Mệ Đối nhặt rác, giúp người

Mệ Đối nhặt rác, giúp người
TP - “Ở đời, người làm việc thiện thì nhiều, nhưng nhặt rác gom tiền giúp người nghèo như mệ Đối thì tui thấy lần đầu. Thứ vứt đi như rác rưởi lại là thiện duyên với mệ Đối”. Bà Dự, ngụ bên sông Phổ Lợi (Phú Vang, tỉnh TT- Huế) cứ trầm trồ khi bày đường cho tôi tìm nhà mệ.

Mẹ vẫn mải miết vẽ chân dung các Mẹ
> Đệ nhất Kỳ Kê

Thấy rác, thấy vui

Nhà bà Đối bên kia cây cầu nhỏ bắc ngang sông đào Phổ Lợi phủ đầy bèo dại. Nếp nhà nhỏ dung dị cao thấp bóng dừa, khá gần Quốc lộ 49A nơi tôi thường xuyên lại qua. Ấy vậy mà trước đó dù đã dăm lần bảy lượt gặp bà tại cảng cá Thuận An (thị trấn Thuận An, Phú Vang), cứ mở lời là bị từ chối khéo: “Chỗ tui ở khó tìm lắm, tận trên xã Phú Thượng. Nhà chứa toàn rác bẩn hôi hám”…

Trước khi tìm được đến đây, dễ chừng không dưới mươi lần tôi tình cờ gặp bà trồi ngụp nhặt rác cứ vào độ xế trưa giữa cảng cá vắng người và tanh bẩn. Dù có đến nửa năm gặp lại vẫn chỉ thấy bà với mỗi việc lượm rác. Có đôi chút phân vân về hình ảnh một bà già nhặt rác, cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua tháng khác, chỉ tại một địa điểm. Rồi chợt nghĩ đó chỉ là chuyện mưu sinh thường tình… Cho đến hôm tình cờ nghe chuyện từ bác Nguyễn Nam (dân Thuận An, chuyên kinh doanh hải sản). Nhà bà được kể tới như một địa chỉ công đức. Ngay việc nhặt rác mỗi ngày kia cũng với mục đích làm từ thiện chứ không can hệ gì chuyện mưu sinh cơm áo như nhiều người lâu nay già non suy đoán. Bà là Phật tử mộ đạo, kín tiếng.

Cả khuôn viên nhà bà Đối toàn là rác. Từ ngõ ngoài, sân trước đến hiên sau, mép chái, đâu đâu cũng phơi cũng chất đầy bao bì nylon vốn là rác bẩn đã được giặt rửa sạch sẽ. Thứ rác thải đã qua xử lý kia còn lấn nhờ sang cả sân ngõ hàng xóm. Ở đời, người ta mang rác bẩn đổ đi không hết, còn bà Đối lại gom chúng về. Sáng nay, bà Đối vắng nhà. Bà cũng không về Thuận An cách nơi ở mấy cây số để nhặt rác. Chỉ biết sơ qua cô con dâu, bà rời nhà từ sớm để đi lễ chùa kết hợp cúng dường và đem mấy chục suất bánh chưng tặng một trại mồ côi đâu đó trên thành phố Huế. Buổi chiều, quay lại ngôi “nhà rác” thì thấy bà Đối đang tất bật bên những đống rác. Hết cắt, giặt, đem phơi, lại đóng gói những tấm nylon đã được tẩy sạch chất dơ.

Ở nhà, bà cởi mở gần gũi hơn. Tên bà đầy đủ là Nguyễn Thị Đối (62 tuổi), người xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Theo bà, nhặt rác làm việc thiện là do cơ duyên, bắt đầu từ lần dự lễ hội Quán Thế Âm trên thượng nguồn sông Hương chừng 4 năm trước. Bà tình cờ quen biết một bà lão vừa đi chùa vừa tranh thủ gom rác nylon đem về nhà dồn bán kiếm tiền mua trầu hoặc quà bánh cho cháu. Ý định gom rác làm từ thiện khởi lên. Bà thử làm. Nhưng cả tháng ròng chỉ gom được hơn một cân bao bì, chẳng thấm vào đâu. Bà chợt nhớ những lần về cảng cá Thuận An mua bán mấy mớ tôm tép kiếm chút tiền lời lo nồi cơm cho gia đình, thấy bao bì rác thải nylon ở đây rất nhiều. Sau buổi chợ, bà chịu khó lội xuống làn nước sánh đen tanh hôi gom giặt thử rác bẩn. Không ngờ ngay ngày đầu, bà nhặt được gần 15 kg rác nylon loại tốt, tính ra còn hơn cả năm gom rác ở nhà. “Sau dạo đó, hễ về cảng thấy có rác bao bì là tui lại thấy vui. Bạn bè đi buôn mớ tôm mớ cá có bữa lỗ bữa lời, còn riêng tui thì luôn lãi… rác”, bà Đối hóm hỉnh.

“Thương hiệu” rác bà Đối

…Giờ thì rác bà Đối đã thành “thương hiệu”. Rác nhặt về với số lượng hàng tấn mà bán vèo vèo. Gom đủ vài tạ là có xe ô tô đến nhà bốc đi. Nhớ lần trò chuyện với anh Hà Trọng, người từng làm nghề tái chế nhựa từ bao bì polymer ở Huế: “Rác nylon được xử lý trắng sạch, vệ sinh, cắt phơi, đóng bao có lang có lớp như của bà Đối thì ai chả muốn thu mua”. Anh Trọng nhận xét vậy, nhưng có một dạo bà Đối tưởng phải ngưng “nghề” do bị o ép và bí đầu ra.

Đầu tiên, theo giới thiệu của người bạn sống ở Thành nội Huế, bà Đối giao toàn bộ rác gom được từng ngày cho một phụ nữ hoàn tất khâu hong phơi, đóng gói và tìm mối tiêu thụ giúp. Được dăm ba tháng, bà và người bạn già phát hiện có sự thiếu rõ ràng ở người phụ nữ bán giúp rác nylon kia. Tiền bán rác không được sử dụng đúng mục đích từ thiện. Bà Đối và các con đành xắn tay làm sạch rác nylon tại nhà, rồi tự đi tìm mối tiêu thụ. Bao bì nylon luôn bị xưởng sản xuất tìm cách chê lấm cát, hôi bẩn, với ý đồ ép giá. Mấy bà đồng nát thấy rác đẹp cũng xúm tới hỏi mua nhưng cứ lấy cớ còn ướt, bẩn để trả giá bèo. Bà Đối đâm nản nên tính “giải nghệ”. Tình cờ một hôm, người bạn của con trai có biết nghề tái chế bao bì ghé nhà chơi. Thấy rác nylon chất lượng, lại được xử lý chu đáo, anh này sốt sắng giới thiệu tiêu thụ cho xưởng sản xuất trên vùng An Cựu (Huế). Biết mục đích gom rác của bà, cơ sở thu mua đưa ra mức giá hợp lý, không o ép mặc cả. Từ đó, rác bà Đối cứ gom đủ theo định lượng là có xe ô tô về chở. Từ vài nghìn đồng ngã giá trồi sụt, rác bà Đối giờ được mua ở mức ổn định từ 14 - 15 nghìn đồng mỗi cân. “Mùa đông, nguồn bao bì khan hiếm, họ cứ liên tục gọi về đòi hàng. Buổi mưa gió, bao nylon không được phơi hong đàng hoàng, ai dám đem bán. Hơn nữa, nguồn bao bì mỗi ngày ở cảng cá thì đã có chừng rồi”, bà Đối nói.

Bà Đối từng ngày nhặt rác làm từ thiện giữa vùng nước cảng cá tanh bẩn đen sì và độc hại
Bà Đối từng ngày nhặt rác làm từ thiện giữa vùng nước cảng cá tanh bẩn đen sì và độc hại. Ảnh: Ngọc Văn

Vừa làm việc thiện, vừa bảo vệ môi trường

Không chỉ cảng cá, các cơ sở kinh doanh hải sản như của bác Luyến, bác Cả ở Thuận An dần dà cũng chuyên cung cấp, gửi tặng bao bì thải loại cho bà Đối. “Tui thấy rác là ham lắm, có khi nhặt đến 1-2 giờ chiều vẫn chưa nghỉ. Còn có thêm các bác dưới đó giúp nữa. Hễ mấy bác điện thoại gọi về cho rác là tui mừng chạy đi ngay. Có khi họ gom cho cả mấy tạ bao bì. Những lúc rác theo tàu cá vô cảng quá nhiều, tui gọi điện cho mấy đứa con chạy về phụ giúp. Bọn nó quen rồi, cứ nghe gọi điện lên là biết mẹ nhờ nhặt rác. Mình không nhặt, lỡ người ta đốt hoặc đẩy ra sông ra biển thì ô nhiễm độc hại, tội lắm”.

Không ít người thấy bà Đối đi buôn tôm, lại rất ham nhặt rác, sinh nghi ngờ khinh rẻ. Rồi người ta thắc mắc vì sao bà phải lao lực như thế dù gia cảnh không đến nỗi nào. Cũng có lúc họ suy đoán bà làm ăn thất bát nên đành phải nhặt rác kiếm sống. Ai nghĩ thế nào mặc kệ, bà không phân bua giải thích hay mặc cảm. Bà Đối nhặt rác làm từ thiện, nhưng với anh Linh (kinh doanh hải sản ở Phú Vang), đó là tấm gương sáng về bảo vệ môi trường: “Mệ Đối xứng đáng được tặng một giải thưởng nào đó về môi trường”.

Bà Đối bảo: “Tui chưa khi mô nghĩ đến chuyện đó, dù từng nghe anh Linh hay hỏi đùa cái giải thưởng chi đó khi về cảng cá. Tui chỉ mong nhặt được thật nhiều rác để làm công đức mà thôi. Người có điều kiện tiền bạc chẳng nói làm chi, còn như tui, cơm chỉ đủ ăn, muốn giúp người nghèo thì phải chịu khó đi nhặt rác, tiết kiệm”. Qua những hàng xóm như bà Dự, anh Thụ, tôi biết bà Đối không chỉ làm từ thiện từ nhặt rác. Trước kia, bà “bỏ ống” tiết kiệm hàng tháng, hễ nghe ai khó khăn là gửi tiền giúp đỡ, rồi cúng dường nhà chùa. Bà chăm lo việc nghĩa theo nhiều cách... Qua các chương trình nhân ái trên báo đài, bà góp tiền giúp người hoạn nạn, nghèo khó. Nghe ai đột xuất ốm đau khó khăn, bà ủng hộ vài trăm nghìn đồng từ tiền nhặt rác để phụ giúp chút thuốc men bồi bổ. Lâu lâu, bà lại tổ chức chuyến từ thiện đến các cơ sở dưỡng lão, người mù, trại mồ côi, tâm thần để tặng quà và chăm sóc người già, neo đơn, bệnh tật. Lúc bận, bà góp tiền cho những bác chuyên làm từ thiện nhờ lo giúp. Biết chùa nào khó khăn, bà dùng tiền nhặt rác đặt mua từng lọ tương, hũ chao, chai dầu ăn, cân đường, bao gạo gửi biếu. Tiền bán rác không đủ, bà huy động thêm con cái góp tiết kiệm để làm từ thiện. Thiện nguyện thầm lặng, giấu tên, đến giờ bà không nhớ đã giúp đỡ cụ thể bao nhiêu trường hợp. “Việc làm của bà Đối đáng trân trọng”, trưởng thôn Lê Viết Thịnh cho biết…

“Nhờ ơn trên, từ ngày khuya sớm đi buôn tôm và nhặt rác tới chừ, tui chưa hề đau ốm lần mô. Mấy người trẻ buôn tôm ở cảng cá cứ hay trêu tui mau truyền nghề nhặt rác lại cho chúng để mà nghỉ ngơi ở nhà bế cháu. Tui nghĩ chừng mô còn đủ sức là vẫn đi nhặt rác”, bà Đối nói. Cuộc chuyện bị ngắt ngang bởi chuông điện thoại réo rắt từ trong nhà. Có người nhắn bà Đối về Thuận An chở rác.

Mệ Đối nhặt rác, giúp người ảnh 2
Tui thấy rác là ham lắm. Những lúc rác theo tàu cá vô cảng quá nhiều, tui gọi điện cho mấy đứa con chạy về phụ giúp. Bọn nó quen rồi, cứ nghe gọi điện lên là biết mẹ nhờ nhặt rác. Mình không nhặt, lỡ người ta đốt hoặc đẩy ra sông ra biển thì ô nhiễm độc hại, tội lắm”.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG