Độc hành săn lùng cổ vật
Gia tài chum, ché, chiêng, bình… cổ của A lăng Linh (thôn Prao, thị trấn Prao, Đông Giang, Quảng Nam), là những cổ vật hiếm có của người Cơtu cổ xưa. Không giống với những đại gia đồ cổ khác, anh vẫn chỉ là người dân Cơtu bình thường.
Câu chuyện đồ cổ bắt đầu bén duyên với Alăng Linh từ năm 1977. Thời đó, chum, ché hoặc những đồ cổ chưa thuộc loại hiếm như bây giờ, bà con dân tộc sẵn sàng đổi lấy các đồ dùng cần thiết hằng ngày.
Một lần, cụ ông thèm thuốc lá quá nên gán cho mình một a duông (tấm áo choàng Cơtu) để lấy bao thuốc lá Đà Lạt. Cụ cho biết, đây là tấm a duông của ông nội để lại, rất hiếm, từng đường chỉ dệt bằng tay, công phu và đẹp. Tấm choàng sau đó tình cờ mình đổi cho một khách du lịch lấy mấy ngàn đồng, mua được 2 con trâu.
Từ 2 con trâu, Alăng Linh bắt đầu suy nghĩ đến việc lưu giữ cổ vật bằng cách dùng thuốc lá, trâu bò, muối… đi đổi chum ché, chiêng. Chiếc ché cổ đầu tiên Alăng Linh mua ở xã Arooi (Đông Giang) vào năm 1983 bằng cách dắt theo 2 con trâu lớn đến đổi.
Ngày ngày mân mê những chiếc ché. |
Thời đó, cả làng Prao nghĩ Alăng Linh bị hâm, khi không dắt 2 con trâu béo, bằng cả gia tài chỉ đối lấy một chiếc ché. Trong số ché cổ Cơtu thì chiếc ché Thượng Thủy mua năm 1983 quả là một cổ vật. “Mình đi suốt, bỏ bê việc nhà, lôi về cơ man nào là chiêng ché. Khổ lắm, vợ nó cần mình làm ra hạt thóc, săn được con thú chứ nó cần gì mấy cái chiêng ché đó” – Alăng Linh nhớ lại.
Đến tận hôm nay, quãng thời gian Alăng Linh lội bộ khắp đại ngàn Trường Sơn để lưu giữ cổ vật đã tròm trèm trên 35 năm. Từ Hiên, Giằng (Đông – Tây Giang ngày nay), Phước Sơn, Trà My, Hiệp Đức (Quảng Nam) đến A Lưới (TT Huế) hay Đăk rông, Lao Bảo (Quảng Trị) đến Minh Hóa, Hướng Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình) khắp nơi đều có dấu chân Alăng Linh. Cô độc và lầm lũi.
“Alăng Linh sở hữu chiếc tẩu thuốc nghe nói từ thời vua Gia Long để lại, có người hỏi mua bằng một cây vàng mà nó không bán. Phải nói Alăng Linh là vua cổ vật phố núi này rồi !” - Cụ Zơrâm Pôt, già làng bản Prao nói. |
Tôi thử nói tên mấy ngôi làng biệt lập ở vùng biên ải mà mình đã đi qua, Alăng Linh kể vanh vách từng nhà, từng món đồ chiêng ché. “Nhưng bản Aur ở xã A Vương, mấy chiếc ché ở nhà Alăng Zèng thuộc loại quý, nhưng chưa phải hiếm đâu, mỗi chiếc vài chục triệu là cao tay” – Alăng Linh nói chắc nịch.
Bản Aur của vài chục hộ dân Cơtu sống biệt lập trên non cao Trường Sơn Tây từ xưa đến nay, tôi có dịp vào và đã hoa mắt bởi cơ man chum ché ở nhà già làng Alăng Zèng. Alăng Linh luôn đi một mình, đem theo tiền, dắt theo trâu bò đi đổi cổ vật, dù nắng hay mưa, ché to chiêng nhỏ, anh cứ lầm lũi cõng về nhà, nâng như trứng, không để ai đụng vào.
Cũng bởi độc hành nên anh nhiều lần gặp phiền toái, gặp cướp và bọn trấn lột, xin đểu. Nhiều lần thoát hiểm nhưng cũng không ít khi bị trấn cướp sạch. Lần thoát hiểm thót tim nhất là năm 2004, Alăng Linh dắt theo 2 con bò béo xuống xã Tư (Đông Giang) đổi một chiếc ché. Đi bộ từ Prao đến xã Tư đã gần nửa đêm, mưa quất rát mặt, bỗng đâu xuất hiện 3 thanh niên nồng nặc mùi rượu chạy đến.
Hai người thản nhiên giằng lấy 2 con bò, người còn lại túm cổ áo Linh dọa dẫm: Đi đâu giờ này, lại trộm cắp bò hả. Đưa hết đây. Sau một hồi giải thích không xong, Alăng Linh nhớ đến con dao dắt ở túi nên lùi lại rút ra. Đây là con dao được Alăng Linh gỡ ra từ súng AK nên khi rút bật tách một tiếng. Cả ba thanh niên tưởng Linh rút súng, hoảng hồn bỏ chạy. Alăng Linh cười: Chúng nó mà biết mình rút dao thì rồi đời.
Nỗi niềm kẻ lập dị
Đây là chiếc chiêng cổ giá 150 triệu. |
Với số tài sản chiêng ché mà nhiều đại gia cổ vật từ Nam chí Bắc, thậm chí bên Lào, Campuchia mò sang gạ bán, mỗi chiếc vài trăm triệu đồng, ít cũng vài chục triệu, Linh sở hữu khối tài sản lớn, là đại gia so với cuộc sống khó khăn của đồng bào Cơtu ở Đông Giang.
Kẻ lập dị ấy khi dẫn tôi xuống phòng xem cổ vật, cứ khăng khăng phải chờ đến giờ đẹp, rồi khoác áo gấm thêu hoa, thắp hương lầm rầm khấn vái thần linh để nhà báo tham quan chụp ảnh. Alăng Linh khoe, riêng cái áo gấm thêu rồng phượng anh lặn lội ra Huế may.
Alăng Linh bên chiếc chiêng cổ . |
Gia sản đồ cổ của Alăng Linh, từ tầm tầm đến loại quý và cực hiếm. Riêng món quý và cực hiếm khoảng 30 chiếc, chủ yếu là ché và chiêng. Chiếc chiêng (kpack) quý nhất Alăng Linh nhất quyết không chịu gỡ xuống cho tôi xem. “Cái này một người Lào hỏi mua 150 triệu nhưng mình không bán. Lý do không thể đưa xuống là mình sợ điềm rủi. C
hiếc này mua đã gần 30 năm rồi, hồi đó đổi 2 con trâu. Mấy lần mình gỡ xuống lau chùi là y như có chuyện không hay, như người đau, bò lợn chết. Ngoài chiếc chiêng quý, Alăng Linh còn có bộ khoảng 10 chiếc chiêng đồng, mỗi chiếc gần trăm triệu. Phong phú nhất vẫn là bộ ché cổ, gồm 2 cặp Hoa giấy cổ và 1 cặp ché Thượng Thủy (ché khắc tranh thủy mặc).
Hai cặp ché Hoa giấy như Linh nói, được trả tổng cộng 4 trăm triệu, còn cặp ché Thượng Thủy ít hơn, độ 160 triệu. “Không tin nhà báo cứ đi hỏi khắp làng, các đại gia tìm đến trả tiền tươi, nhưng mình nói không thể bán được. Mua vào là để lưu giữ chứ không bao giờ bán.
Tiền nhiều thì thích thật nhưng mình muốn lập thành một bảo tàng đồ cổ chiêng ché của riêng mình, để dành cho con cháu sau này. Mà con cháu cũng không được bán, cứ thế phải truyền từ đời này sang đời khác” – Mắt Alăng Linh rực sáng khi mơ về một bảo tàng chiêng ché cổ.
Tay chơi Alăng Linh áo gấm thêu rồng bên gia tài cổ vật. Ảnh: Nam Cường. |
Chụp ảnh xong, Alăng Linh cởi áo gấm, lại một lần nữa thắp hương lầm rầm khấn vái. Người dân tộc Cơtu coi chiêng ché như vật gia bảo, có thần linh trú ngụ bên trong, Alăng Linh đêm nào cũng tự mình đốt nhang, cầu xin thần linh phù hộ cho gia đình, dân bản. “Mình thành tâm nên có những đêm được phù hộ, như có ai đó báo mộng, mách nước cho mình chỗ nọ chỗ kia có người bán chiêng ché. Thế là sáng mai lại lên đường. Còn sức là còn đi, mong còn sức để lưu giữ những gì quý giá cho mai sau”. Alăng Linh thổ lộ.