Đặc nhiệm Hàn Quốc bí mật tiếp cận boong tàu Samho Jewelry . Ảnh: AP |
Chiến dịch Bình minh vịnh Aden bắt đầu hồi đầu tuần khi tàu khu trục Choi Young của Hàn Quốc mang theo 300 lính đặc nhiệm theo dấu tàu chở hàng Samho Jewelry có trọng tải 11.500 tấn. “Lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi đột chiếm Samho Jewelry sáng nay, tiêu diệt 8 cướp biển Somalia, bắt sống 5 tên, cứu được tất cả con tin gồm 8 người Hàn Quốc, 2 người Indonesia và 11 người Myanmar. Thuyền trưởng tàu Samho Jewelry bị thương do đạn bắn vào bụng nhưng không nguy hiểm tính mạng”, Trung tướng Lee Seong-ho, chỉ huy bộ phận chiến đấu của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), thông báo tại cuộc họp báo ngày 21-1 tại Seoul.
“Chiến dịch này thể hiện sự quyết chí của chính phủ rằng chúng ta không còn khoan nhượng với các hoạt động bất hợp pháp của cướp biển”, ông nói.
Chiến dịch bắt đầu lúc 5 giờ (giờ địa phương) ở vùng biển cách bờ biển đông bắc Somalia khoảng 1.300km. Hàng chục lính đặc nhiệm Cheonghae lên 3 xuồng cao tốc áp sát tàu Samho Jewelry.
Cheonghae là đơn vị hải quân Hàn Quốc chịu trách nhiệm chống cướp biển ở vịnh Aden ngoài khơi Somalia theo chương trình quốc tế chống hải tặc bắt đầu từ tháng 3-2009.
Trung tướng Lee Seong-ho tả lại chiến dịch giải cứu qua sơ đồ . Ảnh: Reuters |
Các quan chức JCS nói rằng, họ quyết định tấn công vì toán cướp biển dường như suy yếu sau những ngày bị khu trục hạm Choi Young truy đuổi. Ngoài ra, thời điểm đột kích cũng dựa trên tin tình báo rằng, một con tàu đang rời cảng ở Somalia, có thể chở thêm cướp biển tới tàu hàng bị cướp.
Trong một tuyên bố được phát trên truyền hình ngày 21-1, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói rằng, quân đội nước này đã “thực hiện chiến dịch một cách hoàn hảo trong hoàn cảnh khó khăn”. “Chúng ta sẽ không tha thứ bất kỳ hành động nào đe dọa mạng sống và sự an toàn của người dân chúng ta”, ông nói. Một ngày sau khi tàu hàng Samho Jewelry bị bắt giữ, Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh cho hải quân nước này “áp dụng mọi biện pháp có thể” để giải cứu thủy thủ đoàn. |
Tàu khu trục trọng tải 4.500 tấn và các máy bay trực thăng Lynx bắn cảnh cáo sau khi lính đặc nhiệm lặng lẽ tiếp cận boong tàu Samho Jewelry. Cướp biển dùng súng trường AK-47 và súng phóng rocket chống trả quyết liệt. Ngay lập tức, đặc nhiệm Hàn Quốc khai hỏa. Vụ đấu súng kéo dài khoảng 5 giờ.
Tàu Samho Jewelry chở hóa chất trên đường từ Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất tới Sri Lanka thì bị cướp biển bắt giữ thứ 7 tuần trước ở vùng biển giữa Oman và Ấn Độ. Thứ 3 tuần này, khu trục hạm Choi Young phát hiện cướp biển rời tàu hàng Samho Jewelry để cướp một tàu Mông Cổ ở gần đó. Ngay lập tức, lính đặc nhiệm Hàn Quốc lên một xuồng máy cao tốc và một máy bay trực thăng Lynx để đến giải cứu tàu Mông Cổ.
“Cướp biển Somalia nổ súng. Các tay súng trên máy bay lên thẳng lập tức đáp trả. Vài tên cướp biển rơi xuống nước. Chúng tôi tin rằng chúng đã chết. Ba chiến sĩ của chúng ta bị thương nhẹ và được chuyển tới một bệnh viện ở Oman”, Đại tá Lee Bung-woo, phát ngôn viên của JCS, nói.
Hai tháng trước, cướp biển Somalia thả một tàu chở dầu Hàn Quốc sau khi nhận khoản tiền chuộc 9,5 triệu USD. Tàu chở dầu bị hải tặc giữ 7 tháng. Tính đến nay, 7 tàu chở công dân Hàn Quốc bị cướp biển Somalia bắt giữ. Một tàu cá vẫn bị giữ từ tháng 10-2010, trong khi những tàu còn lại (trừ Samho Jewelry) được thả sau khi nộp tiền chuộc.
Vài nghị sĩ Somalia coi hải tặc là anh hùng
Trước khi Hàn Quốc tấn công cướp biển Somalia, quốc hội Somalia từ chối thông qua dự luật đưa cướp biển ra ngoài vòng pháp luật. Tình trạng vô chính phủ do nội chiến 2 thập kỷ qua ở Somalia khiến cướp biển ngày càng lộng hành, yêu cầu các khoản tiền chuộc ngày càng lớn.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Somalia coi hải tặc là anh hùng vì đã khiến tàu cá nước ngoài tránh xa vùng biển nước này. Theo các nghị sĩ này, cướp biển giống như lực lượng bảo vệ bờ biển không chính thức của Somalia. Các nghị sĩ đang sửa đổi dự luật theo hướng coi việc tàu nước ngoài đánh cá ở vùng biển Somalia là hành vi phạm tội.
Theo một số nhà phân tích phương Tây, ngư trường Somalia có nhiều cá và tàu nước ngoài thường dùng lưới rà đánh bắt mạnh tay trong vùng biển nước này. Bị khai thác quá mức nhiều năm qua, nguồn lợi hải sản của Somalia cạn kiệt dần, ảnh hưởng đời sống ngư dân địa phương. Một số ngư dân đã trở thành cướp biển hoặc cung cấp tài chính, phương tiện cho lực lượng này.
Theo thống kê của Cơ quan Hàng hải Quốc tế, năm 2010, cướp biển bắt giữ 53 tàu với tổng cộng 1.181 thủy thủ làm con tin, trong đó 49 tàu bị tấn công ở ngoài khơi Somalia. Tỷ lệ thành công của cướp biển (số vụ chiếm tàu, bắt con tin thành công so với số lần tấn công) giảm xuống 20-30% năm 2010, so với mức 50% mấy năm trước. Một tổ chức tư vấn của Mỹ ước tính, cướp biển mỗi năm gây thiệt hại 7-12 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Hiện không có hệ thống luật quốc tế dành cho những người bị buộc tội là cướp biển. Dù một số người đã bị đem ra xét xử ở Kenya, nhưng chính phủ Kenya nói rằng, sẽ là không công bằng nếu tất cả nghi phạm cướp biển được gửi tới nước này. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, cần có tòa án quốc tế do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, thậm chí nên có nhà tù quốc tế dành cho cướp biển bị kết án.
Minh Long
Tổng hợp