Lập đội đặc nhiệm chống cúm A/H7N9

Lập đội đặc nhiệm chống cúm A/H7N9
TP - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9 thông qua việc thành lập đội đặc nhiệm phòng chống dịch chung với WHO và trung tâm điều hành tình huống khẩn cấp để thường xuyên theo dõi và ứng phó với các tình huống của dịch.

> Việt Nam đối mặt dịch cúm gia cầm kép
> Trực 24/24 để phòng dịch cúm A/H7N9

Khó có thể phân biệt gà ta với gà Trung Quốc ở Chợ đầu mối Giếng Vuông - TP Lạng Sơn
Khó có thể phân biệt gà ta với gà Trung Quốc ở Chợ đầu mối Giếng Vuông - TP Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến

Ngày 13/4, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đã phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay Việt Nam chưa phát hiện được có ca bệnh cúm A/H7N9 trên người và gia cầm, Bộ Y tế đang tập trung giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam thông qua theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa và hệ thống giám sát cúm tại cộng đồng. Sau đó lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên (nếu có) để kịp thời tổ chức cách ly và xử lý.

Theo ông Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm các bệnh nếu có, thiết lập chẩn đoán phòng thí nghiệm, thống nhất áp dụng các biện pháp phòng chống và kiểm soát khuẩn thích hợp trong cơ sở y tế và giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế, thực hiện truyền thông nguy cơ, chuẩn bị sẵn sàng tại các cơ sở điều trị, tăng cường sự hợp tác hai ngành thú y và y tế. WHO không khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào hạn chế đi lại đối với người rời khỏi Trung Quốc.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là tình trạng gia cầm nhập lậu không được kiểm dịch với số lượng lớn. Trong khi, người dân lại có thói quen nuôi vịt thả đồng nên rất khó kiểm soát.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện tỷ lệ tiêm phòng đàn gia cầm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt khoảng 40%. Nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 càng gia tăng khi Ninh Thuận phát hiện đàn chim yến hàng nghìn con có virus cúm A/H5N1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng phải giám sát chủ động, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học ở các trang trại, đặc biệt tăng cường phòng chống buôn lậu, tăng cường hợp tác quốc tế trao đổi thông tin thường xuyên để công tác phòng chống dịch được hiệu quả. ?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Từ những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trước đây, chúng tôi nhận thấy việc chia sẻ thông tin kịp thời, phối hợp hành động liên ngành và tăng cường năng lực giám sát, chẩn đoán, đáp ứng, điều trị và truyền thông tới cộng đồng là những biện pháp quan trọng nhất nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của virus và bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh”.

Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh cúm A/H7N9 bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm được nấu chín và tránh tiếp xúc với gia cầm chết hoặc ốm. Khi có các biểu hiện viêm đường hô hấp, sốt và khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi với báo chí về phòng chống cúm A/H7N9. Ảnh T.Hà
Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi với báo chí về phòng chống cúm A/H7N9. Ảnh T.Hà.

“WHO tiếp tục hỗ trợ ?Bộ Y tế Việt Nam trong việc xác định sự đe dọa tiềm tàng của cúm A/H7N9. Mặc dù hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn lây và cơ chế lây truyền của virus cúm A/H7N9, WHO cam kết hỗ trợ các cơ sở y tế, cán bộ và cộng đồng Việt Nam trong việc cảnh báo và sẵn sàng phòng chống bệnh này”, Trưởng đại diện WHO nói.

Theo đó, cơ quan này tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các hỗ trợ cần thiết để xét nghiệm xác định virus cúm A/H7N9 và tiếp tục chia sẻ các thông tin với Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan/tổ chức quốc tế khác, kể cả việc thường xuyên trao đổi với Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (USCDC) và tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) về tình hình dịch bệnh.

Tăng cường phòng, chống dịch H7N9 dịp nghỉ lễ

Sở Y tế Đà Nẵng vừa đề xuất thành phố mua thêm 4 máy thở áp lực để phục vụ bệnh nhân khi xảy ra dịch H7N9.

Theo BS Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở: Đà Nẵng họp khẩn ngành chức năng, chủ động phương án phòng, chống dịch, đặc biệt cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) 2013. Trung bình, mỗi tuần Đà Nẵng có trên 20 chuyến bay quốc tế đưa du khách từ Trung Quốc đến với số lượng khách từ 2.000 - 2.500 người.

Dự kiến dịp cuối tháng 4, lượng khách quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc đổ về tăng cao. Sở Y tế thành phố phối hợp Cảng hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng triển khai máy đo thân nhiệt từ xa với tất cả du khách nhập cảnh.

Trường hợp có thân nhiệt cao bất thường, hoặc những du khách sốt cao, có nghi vấn nhiễm cúm A sẽ được cách ly, lấy mẫu theo dõi.

Cúm virus H7N9 ở Trung Quốc bị che giấu?

Tính đến chiều 13/4, đã có 46 người Trung Quốc mắc cúm virus H7N9, thế nhưng chương trình thời sự buổi tối trên truyền hình lại không hề đưa tin khiến dư luận bày tỏ nghi ngờ về việc chính quyền cố tình bưng bít, che giấu dịch bệnh.

Trên tàu điện ngầm
Trên tàu điện ngầm.

Sáng 13/4, các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đưa tin: Một bé gái 7 tuổi ở Bắc Kinh đã được xác nhận nhiễm cúm virus H7N9, đưa tổng số người bị mắc cúm virus H7N9 lên 44. Đây là ca nhiễm cúm virus H7N9 đầu tiên ở phía Bắc Trung Quốc, 43 ca trước đó đều ở khu vực ven biển phía Đông.

Điều này cho thấy cúm virus H7N9 đã bắt đầu lan ra các vùng và có nguy cơ trở thành dịch. Đến chiều 13/4, có thêm 2 ca nhiễm bệnh mới được Sở Y tế tỉnh Giang Tô xác nhận, đưa tổng số người Trung Quốc đại lục bị nhiễm cúm virus H7N9 lên 46.

Tại Thượng Hải, nơi được coi là trung tâm ổ bệnh, gia cầm, chim cảnh ở các chợ, các nhà dân cho đến các đàn chim bồ câu nuôi trong các công viên, trên các quảng trường đều đã và đang bị tận diệt. Hình ảnh mọi người trên xe bus, trên tàu điện ngầm với chiếc khẩu trang bịt kín miệng thời dịch SARS cách đây 10 năm tái hiện. Ở An Huy, các cuộc diễn tập đối phó dịch cúm virus H7N9 quy mô lớn đã được tiến hành trong sự lo ngại của dân chúng.

Sau đại dịch SARS năm 2003, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc đã tốt lên rất nhiều, nhưng nỗi lo sợ của dân chúng ngày một tăng.

Chương trình tivi buổi tối không đưa tin về diễn biến tình hình và công tác phòng bệnh ở Trung Quốc trong khi lại dành thời lượng lớn cho những chuyện bị coi là tầm phào. Việc chương trình thời sự buổi tối không đưa tin về cúm virus H7N9 đã dấy lên phản ứng rất mạnh trên các diễn đàn mạng. Nhà văn Trương Hồng Lương nói: “Không đưa tin về cúm virus H7N9, chương trình Thời sự tiếp sóng buổi tối là nỗi nhục của báo chí”.

Trong một chợ bán gia cầm ở Nam Kinh, mặc dù đã cấm bán gia cầm, nhưng chẳng ai đến phun thuốc phòng dịch tại các quầy. Khi bị phóng viên chất vấn, một nhân viên quản lý chợ giải thích “Nếu làm mạnh dễ gây nên hoảng loạn”.

Chính quyền Trung Quốc cho biết, đã bắt hàng chục kẻ tung tin đồn nhảm về dịch bệnh cúm virus H7N9 trên mạng, những người này bị phạt 500 tệ và bị giam giữ từ 5 - 10 ngày.

Dư luận bày tỏ nghi ngờ về việc chính quyền cố tình bưng bít, che giấu dịch bệnh. Kể từ khi người đàn ông họ Lý ở Thượng Hải bị mắc cúm virus H7N9 đến khi thông tin được công bố là 32 ngày.

Lan Hương
Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG