>> Triều Tiên dọa tấn công Hàn Quốc, Mỹ
Lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc tập đổ bộ từ đường biển . Ảnh: AP |
Đây là lần đầu tiên Mỹ và Hàn Quốc tập trận lớn phối hợp cả ba quân chủng, kể từ khi có cuộc đấu pháo qua biên giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên. Tham gia cuộc tập trận lần này có 12.800 lính Mỹ và hơn 200.000 lính Hàn Quốc cùng quân dự bị. Hầu hết số quân Mỹ không đồn trú tại Hàn Quốc.
Mục đích chính của cuộc tập trận được Bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp Mỹ - Hàn công bố là để bảo vệ Hàn Quốc và phản công mọi cuộc tấn công từ bên ngoài. Những ngày đầu, cuộc tập trận được thực hiện trên máy tính, sau đó có màn tập bắn đạn thật kéo dài 11 ngày.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp Mỹ - Hàn nói rằng, cuộc tập trận đã được vạch kế hoạch từ lâu nên không gắn với bất cứ sự kiện nào hiện nay trên thế giới.
Chỉ vài giờ sau khi cuộc tập trận bắt đầu, CHDCND Triều Tiên cảnh báo về một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhật báo Rodong Sinmun ở Bình Nhưỡng được hãng thông tấn T.Ư Triều Tiên (KCNA) trích lời phát đi rằng: “Đây là một âm mưu chống lại dân tộc nhằm kéo dài tình trạng đối đầu và căng thẳng để thực hiện âm mưu tấn công xâm lược miền Bắc Triều Tiên… Mối nguy hiểm về một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang bị làm trầm trọng hơn”.
Hôm 27-2, Bình Nhưỡng nói rằng, nếu bị khiêu khích, quân đội Triều Tiên sẽ phản kích không khoan nhượng, nhấn chìm Seoul trong biển lửa… Bình Nhưỡng tỏ ra tức giận trước việc Hàn Quốc trở lại các hình thức tuyên truyền trước đây như việc cho những nhà hoạt động thả bóng bay và truyền đơn qua biên giới sang phía Triều Tiên, nói những lời chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Việc làm này của phía Hàn Quốc được hiểu là sử dụng kỹ thuật cũ để truyền bá thông tin về những cuộc nổi dậy ở các nước Ảrập.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung hôm 28-2 nói rằng, việc lên án và gọi cuộc tập trận này là xâm lược, khiêu khích không giúp gì cho mối quan hệ liên Triều.
Một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết, mặc dù Bình Nhưỡng đe dọa trả đũa nhưng trên thực tế chưa ghi nhận được bất cứ hoạt động quân sự khác thường nào bên phía Triều Tiên.
Sau nhiều tuần căng thẳng do các vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng đang thúc đẩy cho một cuộc đối thoại với Seoul, bày tỏ mong muốn trở lại bàn đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Vừa qua, cuộc gặp cấp đại tá quân đội liên Triều đã được tổ chức ở khu phi quân sự Bàn Môn Điếm nhưng không đạt được kết quả nào trong việc dàn xếp cho các cuộc gặp quân sự cấp cao hơn giữa hai nước.
Đ.P
Theo AP