>> Nhật: Rau quả nhiễm phóng xạ cao hơn 27 lần cho phép
Các khu vực sơ tán quanh nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima. Nguồn: BBC . |
Peter Cordingley, Phát ngôn viên của WHO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng trụ sở tại Philippines, nói rằng, ngày càng lo ngại về việc bụi phóng xạ do sự cố tại các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima thoát ra đã nhiễm vào nguồn nước và không khí. Các chuyên gia xác định bụi phóng xạ đã nhiễm vào nước uống, sữa, thực phẩm tại khu vực trong vòng bán kính ảnh hưởng của bụi phóng xạ.
Phát biểu với báo chí, ông Cordingley nói rằng, rõ ràng là tình hình rất nghiêm trọng, thậm chí nghiêm trọng hơn rất nhiều so với người ta vẫn nghĩ vào vài ngày đầu sau khi vụ khủng hoảng hạt nhân tại khu vực động đất, sóng thần. Khi đó, mọi người đều tin rằng, ô nhiễm phóng xạ chỉ ảnh hưởng vùng bán kính từ 20 đến 30 km, ngoài vùng bán kính này được xem là an toàn.
Ông Cordingley thông báo, cho đến nay chưa phát hiện bằng chứng nào về thực phẩm nhiễm phóng xạ từ vùng ảnh hưởng đã được vận chuyển đến các nước khác.
Bộ Y tế Nhật Bản kêu gọi người dân gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima không uống nước trực tiếp từ vòi như trước đây vì các chuyên gia đã phát hiện độ phóng xạ iốt cao trong nước sinh hoạt. Các trường hợp rau xanh và sữa nhiễm xạ vừa được phát hiện đã làm trầm trọng hơn các mối lo ngại của dân chúng Nhật Bản, bất chấp việc các quan chức chính phủ nước này luôn khẳng định mức độ ô nhiễm phóng xạ chưa gây nguy hiểm trực tiếp đến con người.
Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh cấm bán rau chân vịt trồng tại bốn tỉnh. Riêng sữa sản xuất tại tỉnh Fukushima, nơi có nhà máy điện hạt nhân, đã bị cấm lưu hành trên thị trường.
Ngày 21-3, lực lượng cảnh sát quốc gia Nhật Bản thông báo, số người chết trong trận động đất, sóng thần ngày 11-3 lên tới 8.649 (ở 12 tỉnh) và lượng người mất tích là 13.262 (tại 6 tỉnh). |
Tại Tokyo, tuy chưa có báo cáo cụ thể về thực phẩm nhiễm xạ nhưng các quan chức thành phố này xác nhận mức độ phóng xạ iốt ở địa phương đo được cao hơn mức cho phép đối với một số loại ra quả.
Jim Smith, chuyên gia về khoa học môi trường Trái Đất của Trường Đại học Portsmouth (Anh), nói rằng, ông có nghe được thông tin về mức độ phóng xạ iốt và caesium trong sữa và một số thực phẩm khác ở Nhật Bản cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khi ăn các thực phẩm đó, người ta ngay tức khắc bị nhiễm phóng xạ. Phải ăn các thực phẩm này trong một thời gian dài, người ta mới bị nhiễm xạ đến độ nguy hiểm.
Nhật Bản xuất khẩu trái cây, rau củ và thực phẩm dùng hằng ngày như hải sản, rong biển, sữa… chủ yếu sang Hong Kong, Mỹ, Trung Quốc. Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã tổ chức soi thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Hàn Quốc cũng lập một hệ thống soi chiếu nhằm phát hiện thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản có bị nhiễm phóng xạ hay không, đặc biệt là đối với thực phẩm chế biến, nông sản khô từ các sản phẩm vừa được sản xuất. Tại Đài Bắc (Đài Loan), một tiệm ăn Nhật Bản cung cấp cho khách thiết bị đo cường độ phóng xạ trong các món ăn nhằm làm yên lòng khách.
Đ.P
Theo Reuters