Bỏ rơi bệnh nhân viêm gan C
TPO - Thế giới đã ghi nhận hơn 170 triệu người mắc viêm gan C và hiện mỗi năm thêm khoảng 4 triệu người mắc mới.
Bệnh nhân mắc viêm gan C mạn tính đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM nhưng không được bảo hiểm chi trả. Ảnh: L.N |
Căn bệnh được cho sẽ là “đại dịch của tương lai” này cũng đang bùng phát ở Việt Nam với khoảng 4 triệu người nhiễm. Tuy nhiên, do giá thuốc quá cao khiến một phần nhỏ người bệnh trong số đó được điều trị trong khi bảo hiểm y tế vẫn đang bỏ rơi bệnh nhân.
Đứt gánh giữa đường
Đã trải qua thời gian điều trị viêm gan C được 2 tháng nhưng mới đây, bệnh nhân Nguyễn Thị Lành, 59 tuổi ở Bình Dương đành ngưng điều trị vì không còn tiên lo chi phí. “Bác sĩ nói tôi phải điều trị theo phác đồ 48 tuần, tiền thuốc lên tới 200 triệu đồng nên tôi đành thôi”- bà Lành rầu rĩ và nói thêm: “giá như có bảo hiểm y tế chi trả một phần thì đỡ khổ”.
Giá thuốc đặc trị viêm gan C dù đã giảm nhiều so với trước nhưng khi nhìn vào phác đồ điều trị với tổng chi phí tiền thuốc lên hơn 200 triệu/năm, ông Hoàng Văn Ngà, 57 tuổi ở TPHCM nói rằng thà “ôm bệnh” chứ tiền đâu để chữa trị. Con cái động viên, gom góp, đắn đo mãi cuối cùng ông chọn phác đồ cũ với giá 60 triệu/năm bằng việc tiêm 3 mũi mỗi tuần.
Được xác định viêm gan C thời kỳ đã tiến triển sang xơ gan, buộc bệnh nhân Trần Duy H. 64 tuổi ở Tiền Giang phải điều trị nếu như không muốn chuyển sang ung thư gan. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM anh H. được biết phải điều trị theo phác đồ 72 tuần với tiền thuốc mất khoảng 230 triệu đồng. Do số tiền quá lớn, anh quyết định sống chung với bệnh. Chuyện điều trị viên gan C đứt gánh giữa đường không phải hiếm đối với bệnh nhân thu nhập trung bình và khó khăn hiện nay. Ngoài chi phí tiền thuốc từ 100-200 triệu cho mỗi năm, người bệnh còn gánh thêm hàng loạt chi phí khác như xét nghiệm và các thuốc hỗ trợ khiến cho việc điều trị càng khó khăn thêm
Đến khám tại BV Chợ Rẫy, được nhân viên yêu cầu ra mua thuốc đặc trị viêm gan C, chị Nguyễn Thị Ven quá bất ngờ. Hỏi bác sĩ, chị Sen được biết, bảo hiểm y tế chưa chịu thanh toán nên bệnh nhân phải tự mua. “Chúng tôi mừng vì nghe bảo hiểm thanh toán, ai ngờ lại bắt dân bỏ tiền mua. Cả tháng nhà tôi làm chưa ra được 3 triệu thì làm sao đủ tiền mua một lọ thuốc chích giá hơn 3 triệu đồng trong một tuần”- chị Sen phàn nàn.
Chờ “cứu” đến bao giờ?
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết chỉ có khoảng 5% trong số bệnh nhân đến bệnh viện điều trị viêm gan C theo đuổi đúng phác đồ từ 48-72 tuần do chi phí điều trị quá cao. Tình trạng cũng diễn ra ở khoa gan của Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM. Theo thống kê mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 400 người mắc bệnh gan đến thăm khám, trong đó có 130 bệnh nhân bị nhiễm viêm gan C. Tuy nhiên, một phần trong số đó không chọn điều trị bởi chi phí điều trị quá cao.
Theo tìm hiểu của Tiền phong, ngày 11-7-2011 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BYT cho biết Quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 25 loại thuốc đặc trị, trong đó có thuốc điều trị viêm gan C với hai hoạt chất Interferon và Peginterferon. Tuy có hiệu lực từ 25-8-2011 nhưng đến nay người bệnh vẫn bị từ chối. TS-BS Lê Mạnh Hùng- Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đưa ra phác đồ chuẩn điều trị viêm gan C tại Việt Nam trong 48 tuần, cho thấy chi phí điều trị loại thuốc rẻ nhất là pegnano của Công ty Nanogen VN là 96 triệu đồng. Hai loại thuốc khác của 2 công ty nước ngoài sản xuất là PegIntron có giá hơn 119 triệu đồng và Pegasys giá hơn 162 triệu đồng. Ngày 10-2-2012, Bảo hiểm xã hội TPHCM có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh “đồng ý thanh toán chi phí điều trị viêm gan C” theo phác đồ này. Tuy nhiên, sau đó Bảo hiểm xã hội TPHCM lại có công văn yêu cầu ngưng thanh toán hai loại hoạt chất Interferon và Peginterferon do “chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thống nhất về quy trình quản lý người bệnh để đảm bảo điều trị hiệu quả và tiết kiệm”.
Trao đổi với Tiền phong ngày 13-12, PGS- TS Lương Ngọc Khuê- Cục Trưởng Cục khám chữa bệnh cho biết việc bảo hiểm y tế có thanh toán cho người bệnh mắc viêm gan C hay không là do Bảo hiểm VN quyết định. “Hiện TPHCM đã có phác đồ điều trị bệnh viêm gan C song Bộ Y tế sẽ phải ban hành phác đồ chuẩn mới trình với Bảo hiểm xã hội để thống nhất một phác đồ chung mới tính đến chuyện thanh toán”- ông Khuê cho biết. Trong khi đó, trả lời Tiền Phong ông Nguyễn Minh Thảo- Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết vẫn chưa có phác đồ chuẩn từ Bộ Y tế nên chưa tính đến việc có hay không xem xét chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh viêm gan C. Theo ông Thảo việc Bộ Y tế ra thông tư hướng dẫn thuốc điều trị viêm gan C là chưa phù hợp trong thời gian này. “Bắt đầu từ tháng 9 giá viện phí mới được điều chỉnh nên rất lo ngại quỹ bảo hiểm sẽ thêm gánh nặng. Trong khi chi phí cho các thuốc đặc trị viêm gan C có giá quá cao, công dụng điều trị thành công vẫn chưa cao nên khó thanh toán”- ông Thảo nói.
Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM hy vọng rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm phối hợp với Bộ Y tế thống nhất một phác đồ chung hướng dẫn cho cả nước để có căn cứ thanh toán bảo hiểm giúp dân giảm gánh nặng điều trị.
Cần sự chung tay
TS Fabio Mesquita- Chuyên gia Tổ chức y tế Thế giới cho biết, một bệnh nhân viêm gan C mỗi năm phải tiêu tốn cho tiền thuốc và các xét nghiệm liên quan khoảng 10.000 USD, tương đương hơn 200 triệu đồng. “Có khoảng 8 triệu người mắc viêm gan các loại ở Việt Nam, trong đó 10-26,7% khiến bệnh nhân xơ gan và khoảng 15% ung thư gan do viêm gan C gây ra. Tuy nhiên đến nay Việt Nam vẫn chưa có chính sách giúp người bệnh tiếp cận điều trị căn bệnh này”- TS Fabio Mesquita nói. Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh- giám đốc SCDI cho rằng tỷ lệ nhiễm viêm gan C ở Viêt Nam cao so với các nước trong khu vực một phần do người dân nhiễm bệnh mà không biết và giá thuốc điều trị quá cao. So sánh giá thành điều trị viêm gan C ở các nước cho thấy, giá thành ở Việt Nam cao ngất ngưởng. Giá thuốc Pegasys của Hãng Roche và Pegintron của MSD điều trị trong 48 tuần ở Thái Lan chỉ 4.896 USD, còn ở Brazil giá của Pegasys là 9.520USD và 9.600 đối với Pegintron trong khi ở Việt Nam giá thành điều trị lên tới 10.000 USD
GS Ming-Lung Yu- chuyên gia Gan mật đến từ Trường ĐH Y khoa Kaohsiung, Đài Loan cho rằng, viêm gan C hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm gan mạn tính và ung thư tế bào gan. “Thách thức hiện tại trong điều trị bệnh nhân viêm gan C mạn tính với phác đồ PegIFN/RBV là chi phí quá cao, hiệu quả thấp kèm một số tác dụng phụ”- ông nói. Tuy nhiên theo người này, nếu Chính phủ nên chỉ đạo cơ quan bảo hiểm đứng ra thương lượng với các hãng dược để có giá hợp lý, đồng thời đồng chi trả với bệnh nhân giúp họ có điều kiện điều trị. Tại cuộc gặp gỡ với các nhà báo phụ trách y tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương mới đây, nhiều nhà báo cho biết bảo hiểm y tế gần như thanh toán cho chi phí điều trị viêm gan C. Nhà báo Maithili Vasudevan- Biên tập cho tờ HealthToday ở Malaysia, cho biết bảo hiểm y tế thanh toán 100% cho các thuốc đặc trị, trong đó có viêm gan. “Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị viêm gan C từ 22-48 tuần theo phác đồ và bảo hiểm chi trả đến 70%”- Eunmyung Lee đến từ Hàn Quốc cho biết.
Giám đốc một công ty dược trong nước cho biết, ở Thái Lan, Singapore hay Mỹ… bảo hiểm xã hội sẽ thương lượng trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc để có giá tốt nhất giúp người bệnh tiếp cận thuốc giá rẻ. “Việt Nam lại khác, bảo hiểm chưa làm việc này mà các bệnh viện tự do đấu thầu và giá thuốc vẫn cao do nhiều tầng nấc, chi phí”- người này nói.
Lê Nguyễn