Kinh doanh bóng đá kiểu Việt Nam

Kinh doanh bóng đá kiểu Việt Nam
Có một thực tế không thể chối bỏ được rằng, dù bóng đá là ngành nghề kinh doanh không có lãi nhưng vẫn có những đội bóng “dấn thân”.
Nhờ bóng đá việc kinh doanh của bầu Đức và bầu Thắng trở nên thuận lợi hơn
Nhờ bóng đá việc kinh doanh của bầu Đức và bầu Thắng trở nên thuận lợi hơn.

Đi cùng bóng đá

Việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (lúc đó còn là phó Thủ tướng) tham dự lễ mừng công đội Hà Nội T&T đoạt chức vô địch V-League mùa 2010 đã khiến nhiều người “kính nể” đội bóng thủ đô hơn hẳn. Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã thẳng thắn thừa nhận: “Rõ ràng làm bóng đá ở Việt Nam có những quyền lợi nhất định. Ít nhất là trong các mối quan hệ mà người ta hay gọi là chính trị”. Thật ra không chỉ mình bầu Đức công khai điều này mà chính ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch đội bóng Hà Nội ACB cũng nói: “Tôi đến với bóng đá là do một đồng chí lãnh đạo gợi ý và anh Lê Hùng Dũng thuyết phục”. Thậm chí ông Kiên cũng chẳng giấu giếm khi cho hay: “Một vài đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã từng đề cập về chuyện tôi sẽ làm chủ tịch VFF nhưng tôi tự xét thấy mình không có thời gian nên đã từ chối”.

Nếu nói làm bóng đá ở Việt Nam không có lợi ích gì là không đúng. Nhìn lại hành trình thành công của Hoàng Anh Gia Lai ngày nay, chính bầu Đức đã xác nhận: “Hoàng Anh Gia Lai có được ngày hôm nay có công rất lớn nhờ bóng đá”. Chính sách bóng đá gắn liền với kinh doanh đã được bầu Đức áp dụng triệt để. Trước SEA Games 25 diễn ra tại Lào, ông Đức đã tài trợ cho đội tuyển bóng đá Lào tập huấn tại Thành Long, Hoàng Anh Gia Lai là nhà tài trợ chính cho SEA Games và trả lương luôn cho ông A. Riedl làm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển Lào. Bù lại ông Đức đã có các thương vụ kinh doanh lớn có sức ảnh hưởng lớn tại Lào. Đối với Campuchia, ông Đức cũng chọn cách này khi mà tổ chức giải đấu ngay tại Campuchia cho đội tuyển quốc gia này tập huấn với sự tham dự của đội Hoàng Anh Gia Lai, Ninh Bình. Tất nhiên, chuyện tài trợ tiền cho đội tuyển quốc gia này tham dự SEA Games cũng đã được tiến hành. Trước Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm cũng đã từng có chuyến “lưu diễn” khi thi đấu giao hữu với đội tuyển Campuchia để thắt chặt mối quan hệ làm ăn. Rõ ràng, như ngày xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện”, giờ đây miếng trầu được thay bằng bóng đá trong các câu chuyện của nhiều nhà kinh doanh lớn.

Và “đi cạnh” bóng đá

Khi nhiều doanh nghiệp coi việc phát triển bóng đá là một hình thức làm thương hiệu thì cũng có không ít doanh nghiệp chọn cách làm bóng đá như một cách kinh doanh “ngoài ngành”. Bầu Hiển, người đang rất nổi tiếng vì hiện nay có đến bốn đội bóng trong tay, hai đội ở giải chuyên nghiệp là SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, ngoài ra ông còn sở hữu hai đội bóng mới mua được ở giải hạng nhất là Hà Nội mua từ Thể Công và một đội khác nhận từ Quân khu 5. Cùng với thành công của những đội bóng, tiếng tăm của bầu Hiển còn có ở các thương vụ đổi đất để nuôi đội bóng bất thành đã từng được báo chí nêu như ở Tiền Giang, ở Sông Lam Nghệ An.

Không khó để nhìn ra rằng có khá nhiều đơn vị đến với bóng đá vì những quyền lợi khác. Yêu cầu được cấp đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc làm bóng đá là một ví dụ cụ thể. Cụ thể tại TP.HCM, đội bóng CLB TP.HCM mùa nào cũng vật vờ vì thiếu tiền. Và không ít lần đội bóng đề nghị được kinh doanh trên mảnh đất được giao ở quận 7 như xây nhà chung cư để tìm tiền nuôi bóng đá nhưng chưa được chấp thuận. Với bóng đá chuyên nghiệp tại các quốc gia khác, chuyện ông bầu phải bỏ tiền lo chỗ ăn, chỗ tập luyện cho đội bóng của mình là lẽ đương nhiên. Nhưng ở ta, chuyện địa phương hỗ trợ nhiều nhan nhản. Navibank Sài Gòn đã được cấp đất để “an cư lạc nghiệp” sau hai mùa bóng cứ phải thuê là một điển hình.

Ông Lê Tiến Anh, phó tổng giám đốc công ty Khataco Khánh Hoà, chủ tịch đội bóng Khánh Hoà đã bức xúc nói: “Chẳng đâu lạ như ở Việt Nam. Vài doanh nghiệp trúng một thương vụ nào đó 100 tỉ đồng, bỏ tiền vào làm bóng đá vài năm vì quyền lợi nào đó hay đơn giản là vì trả nghĩa cho địa phương. Hết số tiền đó coi như xong, họ rút ra”.

Đã đến lúc kinh doanh bóng đá thật

Bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Đức hay ông Tiến Anh đều cho rằng, có một sự thật là sau nhiều năm “lăn lộn, mày mò”, giờ là lúc bóng đá Việt Nam nên đi theo đúng con đường của nó. Bầu Đức bức xúc: “Đầu tư một trận đấu gần 3 tỉ đồng, một mùa giải được coi là một phi vụ các đội bóng chuyên nghiệp chi khoảng 1.000 tỉ đồng. Đổi lại, khán giả loe ngoe, ông bầu chi tiền tỉ mà sợ trọng tài như sợ cha mình. Vậy thì thử hỏi ai còn muốn làm bóng đá tử tế”. Cũng đồng lòng với bầu Đức, bầu Kiên cũng cho rằng: “Bóng đá chân chính thì thước đo là khán giả. Có những trận đấu khán giả chỉ chưa đến 200 người thì gọi là chuyên nghiệp cái gì, các đội bóng là doanh nghiệp kiểu gì”.

Theo chính các ông bầu, môi trường kinh doanh bóng đá cần phải được ràng buộc bằng quy chế một cách rõ ràng hơn, cụ thể hơn và trong sạch hơn. Nếu không, hoặc người ta sẽ chỉ làm bóng đá vì sở thích, vì trách nhiệm hay vì mục đích khác. Và vì những điều đó, bóng đá sẽ không bao giờ chuyên nghiệp theo đúng nghĩa kinh doanh của nó. Bầu Thắng cho hay, người Thái trong hai năm nay mới chính thức bước vào bóng đá chuyên nghiệp nhưng thử nhìn xem, khán giả đến sân đông nghịt. Theo ông bầu này, đó mới là kinh doanh bởi có khách hàng trung thành, khách hàng tiềm năng lẫn có sản phẩm để giao dịch.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG