Triều Tiên những ngày tới

Triều Tiên những ngày tới
TP - Đoàn kết và tiếp tục ổn định. Đó là nhận xét của nhiều nhà quan sát tình hình Triều Tiên trong và ngoài khu vực. Đó cũng là cảm nhận của nhiều người Triều Tiên bày tỏ sau khi Chủ tịch Kim Jong Il qua đời hôm 17-12.

> Ông Kim Jong-il mất tác động gì đến khu vực?

Theo tin của Hãng Thông tấn xã KCNA và báo chí Triều Tiên, quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ biến sự mất mát to lớn này thành động lực tinh thần cho sự nghiệp sắp tới.

Sự lo lắng đã được ghi nhận ở các nước xung quanh. Hàn Quốc đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Noda tổ chức họp khẩn để đánh giá tình hình và bàn biện pháp đề phòng ứng phó. Mỹ, đồng minh thân cận của hai quốc gia Đông Bắc Á này bên kia Thái Bình Dương, tuyên bố sẽ duy trì “liên lạc chặt chẽ” với cả Tokyo và Seoul.

Thủ tướng New Zealand đề cập đến một vài quan ngại về tương lai Triều Tiên. Trong khi đó, nhìn chung các nước Đông Nam Á bày tỏ cảm thông, chia sẻ với Triều Tiên. Ở “khoảng giữa” là thái độ của Thủ tướng Úc, bày tỏ hy vọng mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhất là đối với quá trình “chuyển giao quyền lực”.

Phản ứng của thị trường có lẽ là “hàn thử biểu” tin cậy cho việc tham khảo đánh giá tình hình Triều Tiên và hệ lụy của nó vào những ngày tới. Mặc dù thị trường chứng khoán châu Á gần như ngay lập tức giảm điểm gần 5% sau đó nhưng chủ yếu tập trung vào chỉ số Kospi của Hàn Quốc và điểm cổ phiếu của các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung và LG.

Hơn nữa, sự lo ngại về kinh tế, nhất là khả năng về sự đổ vỡ của Hàn Quốc, chỉ bị nhân lên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối diện nguy cơ bị suy thoái trở lại. Hay nói cách khác, nhiều người tin rằng tình hình sẽ trong tầm kiểm soát của Bình Nhưỡng và do đó sự lo lắng xung quanh sẽ sớm được trấn an.

Cảm giác bất an ban đầu phỏng đoán từ quá trình chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng thực tế đã phần nào lắng xuống sau khi hãng KCNA kêu gọi người dân đoàn kết ủng hộ xung quanh Đại tướng Kim Jong-un, người con trai út của Chủ tịch Kim.

Bản thân “Người kế vị vĩ đại” cũng đã xuất hiện và tham gia vào nhiều hoạt động chính trị lớn của đất nước hơn 2 năm nay. Năm 2010, hãng Forbes xếp Đại tướng 28 tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, người từng du học ở Thụy Sĩ, vào vị trí thứ 31 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới.

Trước đây Chủ tịch Kim cũng có thời gian “tập sự” lãnh đạo vài năm trước khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời năm 1994. Năm 1993, ông đã đảm nhiệm chức Phó và sau đó là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Từ 1992, ông đã là Tổng Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên. Đến năm 1997, ông Kim Jong Il được bầu giữ chức Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên.

Cảm giác đau buồn bao trùm Triều Tiên những ngày này cho thấy thái độ tin tưởng cao của người dân đối với lãnh tụ của họ. Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc chính thức bày tỏ tin tưởng và sự ủng hộ đối với vai trò lãnh đạo của Đại tướng Kim Jong-un, Trưởng ban Tang lễ quốc gia.

Ngày 20-12, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh bày tỏ sự chia buồn sâu sắc, cử chỉ ngoại giao cấp cao nhất cho thấy quan hệ hai nước sẽ không có đột biến trong thời gian tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG