Vụ 'ăn bớt' vắc xin: Bác sĩ trưởng trần tình gì?

Khu vực xảy ra vụ tiêm thiếu vắc xin
Khu vực xảy ra vụ tiêm thiếu vắc xin
TPO – Bản tường trình của bác sĩ Trưởng ca trực ngày 19/4, thời điểm xảy ra vụ tiêm thiếu vắc xin cho trẻ em tại phòng tiêm số 106 – tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

>Từ lập danh sách khống lấy tiền đến ăn bớt vắc xin

>Chưa xác định số người tiêm vắc-xin hết 'đát'

Khu vực xảy ra vụ tiêm thiếu vắc xin
Khu vực xảy ra vụ tiêm thiếu vắc xin. Ảnh: Đ.H

Trong bản tường trình của bác sỹ Lê Hồng Hải, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trưởng tua trực phòng tiêm chủng các loại vắc xin ngày 19/4/2013 tại phòng tiêm số 106 – tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Ca trực phòng tiêm ngày 19/4/2013 bao gồm: BS Lê Hồng Hải, Trưởng tua trực, tư vấn, chỉ định tiêm; BS Dương Hữu Huân, tiếp đón, khám phân loại; Kỹ sư Nguyễn Vũ Hoàng, nhân viên vào máy; Y sỹ Phạm Việt Xuân, nhân viên thu tiền; Y sỹ Bùi Thị Phương Hoa, thực hành tiêm chủng từ đầu buổi đến khi xảy ra sự việc.

Sau khi xảy ra sự cố, BS Hải đã đề nghị y tá Hoàng Thị Kim Oanh thay vị trí thực hành tiêm chủng.

Cụ thể trong bản tường trình của BS Hải được viết như sau: Vào lúc 7 giờ 15 phút mở của phòng tiêm. Các thành viên trong ca trực có mặt đầy đủ, đúng giờ và thực hiện công tác theo từng vị trí. Ca trực bắt đầu tiếp khách lúc 7 giờ 30 phút. Ca trực làm việc theo đúng qui trình đã được qui định trong quyết định 23/2008/QĐ-BYT ngày 07/7/2008 của Bộ Y tế.

Khách đến bàn tiếp và khám phân loại, tiếp đến là qua bàn tư vấn, chỉ định tiêm vắc xin, sau đó đến bộ phận vào máy, thu tiền, cuối cùng khách hàng được chuyển đến khu tiêm chủng. Khu vực này được ngăn cách và khách hàng phải ở lại 30 phút sau khi tiêm để theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.

Khoảng 9 giờ ngày 19/4/2013, có một khách hàng nam đến bàn tư vấn, chỉ định tiêm đưa cho tôi một cuốn sổ tiêm chủng và hỏi, anh chỉ định tiêm cho con tôi bao nhiêu ml? Xem quyển sổ tiêm chủng, tôi đã chỉ định và giải thích, con anh (cháu Dương Kiều Phong, sinh 04/12/2012, địa chỉ đường Hùng Vương, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc) được chỉ định tiêm Pentaxim 0,5ml lần 3, và uống Rotateq 2ml lần 3 vào ngày hôm nay 19/4/2013. Khi tôi vừa trả lời xong thì anh Lam phản ánh, vỏ lọ vắc xin con anh vừa tiêm vẫn còn vắc xin và yêu cầu BS Hải giải thích.

Nghe được lời phản ánh và thắc mắc xong, tôi sang ngay khu vực tiêm để xem xét sự việc. Tôi có nhìn thấy vỏ lọ vắc xin Pentaxim anh Lam cầm còn dư một ít. Tôi yêu cầu Y sĩ Bùi Phương Hoa, người thực hiện tiêm cho cháu Dương Kiều Phong mô tả lại sự việc.

Theo trình bày của chị Hoa thị chị này có tiêm 1 mũi Pentaxim cho cháu Dương Kiều Phong và cho sau đó cho cháu uống vắc xin Rotateq. Sau khi tiêm xong chị Hoa có vứt nhầm vỏ Pentaxim của cháu Phong vào khay đựng tích kê mà trước đấy chị cũng đã vứt nhầm 2 vỏ khác vào đó và cho cháu Phong uống Rotateq.

Sau khi cho cháu Phong uống vắc xin Rotateq, anh Lam bố cháu Phong yêu cầu cho xem vỏ lọ vắc xin Pentaxim vừa tiêm cho con anh. Xem xong anh có thắc mắc việc còn dư vắc xin trong vỏ lọ và việc để riêng vỏ lọ của con anh cùng 02 vỏ lọ khác trong khay đựng tích kê. Chị Hoa giải thích tiếp đó là lọ vắc xin có hư hao và chị không có ý bỏ riêng vỏ lọ mà là bỏ nhầm vỏ lọ vắc xin Pentaxim của con anh cùng 2 vỏ lọ khác vào khay đựng tích kê.

Qua việc mô tả sự việc của chị Hoa, sự phản ánh của anh Lam và việc tôi nhìn thấy 02 vỏ lọ khác trong khay đựng tích kê: 01 vỏ lọ vắc xin Verorab (vắc xin phòng bệnh dại ) và 01 vỏ lọ vắc xin phòng uốn ván, tôi đã nhận thấy chị Hoa không thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ và không bỏ vỏ lọ vắc xin đúng nơi qui định. Ngay lập tức tôi yêu cầu chị Hoa dừng công việc tại phòng tiêm và bố trí y tá Hoàng Thị Kim Oanh (đang làm việc trên khoa) xuống thay, đồng thời tôi gọi điện báo ngay cho Trưởng khoa (BS Hoàng Thế Hùng) đang phụ trách khoa về sự việc trên.

Tuy nhiên, hôm đó BS Hoàng Thế Hùng đang trên đường đi Đền Hùng và nói sẽ uỷ quyền cho Phó trưởng khoa (BS Đặng Thị Kim Hạnh) đến giải quyết. Trong khi chờ lãnh đạo khoa đến, tôi mời anh Lam lên văn phòng khoa chờ người có trách nhiệm giải quyết, tuy nhiên anh Lam không đồng ý và trực tiếp phản ánh với Thanh tra sở Y tế.

Vì buổi tiêm chủng còn nhiều khách hàng khác đang chờ để được tư vấn và chỉ định tiêm, do vậy tôi quay về vị trí cũ và ca trực tiếp tục làm việc. Đến khoảng 10 giờ Thanh tra sở Y tế có mặt tại phòng tiêm đồng thời yêu cầu Giám đốc Trung tâm, cùng anh Lam và những người liên quan đến phòng Thanh tra để làm việc. Kết quả buổi làm việc giữa anh Lam, Thanh tra sở, lãnh đạo Trung tâm, lãnh đạo khoa và tua trực.

Qua sự việc xảy ra, tôi thấy:

Y sĩ Bùi Phương Hoa không thực hiện theo đúng y lệnh của bác sĩ; Không tiêm đúng liều lượng đã chỉ định; Không lưu vỏ lọ vắc xin đúng qui định; không thực hiện đúng quyết định số 23/2008/QĐ-BYT ngày 7/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Y Tế. Do đó YS Bùi Thị Phương Hoa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với những sai phạm của mình.

Với trách nhiệm Trưởng ca trực tôi đã thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được trưởng khoa là BS Hoàng Thế Hùng đã phân công. Trong trường hợp này, tôi đã tư vấn, chỉ định đúng lịch, đúng liều lượng cho cháu Phong; Khi các tình huống xảy ra trong ca trực tôi đã giải quyết theo đúng chức năng và báo cáo lãnh đạo khoa theo đúng quy trình.

Trong ca trực, khâu thực hành tiêm chủng theo y lệnh là khâu cuối cùng, và hoàn toàn độc lập. Đây là việc thực hiện y lệnh của bác sĩ tư vấn, chỉ định tiêm chủng. Trong buổi tiêm chủng mỗi một vị trí trong ca trực đều có một nhiệm vụ riêng biệt. Do đó sai sót của việc tiêm chủng chỉ có khách hàng trực tiếp theo dõi và phát hiện ra; người thực hiện mũi tiêm; hoặc trưởng ca sau khi kết thúc ca trực thông qua việc kiểm kê vắc xin đã sử dụng.

Với chức năng được phân công trưởng ca trực ngày 19/04/2013 lại trực tiếp làm nhiệm vụ tư vấn cho rất nhiều khách hàng cùng một lúc, tôi không thể trực tiếp theo dõi từng mũi tiêm và từng lọ vắc xin được. Do đó việc tiêm thiếu vắc xin cho cháu Dương Kiều Phong, y sỹ Bùi Thị Phương Hoa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tôi đã phối hợp tốt với Thanh tra sở Y tế, để làm rõ sai phạm của Y sĩ Bùi Thị Phương Hoa.

Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều mà tôi đã trình bày.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.