> Bệnh dạ dày tấn công người thành thị
> Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em khó chẩn đoán, có thể nhầm với một số bệnh khác và dễ gây biến chứng. Triệu chứng viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em không hoàn toàn giống như ở người lớn.
Triệu chứng đau bụng được xuất hiện sớm nhất và gần như đa số trẻ bị bệnh đều có (khoảng 60%). Đau vùng trên rốn, quanh rốn và đôi khi đau khắp vùng bụng. Khi mới bị viêm thì ăn vào đau nhưng có khoảng 65% trẻ loét dạ dày – tá tràng thì no, đói đều đau. Da của trẻ xanh do thiếu máu, nhất là trẻ lớn.
Cơn đau dạ dày của trẻ thường là dữ dội, lăn lộn dễ nhầm với bệnh giun chui ống mật. Một số biểu hiện hay gặp ở người lớn như ợ hơi, ợ chua thì rất ít khi xuất hiện ở trẻ em. Vì vậy, khi thấy trẻ hay đau bụng thì phụ huynh cứ nghĩ là trẻ mắc bệnh giun do đó tự mua thuốc tẩy giun nhưng không thấy khỏi cho nên mới đưa trẻ đi khám.
Nguyên nhân chính của viêm loét dạ dày – tá tràng là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Ngoài ra viêm loét dạ dày ở trẻ em còn có thể do có thói quen ăn uống quá nhanh, ăn quá chua cay, tâm lý căng thẳng, lo âu, thức khuya liên tục hoặc do yếu tố gia đình.
Trong gia đình có bố, mẹ (những ngưới sống trong cùng một gia đình) mắc bệnh dạ dày (do vi khuẩn HP) thì có thể lây cho con bởi đường ăn uống. Một số khác lây trực tiếp do tập tục mớm cơm cho trẻ, trong khi người mớm cơm lại bị bệnh dạ dày.
Khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm có thể đưa đến một số biến chứng như chảy máu dạ dày - tá tràng. Nếu để viêm, loét kéo dài có thể dẫn đến hẹp môn vị do vết loét bị co kéo.
Khi đã bị hẹp môn vị thì nhiều hệ luỵ kèm theo như ăn, uống không tiêu, nôn nhiều làm mất nước và chất điện giải dẫn đến suy kiệt. Nguy hiểm nhất của bệnh viêm loét dạ dày là thủng dạ dày. Đây là một cấp cứu ngoại khoa, nếu chậm trễ sẽ làm viêm phúc mạc do dịch vị tràn vào ổ bụng gây sốc và có thể tử vong.
Để trẻ không mắc bệnh viêm – loét dạ dày tá tràng thì nên tập cho trẻ có một chế độ sinh hoạt hợp lý, không thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh. Luôn luôn nhắc nhở trẻ ăn chậm, nhai kỹ, không ăn chua, cay. Trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày thì cần vệ sinh, sát trùng các dụng cụ ăn uống bằng cách nhúng bát, đũa, thìa, muôi vào nước sôi sau khi đã rửa sạch.