Đê bao và lúa ma nơi đỉnh lũ

Đê bao và lúa ma nơi đỉnh lũ
TP - Lũ lại tàn phá đồng bằng sông Cửu Long. Người nông dân xót xa vì mất lúa. Muốn bảo vệ lúa phải xây đê bao. Nhưng xây nhiều đê bao ở vùng trũng, lũ sẽ càng dữ hơn. Một bài toán khó giải! Chỉ có cây lúa ma vẫn vươn lên xanh mát trên dòng nước Mêkông.

> Săn cá nửa đêm
> Anh Trãi tam nông

Lúa vụ ba

Đang ở đỉnh lũ, có hai thông tin khiến tôi chú ý. Thứ nhất, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định mở tuyến xe buýt từ thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng) đến thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình), dài 49 cây số, theo Quốc lộ 30 và một số đường tỉnh. Thứ hai, tuyến đê bao xây bằng gạch được người dân tự hào gọi là “bức tường thành” dài hơn 5 cây số ở xã Thông Bình (Tân Hồng, Đồng Tháp) đã bị nước lũ quật đổ lúc nửa đêm về sáng 3-10.

Tuyến đường xe buýt ấy đi giữa vùng đỉnh lũ. Có nghĩa, hạ tầng giao thông ở vùng lũ đã được cải thiện rất nhiều so với chục năm trước. Trận lũ năm 2000 tương đương năm nay, tôi đi tặng áo phao cho trẻ em xã Tân Mỹ (Thanh Bình, Đồng Tháp) phải đi bộ trên con đường lầy lội rất gian nan. Nay con đường ấy đã được rải nhựa để vừa mở tuyến xe buýt, và tôi trở lại trên xe bốn bánh chạy suốt tới huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) qua phà Châu Giang vượt sông Tiền sang thị xã Tân Châu (An Giang). Con đường có nhiều đoạn kiêm đê bao bảo vệ các khu dân cư, phô bày cảnh an toàn, không còn nháo nhác chạy lũ như hồi nào.

Còn “bức tường thành” dài hơn 5 cây số bảo vệ 800 ha lúa thu đông ở xã Thông Bình không đứng vững vì bị nước lũ xói từ dưới chân, ban đầu xé 5m, sau toang ra 25m. Tiến sỹ Lê Anh Tuấn ở Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ nói, đê bao trên nền đất yếu không chịu được lũ lớn. Có thể hiểu vì sao, trong mùa lũ năm nay, nóng bỏng ĐBSCL là chuyện giữ đê bao ở vùng ngập sâu để bảo vệ lúa thu đông.

Tính đến ngày 3-10, hàng chục tuyến đê bao của ĐBSCL bị vỡ, làm mất trắng khoảng 6.000 ha lúa thu đông. Còn hàng trăm cây số đê bao khác có nguy cơ vỡ, đang được hàng trăm nghìn người ngày đêm thay nhau canh giữ để bảo vệ mấy chục nghìn héc-ta lúa.

Ở ấp An Tài, xã An Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp), ông Lê Văn Trợ đang làm 3,5 ha lúa, kể, chi phí làm lúa thu đông cao hơn hai vụ kia, phải góp gạo nuôi người giữ đê và bơm nước ra khỏi ruộng nên chưa biết lời lỗ thế nào. Láng giềng của ông Trợ là anh Dương Văn Thiên có 3 ha ruộng ở ấp Rọc Muốn, xã Tân Công Chí cùng huyện, vùng sâu nhất Đồng Tháp Mười mà chưa có đê bao nên không làm lúa thu đông. Gia đình mở quán cà phê, khi tôi vào thấy anh đang thảnh thơi ngồi nhìn ra cánh đồng ngập nước.

Không ai biết được ĐBSCL hiện có bao nhiêu cây số đê bao. Con số đê bao của tỉnh Vĩnh Long ở hạ nguồn sông Mêkông, cuối năm 2010 là 3.540 cây số. Suy ra có thể thấy ĐBSCL đã có nhiều vạn cây số đê bao. Chiều dài hệ thống đê bao khổng lồ này đang được nối dài thêm, như tỉnh An Giang, quy hoạch của Sở NN&PTNT, đến năm 2015 có 427 vùng đê bao khép kín để bảo vệ xấp xỉ 200.000 ha lúa thu đông, gấp rưỡi hiện nay.

Năm nay, theo Cục Trồng trọt của Bộ NN&PTNT, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL gần 600.000 ha, tăng so với năm trước khoảng 100.000 ha. Dự báo lũ lớn đã được đưa ra tại hội nghị về phòng chống lụt bão khu vực miền Nam tổ chức tại TPHCM ngày 15-7, thế nhưng như mấy ông nông dân mất trắng lúa vì vỡ đập Ô Long Vỹ nói “vẫn không phòng bị được”. Làm sao phòng bị được trước hệ thống đê bao quá lớn và quá yếu?

Tiến sỹ Tuấn kể một cuộc khảo sát xã hội về nhu cầu làm đê bao triệt để vùng ngập sâu ở tỉnh Đồng Tháp. Kết quả: Quan chức chính quyền, doanh nhân xây dựng và nông dân giàu có (kiêm thương gia vùng nông thôn) muốn làm; còn nông dân nghèo ít đất hoặc không có đất thì không muốn. Tiến sỹ Tuấn phân tích, lợi ích nhóm thể hiện trong làm đê bao; riêng quan chức địa phương muốn làm đê bao ở mọi nơi, giữ cho dân không bị ngập lụt còn để được đánh giá có thành tích tốt.

Khi đứng trên Quốc lộ 30 ở xã Tân Công Chí (Tân Hồng, Đồng Tháp) nhìn ra biển mênh mông trắng xóa, chỉ còn thấy lơ thơ vài chỏm cây cổ thụ, Tiến sỹ Ni nói: “Ranh giới đất đai không còn, người nghèo được kiếm sống không giới hạn trên dòng nước lũ”. Bên đường có một người phụ nữ ngồi với mấy đứa trẻ, bán cá và bông điên điển. Tôi hỏi chuyện, chị cho biết tên là Trần Thị Nở ở ấp Thống Nhất 1, xã Tân Công Chí, có 11 đứa con mà không có đất sản xuất nên nghèo. Nhờ lũ về, gia đình chị dễ thở. Chỉ vào thau cá chạch chừng chục ký và thau cá vụn chừng ba ký, do chồng đánh bắt từ 4 giờ sáng đến đầu giờ chiều, còn bông súng do chị hái; cá chạch mùa lũ vàng ươm giá 50.000 đồng một ký.

Nếu lũ lớn năm 2000 nháo nhác cảnh chạy lụt và cứu trợ, thì năm nay dẫu còn nhiều vất vả nhưng ĐBSCL an toàn và bình thản hơn. Náo động chủ yếu là việc giữ đê bao để bảo vệ lúa vụ ba ở những vùng ngập sâu. Ba vấn đề lớn về an sinh xã hội cũng nổi lên: Cuộc sống của nông dân nghèo, sự an toàn cho hạ tầng kỹ thuật và lúa vụ ba.

Lúa ma vùng lũ
Lúa ma vùng lũ.

Lúa ma xanh mướt Tràm Chim

Rời những khu vực đang nóng bỏng giữ đê bao bảo vệ lúa vụ ba, chúng tôi rẽ vào Vườn Quốc gia Tràm Chim nằm giữa Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nước lũ tràn tự do đã ngập mênh mông nhưng rất bình yên trong màu xanh mướt lúa ma.

Chiếc vỏ lãi vừa rời bến dưới bóng cây gáo cổ thụ ở văn phòng Vườn Quốc gia, lao ra biển nước, tôi bất ngờ thấy trước mắt một màu xanh mướt. Cái màu xanh mơn mởn, mượt mà, rập rờn trên mặt nước mênh mông khác với màu xanh sẫm của rừng tràm, trông rất kỳ diệu. Tiến sỹ Dương Văn Ni thốt lên giọng reo vui “sinh thái ĐBSCL vẫn rất khỏe”, rồi ông nói, lúa ma đấy.

Đó là lúa mọc tự nhiên trong mùa nước nổi (mùa lũ lụt), rồi trổ bông và chín; khi lúa chín, người dân ĐBSCL bơi xuồng dùng sào quơ hai bên đập cho hạt lúa rụng đầy xuồng chở về xay ăn.

Thử nhổ một cây lúa ma lên, nó dài như sợi dây. Dùng gang tay đo, nếu chỉ tính thân cây lúa dài cỡ ba mét, thêm lá lúa thì hơn gang tay nữa.

Tràm Chim rộng 7.313 ha, theo anh Hải, cán bộ Phòng Nghiên cứu Khoa học và Môi trường của Vườn Quốc gia, diện tích lúa ma 500-600 ha. Tôi hỏi Tiến sỹ Ni, tại sao lúc nãy vừa nhìn thấy lúa ma xanh tốt, ông reo mừng? Tiến sỹ Ni trả lời: “Vì 10 năm qua, ĐBSCL không có lũ, tôi sợ lúa ma không còn”. Ơ, lúa ma của thời hoang dã nghèo khó, nay đã có lúa cao sản cho năng suất rất cao, cớ chi sợ mất lúa ma? Tiến sỹ Ni: “Lúa ma mất thì sinh thái ĐBSCL sẽ bị đổ vỡ”.

Lúa ma là một trong hai sinh vật chủ lực của hệ sinh thái Tràm Chim, một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, đại diện duy nhất có giá trị cho hệ sinh thái vùng đất ngập nước ngọt cả bán đảo Đông Dương hiện nay, Tiến sỹ Ni khẳng định. Sinh vật chủ lực thứ hai là cây năn.

Khi nước ngập trắng đồng, hầu hết thực vật là thức ăn của muôn loài đã bị nhấn chìm dưới nước sâu. Chỉ còn lúa ma với khả năng kỳ diệu, mỗi ngày vươn cao 0,1-0,15m tồn tại được. Nhờ có lúa ma, chuỗi cung cấp thức ăn cho hệ sinh thái ngập nước không bị đứt gãy, muôn loài tồn tại.

Còn cây năn cung cấp lương thực vào mùa hạn hán. Khi đó, mọi thứ khô héo hết, chỉ còn cây năn xanh tốt với củ tươi ngon dưới tầng đất sâu. Chính củ năn thu hút sếu đầu đỏ về Tràm Chim, càng khô hạn về càng nhiều, và những năm giữ nước để chống cháy tràm, cỏ năn lụi tàn thì sếu đầu đỏ về ít.

Tiến sỹ Ni lại khẳng định, không có cây tràm, hệ sinh thái Đồng Tháp Mười vẫn tồn tại; nhưng không có lúa ma thì nguy cơ lớn.

Mức nước lũ năm nay được đánh giá bằng năm 2000, nhưng có nơi cao hơn nơi thấp hơn, điều này cho thấy trong chục năm, thiên nhiên đã bị tác động nhiều. Tiến sỹ Tuấn nói, thuở nguyên sơ nước lũ từ thượng nguồn tràn vào ĐBSCL có chiều ngang khoảng 150 cây số, nên dâng lên từ từ. Nay bị hệ thống đê bao cùng nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật che chắn, dòng chảy hẹp lại nên lưu tốc lớn, phân bố không đều. Hệ quả là nước lụt dâng cao, xói lở đất, nhiều nơi lũ hiền đã thành lũ dữ.

Lãnh đạo tỉnh An Giang và Đồng Tháp báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong chuyến về kiểm tra ngày 3 và 4-10, đều thanh minh “đã chuẩn bị nhưng do nước lũ lên quá nhanh nên thiệt hại nhiều”. Mỗi tỉnh bị thiệt hại, tính đến ngày 1-10 hơn 400 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về lúa vụ ba chiếm tỷ lệ đáng kể. Khi các ông nông dân ấp An Tài, xã An Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp) ngồi tính lời lỗ lúa vụ ba chỉ trong phạm vi gia đình đã thấy nhiều rủi ro. Nếu tính phạm vi cả xã hội, nghĩa là tính toàn bộ chi phí xã hội cho lúa vụ ba, từ đắp đê và giữ đê đến tỷ lệ mất trắng, thì hiệu quả lúa vụ ba không cao. Riêng tỉnh An Giang dự kiến đầu tư cho vùng sản xuất vụ ba từ nay đến năm 2015 đã gần 1.200 tỷ đồng.

Chị Trần Thị Nở có 11 con, không đất sản xuất, nhờ lũ đánh được cá mà cuộc sống dễ thở
Chị Trần Thị Nở có 11 con, không đất sản xuất, nhờ lũ đánh được cá mà cuộc sống dễ thở .

Tiến sỹ Ni nói, đắp nhiều đê bao để mở rộng lúa vụ ba thì nước lũ dâng cao và tàn phá không chỉ ở vùng lũ mà cả ở hạ nguồn, như nước lũ đang tấn công các đô thị, khu công nghiệp ở Cần Thơ, Vĩnh Long là minh chứng. Vậy có nhất thiết mở rộng lúa vụ ba hay không, thậm chí có nên làm lúa vụ ba hay không? Để trả lời câu hỏi này, phải trả lời câu hỏi: An ninh lương thực quốc gia đòi hỏi như thế nào? Nếu an ninh lương thực quốc gia đòi hỏi phải duy trì và mở rộng lúa vụ ba thì không thể không đáp ứng.

Việc đắp quá nhiều đê bao ở vùng ngập sâu tất yếu tác động mạnh đến dòng nước lũ, đến cội nguồn của cuộc sống vùng ngập nước. Tiến sỹ Ni phân tích, cây lúa ma có khả năng vươn cao 0,1 - 0,15m mỗi ngày để vượt lũ, nhưng nếu nước lũ đột ngột dâng cao hơn thì lúa ma có sống nổi không, sự cân bằng sinh thái được thiết lập ổn định qua hàng nghìn năm có bị đổ vỡ không? Con người cũng không dễ thích nghi với dòng nước biến đổi quá đột ngột.

Thiên nhiên vùng nước nổi có hai sinh vật chủ lực là lúa ma và cỏ năn; khi thiên nhiên ấy quyện hòa với con người để làm nên sự toàn vẹn tự nhiên vùng nước nổi thì sinh vật nào là chủ lực? Không khó trả lời, đó là người nông dân (hầu hết còn nghèo). Nhưng mọi tính toán đầu tư phát triển ở vùng nước nổi ĐBSCL đã thật sự đặt lực lượng chủ lực quốc gia là Người-Nông-Dân, vào vị trí trung tâm hay chưa?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG