CIA theo dõi Facebook, Twitter

CIA theo dõi Facebook, Twitter
TP - Trong khu nhà gạch nhỏ nhắn ở một khu công nghiệp vô danh thuộc bang Virginia, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (CIA) rình mò các bài viết trên mạng xã hội, phòng tán gẫu trực tuyến…

Ngoài các bài viết người dùng đăng trên Twitter gọi chung là tweet (mỗi ngày có tới 5 triệu tweet mới xuất hiện), CIA còn săm soi mạng xã hội Facebook, báo chí, kênh tin tức trên TV, đài phát thanh địa phương, chatroom trên Internet… Công việc dòm ngó, đào bới thông tin trực tuyến diễn ra tại Trung tâm Nguồn Mở của CIA. Nhóm thực hiện được gọi một cách trìu mến là “những thủ thư báo thù”.

Các nhà phân tích thu thập thông tin thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ, hình thức, từ tiếng Ảrập đến tiếng Trung, từ một tweet giận dữ đến một blog trầm tư. Họ tham khảo chéo với báo địa phương hoặc một cuộc nói chuyện qua điện thoại được ghi âm bí mật.

Từ đó, họ xây dựng một bức tranh càng chi tiết càng tốt để Nhà Trắng hình dung tình hình theo thời gian thực. Ví dụ, tâm trạng của chính quyền, người dân một khu vực sau khi đặc nhiệm hải quân Mỹ đột kích tư dinh Osama bin Laden tại Pakistan, bắn chết trùm khủng bố. Hoặc có thể dự đoán chính biến ở một quốc gia nào đó ở Trung Đông, dựa trên thông tin cho thấy điều kiện bùng nổ phong trào đòi nổi dậy dường như đã chín muồi.

Các nhà phân tích đã nhìn thấy phong trào nổi dậy ở Ai Cập; họ chỉ không biết chính xác khi nào thì nó bùng nổ, Doug Naquin, Giám đốc Trung tâm Nguồn Mở của CIA, nói.

Tranh vẽ trên tường trường đại học ở Ai Cập hồi tháng 3 Ảnh: Manoocher Deghati
Tranh vẽ trên tường trường đại học ở Ai Cập hồi tháng 3 Ảnh: Manoocher Deghati.

Trung tâm đã dự đoán đúng rằng truyền thông xã hội ở những nước như Ai Cập có thể trở thành nhân tố thay đổi và mối đe dọa chế độ, ông Naquin nói với phóng viên hãng AP (Mỹ). Theo các quan chức CIA, chuyến thăm của phóng viên tới Trung tâm là đầu tiên và duy nhất được cấp phép tính tới ngày 4-11.

Những siêu hacker

Trung tâm Nguồn Mở được thành lập theo đề xuất của Ủy ban 11-9, với ưu tiên số một là chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí. Tuy nhiên, hàng trăm nhà phân tích (con số thực tế được coi là bí mật của Mỹ) theo dõi trên phạm vi lớn hơn, từ truy cập Internet ở Trung Quốc đến tâm trạng người dân trên đường phố Pakistan.

Phần lớn nhà phân tích của Trung tâm tập trung ở bang Virginia, số còn lại nằm ở các đại sứ quán Mỹ khắp thế giới. Giám đốc Naquin nói rằng, những nhà phân tích giỏi nhất giống như nhân vật chính trong tiểu thuyết về tội phạm The Girl With the Dragon Tattoo (Cô gái với hình xăm rồng) - một tin tặc “biết tìm thấy những thứ mà người khác không biết chúng tồn tại”.

Trung tâm ưu tiên tuyển dụng người có bằng thạc sĩ về khoa học thư viện và biết nhiều ngoại ngữ, đặc biệt từng sống trong môi trường nước ngoài, ông Naquin nói.

Trung tâm bắt đầu tập trung vào truyền thông xã hội sau khi những hoạt động thông qua Twitter làm rung chuyển chế độ Iran trong Cách mạng Xanh năm 2009, khi hàng nghìn người phản đối kết quả bầu cử Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử. “Khi đó, Farsi (ngôn ngữ phổ biến ở vùng Vịnh) có mặt nhiều thứ 3 trên các blog”, ông Naquin nói.

Các phân tích của Trung tâm được đưa vào báo cáo tình báo hằng ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sau khi bin Laden bị tiêu diệt hồi tháng 5, CIA theo dõi Twitter để Nhà Trắng nhanh chóng nắm được dư luận thế giới.

Thầy bói nói không dựa

Vì tweet không nhất thiết phải gắn với vị trí địa lý nhất định, các nhà phân tích chia phản ứng của người viết theo ngôn ngữ. Kết quả là phần lớn tweet viết bằng tiếng Urdu (ngôn ngữ của Pakistan) và tiếng Trung có nội dung không đồng tình hoặc phản đối dữ dội. Các quan chức Pakistan phản đối vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ, coi đây là sự xâm phạm chủ quyền quốc gia. Vụ việc khiến quan hệ Mỹ-Pakistan thêm căng thẳng.

Nhân viên CIA có mặt ở nhiều đại sứ quán Mỹ khắp thế giới. Ảnh: Widescreenwallpapers.org
Nhân viên CIA có mặt ở nhiều đại sứ quán Mỹ khắp thế giới. Ảnh: Widescreenwallpapers.org.

Vài tuần sau vụ đột kích, Tổng thống Mỹ phát biểu về các vấn đề Trung Đông. Trong 24 giờ sau bài phát biểu, có thêm các tweet phản đối đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Algeria, vùng Vịnh và Israel. Những người dùng tiếng Ảrập và Turkic (ngôn ngữ của người Turkic có nhiều ở Đông Âu, Địa Trung Hải, Siberia và miền Tây Trung Quốc) đăng tweet phê phán ông Obama o bế Israel. Các tweet tiếng Hebrew (Do Thái cổ) chỉ trích bài phát biểu là ủng hộ Ảrập.

Vài ngày sau đó, các hãng tin lớn đăng tải tin bài với nội dung như các nhà phân tích của Trung tâm Nguồn Mở đã tìm ra. Dựa vào việc nghe lén và cử người thu thập thông tin tại hiện trường, tình báo Mỹ cũng đưa ra kết luận tương tự.

Trung tâm Nguồn Mở cũng đang trong quá trình so sánh kết quả truyền thông xã hội với hồ sơ lưu trữ của các tổ chức thăm dò dư luận để xem bên nào đưa ra kết quả chính xác hơn, ông Naquin nói.

Các mạng xã hội như Facebook, Twitter… cũng trở thành nguồn chính để Trung tâm theo dõi các cuộc khủng hoảng diễn ra với tốc độ cao, ví dụ vụ bạo loạn khắp thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi tháng 4, tháng 5 năm ngoái, Phó giám đốc Trung tâm nói. Vị phó giám đốc yêu cầu không được nêu tên vì ông thỉnh thoảng hoạt động như một đặc vụ ở nước ngoài. Vị trí của Trung tâm cũng được giữ bí mật để tránh bị tấn công trực tiếp hoặc qua mạng.

Vị phó giám đốc là một trong 20 yếu nhân Mỹ giúp Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok hoạt động ổn định trong suốt giai đoạn nhiều người biểu tình tràn xuống phố khiến các nhà ngoại giao Mỹ, Thái Lan mắc kẹt ở nhà. Khi quân đội triển khai quân trên đường phố, tốc độ đưa tin theo kiểu truyền thống bị chậm lại vì phóng viên bị kẹt trên đường hoặc bị các lực lượng của chính phủ đe dọa.

“Nhưng trong vòng một giờ, thông tin tràn ngập trên Twitter và Facebook”, vị phó giám đốc nói. CIA tập trung nghiên cứu tweet về tình hình hiện trường kèm ảnh chụp bằng điện thoại di động của 12-15 người. Sau đó, họ tham khảo chéo với những tin bài chính thống để xem blogger nào cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất. Cuối cùng, khoảng 2/3 số báo cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok thời kỳ bạo loạn được gửi về Washington là do CIA phân tích từ Trung tâm Nguồn Mở.

Minh Long
Theo AP

Trung Quốc đóng cửa 50 tiểu blog

Trung Quốc mới đây đóng của 50 microblog đăng hình ảnh, video khiêu dâm, thông tin môi giới mại dâm, quảng cáo trái phép các sản phẩm liên quan tình dục…

Ngày càng có nhiều người dùng điện thoại di động để đăng bài trên Twitter. Ảnh: Uchinatravel.com
Ngày càng có nhiều người dùng điện thoại di động để đăng bài trên Twitter. Ảnh: Uchinatravel.com.

Nhiều cơ quan Trung Quốc đang kêu gọi tăng cường kiểm soát những tiểu blog kiểu như Twitter đang phát triển mạnh với khoảng 220 triệu người dùng. Nhiều microblog đăng ý kiến thảo luận chính sách của chính phủ và thông tin chi tiết về các vụ bê bối. Trong vụ đoàn tàu hỏa cao tốc đâm nhau hồi tháng 7 khiến 40 người chết, nhiều blogger cho rằng, quan chức ngành đường sắt thiếu trách nhiệm.

Gần đây, Trung Quốc tăng cường quản lý nội dung trên Internet, ngăn truy cập các website có nội dung đồi trụy và một số mạng xã hội nước ngoài.

Thái An
Theo Reuters, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG