> Thất nghiệp, Văn Quyến lò dò đi xin việc
> Về đâu, các ngôi sao của bầu Kiên?
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 24-12, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết: “Chúng tôi không còn cách nào khác. Thời gian vừa qua CLB đã vận động nhiều nguồn nhằm tìm kinh phí để ký hợp đồng với các cầu thủ. Tuy nhiên kinh tế khó khăn nên các doanh nghiệp đều không thể hỗ trợ cho đội bóng.
“Số tiền của UBND tỉnh và nhà tài trợ Bắc Á chỉ đủ cho hoạt động của đội, mà cũng phải chắt bóp lắm. Hợp đồng của Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn và Đình Đồng tới cuối tháng này sẽ hết hạn. Các cháu hoàn toàn có quyền tìm CLB mới”.
Theo ông Thanh, để bù vào vị trí còn thiếu, CLB sẽ “đôn” các cầu thủ thuộc lứa U21 lên đội một.
Cũng liên quan tới SLNA, đội bóng xứ Nghệ hiện đang tiến hành cho nghỉ một loạt cầu thủ trẻ, trả về địa phương. Lý do, theo một số thông tin, cũng vì tình hình tài chính eo hẹp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thanh hôm qua phủ nhận. “Đây là hoạt động bình thường, đã được lên kế hoạch từ trước. Quá trình tập luyện chúng tôi cho kiểm tra, thi định kỳ.
“Các cháu nào không đạt yêu cầu, không có tiềm năng phát triển CLB sẽ trả về huyện để tạo điều kiện cho học văn hoá hoặc ngành nghề khác để kiếm việc làm. Nếu các cháu tiếp tục ở lại CLB nhưng không theo được bóng đá chuyên nghiệp thì tương lai sẽ lỡ dở”.
Mặc dù vậy, TGĐ Nguyễn Hồng Thanh cũng thừa nhận, do kinh phí có hạn, đội đã phải siết chặt lại chi tiêu trong mùa giải 2013.
“Chúng tôi chỉ có thể duy trì được lương, các chế độ khác cho các cầu thủ cũ còn với những người mới ký hợp đồng, mọi thứ đều phải giảm xuống.
“Trong tình hình khó khăn hiện nay, mọi CLB đều như vậy chứ không chỉ riêng SLNA. Theo chỗ tôi được biết, nhiều CLB khác cũng thực hiện các biện pháp tương tự. Lúc này HLV, cầu thủ cần chia sẻ với CLB để cùng thoát khỏi giai đoạn khó khăn”.
Ngoài SLNA, Hà Nội T&T, The Vissai Ninh Bình…nhiều đội bóng đều thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, giảm tối đa các khoản chi.
Hôm qua, trả lời Tiền Phong về việc nhiều đội bóng giải thể, đẩy cầu thủ vào tình cảnh thất nghiệp nhưng không được đảm bảo các chế độ của người lao động như Navibank Sài Gòn, hoặc việc cắt giảm lương, thưởng của cầu thủ, Phó chủ tịch LĐBĐVN (VFF) kiêm TGĐ Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) Phạm Ngọc Viễn cho biết:
“Đây là thời điểm khó khăn đối với nhiều ông bầu, đội bóng. Vừa qua chúng tôi cũng đã gửi công văn tới các CLB, yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ. VFF có phòng Pháp lý và Tư cách cầu thủ. Tuỳ thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng, cầu thủ có thể gửi hồ sơ lên VFF để được hỗ trợ nếu cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng. Dĩ nhiên, chúng tôi khuyến khích đôi bên giải quyết trên cơ sở thoả thuận, tôn trọng lợi ích lẫn nhau”.
Ông Viễn cũng cho biết, sau khi các CLB có ý kiến về việc thời hạn “chốt” đăng ký chuyển nhượng VFF đưa ra vào ngày 16-1-2013 quá gấp, VFF đã gửi công văn lên FIFA để xin gia hạn.
“Mùa giải nào VFF cũng phải đăng ký hạn chuyển nhượng với FIFA chứ không phải chúng tôi gây khó dễ cho CLB như nhiều người kêu. Để gia hạn, VFF buộc phải nhận được sự chấp thuận của FIFA”-ông Viễn cho biết.