Lật tẩy chiêu đẩy giá thuốc

Lật tẩy chiêu đẩy giá thuốc
Với chiêu “phù phép” xuất nhập khẩu giữa Công ty GlaxoSmithKline Pte Ltd Singapore (GSK) và một công ty dược VN, giá một số loại thuốc được đẩy lên gấp 4-5 lần trong quá trình đi vòng vèo trên giấy.

Lật tẩy chiêu đẩy giá thuốc

> Khó kìm giá thuốc

Với chiêu “phù phép” xuất nhập khẩu giữa Công ty GlaxoSmithKline Pte Ltd Singapore (GSK) và một công ty dược VN, giá một số loại thuốc được đẩy lên gấp 4-5 lần trong quá trình đi vòng vèo trên giấy.

Đường đi của giá thuốc từ nhà sản xuất đến thị trường
Đường đi của giá thuốc từ nhà sản xuất đến thị trường.

Tháng 9-2010, Công ty cổ phần dược phẩm Savi (Savipharm, KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) và GSK ký kết “chuyển giao quyền lưu hành sản phẩm của Savipharm cho GSK Singapore”. Ba tháng sau, hai bên tiếp tục ký “hợp đồng sản xuất và cung ứng thuốc”.

Hai công ty này được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho phép chuyển nhượng số đăng ký thuốc (số lưu hành của sản phẩm trên thị trường) cho nhau theo quy định của Bộ Y tế. Từ việc chuyển nhượng này đã xuất hiện những chuyện mờ ám, khiến giá thuốc tăng chóng mặt.

Thay tên, đổi vỏ

Theo tìm hiểu của PV, trong khoảng thời gian từ năm 2008-2011, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép lưu hành sản phẩm (gọi tắt cấp phép) cho Savipharm 15 mặt hàng thuốc. Tất cả các thuốc này đều không phải là thuốc đặc trị (chỉ là các loại thuốc thông thường như thuốc bổ, kháng sinh, tiêu hóa...). Năm 2010 và 2011, Cục Quản lý dược có công văn đồng ý cho Savipharm thay đổi công ty đăng ký và thay đổi tên thuốc đối với các mặt hàng nói trên cho GSK.

Trong các văn bản mà Cục Quản lý dược cho phép Savipharm thay đổi công ty đăng ký và thay đổi tên thuốc đều nói rõ: “Ngoài những nội dung được thay đổi, tất cả các nội dung khác giữ nguyên như hồ sơ đăng ký thuốc lưu tại Cục Quản lý dược”. Sau đó, Cục Quản lý dược cấp lại giấy phép các thuốc được đổi tên cho GSK với số đăng ký y như đã cấp cho Savipharm. Điều này đồng nghĩa với hồ sơ sản xuất, kỹ thuật bào chế không có gì thay đổi, tính mới của sản phẩm cũng không có bổ sung.

Sau khi Savipharm ký kết “hợp đồng sản xuất và cung ứng thuốc” với GSK, thời gian qua Savipharm thực hiện sản xuất 6/15 mặt hàng thuốc. Sản xuất xong, Savipharm xuất khẩu tại chỗ cho GSK thông qua nhà nhập khẩu là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 (Phytopharma, ở TP.HCM) với giá thành xuất khẩu rất thấp.

Cụ thể, theo hồ sơ, từ ngày 18-10-2011 đến 17-5-2012, Savipharm thực hiện xuất khẩu tại chỗ sáu đợt thuốc, với số lượng tổng cộng 103.963 hộp cho sáu loại thuốc. Trị giá tiền xuất khẩu khai báo hải quan trên 3,1 tỉ đồng (không VAT). Tuy nhiên, toàn bộ số thuốc này được Phytopharma thực hiện nhập khẩu tại chỗ với giá khai báo hải quan hơn 1 triệu USD. Giá 1 USD ở thời điểm nhập các lô hàng này bình quân là 20.793 đồng.

Như vậy, chỉ qua việc thay tên, đổi vỏ từ thuốc sản xuất trong nước thành nước ngoài, tổng cộng sáu loại thuốc này bị đẩy giá lên gần 18,2 tỉ đồng. Có ba loại thuốc của Savipharm sau khi được “thay áo mới” đã tăng giá gấp 2-3 lần và ba loại thuốc tăng giá hơn 4 lần. Giá đến tay người bệnh thật sự còn cao hơn nữa (xem bảng).

Bảng giá 6 loại thuốc sau khi “thay tên mới”

Lật tẩy chiêu đẩy giá thuốc ảnh 2


Không minh bạch?

Trả lời về việc nhượng số đăng ký thuốc của Savipharm cho GSK, ông Trần Tựu - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Savipharm - cho rằng trong quá trình hợp tác, GSK chuyển giao hệ thống các văn bản quản lý chất lượng và thực hiện đào tạo, chuyển giao công nghệ cho cán bộ chủ chốt cho Savipharm... Nhờ chuyển giao này, Savipharm đã sản xuất thuốc theo chuẩn mực chất lượng của GSK và xuất khẩu tại chỗ một số sản phẩm cho GSK.

Ông Tựu khẳng định việc hợp tác giữa Savipharm với GSK giúp người bệnh tiếp cận được nguồn thuốc theo tiêu chuẩn của GSK có chất lượng tương đương thuốc nhập khẩu từ các nước phát triển nhưng giá chỉ bằng 40-50% giá thuốc nhập khẩu.

Việc hợp tác còn “góp phần kiểm soát được giá thuốc và nguồn thuốc ổn định với chất lượng cao, giảm phụ thuộc thuốc nhập khẩu, thay thế dần thuốc ngoại nhập bằng nguồn thuốc sản xuất trong nước ổn định với giá phải chăng...”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc giá đến tay người bệnh tăng rất cao so với giá xuất bán của Savipharm thì ông Tựu nói không hay biết gì.

Trao đổi về việc giá thuốc tăng quá cao sau khi “thay tên, đổi áo” của GSK và Savipharm, giám đốc một công ty dược phẩm lớn (đề nghị giấu tên) hết sức ngạc nhiên và bất bình.

Vị giám đốc này nói: “Tôi nghĩ ở đây có vấn đề. Rõ ràng số đăng ký của 15 loại thuốc không thay đổi khi được chuyển từ Savipharm sang cho GSK đứng tên đăng ký. Số đăng ký thuốc không đổi tức là hồ sơ sản xuất, công nghệ bào chế phải giữ nguyên.

Về mặt khoa học, tính chất mới của sản phẩm như vậy là không có gì thay đổi. Do đó, việc đẩy giá thuốc từ mức vài trăm đồng lên vài ngàn đồng một viên như vậy là không minh bạch”.

Cũng theo vị giám đốc này, về mặt thương mại có thể “gắn tên, gắn tuổi” khác nhưng về bản chất thuốc không thay đổi thì giá thuốc cũng không thể tăng quá mức như vậy. Ngay cả việc GSK chuyển giao hệ thống văn bản quản lý chất lượng hay đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng không liên quan gì đến công thức bào chế thuốc.

Nhiều công ty dược trong nước mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ, chuyển giao công nghệ nhưng giá thuốc đâu có tăng khủng khiếp như vậy. Vị giám đốc này cho biết thêm nếu doanh nghiệp muốn thay đổi giá thuốc cũng phải được sự đồng ý của Cục Quản lý dược.

15 mặt hàng thuốc được khoác “áo mới”

Hai trong số sáu loại thuốc bị đẩy giá lên quá cao sau khi được chuyển công ty đăng ký và đổi tên thuốc. Ảnh: L.TH.H.
Hai trong số sáu loại thuốc bị đẩy giá lên quá cao sau khi được chuyển công ty đăng ký và đổi tên thuốc. Ảnh: L.TH.H.

Tên khi được Cục Quản lý dược cấp phép cho Savipharm: Savi C 1000, Savi Multivitamin Adult, Savi Broxol 30, Savi Calcium 500, Savi BDD, Savi Dome 10, Savi Lope 2, Savi Direin, Glimepiride Savi 4, Meloxicam Savi 15, Meloxicam Savi 7.5, Savi Metformin 500, Metformin Savi 850, Metformin Savi 1000 và Savi Zentac.

Tên thuốc sau khi được đổi: Vitamin C GSK 1000mg, Multivitamin GSK Adult, Ambroxol GSK 30mg, Calcium GSK 500mg, BDD GSK 25mg, Domperidone GSK 10mg, Loperamide GSK 2mg, Diacerein GSK 50mg, Glimepiride GSK 4mg, Meloxicam GSK 15mg, Meloxicam GSK 7.5mg, Metformin GSK 500mg, Metformin GSK 850mg, Metformin GSK 1000mg và Ranitidine GSK 150mg.

Theo Lê Thanh Hà
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nhà báo Phùng Công Sưởng: 'Thanh Thủy truyền cảm hứng cho giới trẻ'
Nhà báo Phùng Công Sưởng: 'Thanh Thủy truyền cảm hứng cho giới trẻ'
TPO - Phát biểu tại họp báo, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - thay mặt ban tổ chức HHVN 2022 nhấn mạnh: “Cô ấy đã thực sự tỏa sáng rực rỡ trước hơn 70 thí sinh quốc tế và đem vinh quang về cho nhan sắc nước nhà. Chúng tôi rất vui và tự hào vì thành quả của Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy. Đây là lần đầu HHVN đăng quang ở cuộc thi quốc tế có uy tín, bề dày này”.
Dịp 20/11 Hà Nội chuyển lạnh ẩm kéo dài
Dịp 20/11 Hà Nội chuyển lạnh ẩm kéo dài
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại khu vực Thủ đô Hà Nội ít ngày qua có biến động khó lường, với việc không khí lạnh kéo về muộn, tác động gây mưa và hạ nhiệt ở khu vực cũng chưa rõ rệt. Dự kiến từ đêm 20/11 Hà Nội chuyển lạnh ẩm và có thể kéo dài nhiều ngày.