảo các CLB đều có sự đầu tư cho bóng đá trẻ”-ông Phúc cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng, để các cầu thủ trẻ phát triển lên các lứa tuổi lớn hơn, chỉ một học viện của HA.GL là chưa đủ. VFF và các CLB cũng cần thay đổi cách tuyển chọn đào tạo trẻ từ trước đến nay.
“Đây là vấn đề của cả nền bóng đá chứ không riêng gì một CLB hay VFF. Nếu chỉ mình HA.GL, bóng đá VN không thể phát triển có chiều sâu”-chuyên gia Đoàn Minh Xương nói.
Bàn về các ý kiến trên, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ hôm qua cho biết: “Trước khi thi đấu ở giải U19 ĐNA, các cầu thủ HA.GL đã được VFF cho đại diện tham dự giải đấu ở Nhật Bản. Thành công của đội U19 VN vừa qua là kết quả tất yếu của một chuỗi đầu tư, trong đó HA.GL dĩ nhiên đóng vai trò quan trọng.
“Cũng không phải đến bây giờ mà từ rất lâu, chúng tôi đã khuyến cáo và có chủ trương yêu cầu các CLB tập trung vào công tác đào tạo trẻ. Tuy nhiên, nhiều đội bóng vẫn chạy theo xu hướng “ngắt ngọn”.Vấn đề này cần có sự thay đổi từ nhận thức cách làm bóng đá của các CLB”.
Bóng đá chuyên nghiệp có sự phân cấp rõ ràng trong vai trò và trách nhiệm của VFF và các CLB đối với công tác đào tạo trẻ. Ông Hỷ mặc dù vậy thừa nhận, ở nhiệm kỳ VII, VFF sẽ phải làm tốt hơn công tác định hướng phát triển, hỗ trợ các CLB.
“Điều quan trọng nhất đối với bóng đá chuyên nghiệp vẫn là tài chính. Chúng ta nói nhiều, bàn nhiều rồi nhưng khi đụng vào việc, thiếu tiền là không thể làm nổi. Tôi cho rằng nếu ở nhiệm kỳ tới, VFF làm tốt hơn nữa khâu này thì bóng đá trẻ có điều kiện để phát triển” - ông Hỷ cho biết.
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định, VFF sắp tới sẽ đầu tư quyết liệt hơn đối với các lứa tuổi U, theo dõi sát sao hơn công tác đào tạo cầu thủ trẻ của các CLB.