> 'Hành trình xanh' lên đường xuyên Việt
Chiến sĩ biệt động quả cảm
Cô Huỳnh Thị Kiều Thu sinh năm 1951 ở Quảng Ngãi. Khi chưa tròn 16 tuổi, cô đã vào Sài Gòn tham gia hoạt động cách mạng và sớm trở thành một nữ chiến sĩ
biệt động.
Tháng 5-1969, cô nhận nhiệm vụ đặt bom để phá hủy Ty Thông tin Gia Định (nay là Nhà Văn hóa quận Bình Thạnh, TPHCM). Mặc dù nhiệm vụ thành công, tòa nhà trung tâm thông tin bị sập hoàn toàn, nhưng cô đã bị địch bắt khi tìm cách thoát thân ra ngoài. Cô Thu bị đày đi 7 nhà tù khác nhau từ trại giam Tiểu khu Gia Định, Trại Cầu Băng Ky, Đề lao Gia Định, Trại giam Thủ Đức, Trung tâm cải huấn Tân Hiệp - Biên Hòa và Trại Long Khánh để chúng khai thác thông tin. Cuối cùng, địch đày cô Thu ra Côn Đảo cho tới tháng 3 –1974, cô cùng đồng đội được
trao trả.
Sau đó cô Thu làm việc tại thư viện Nhà Văn hóa Thanh Niên, và nghỉ hưu năm 1995 khi sức khỏe yếu vì căn bệnh ung thư.
Năm 2009, các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu chẩn đoán cô bị ung thư đầu gối, năm 2010 bị ung thư vòm (có thể dẫn tới mù lòa), ung thư xương sọ, xương đòn tay, xương ức, xương sống, cả hai lá phổi…Việc điều trị ung thư đã ngốn hết số tiền ít ỏi cô dành dụm được để thực hiện ước muốn ra Thủ đô viếng Lăng Bác và thăm chiến trường Điện Biên Phủ.
6 lần xuyên Việt bằng xe đạp
Không chịu khuất phục bệnh tật và tuổi tác, cô Kiều Thu nuôi ước mơ theo cách riêng của mình. Trong cuốn nhật ký, cô viết: “Tôi đi xe đạp xuyên Việt. Vì muốn kính viếng Bác. Vì muốn chiến thắng bệnh tật. Vì muốn sống thêm vài năm nữa. Vì những công việc và những điều chưa làm được”. Tới nay đã 6 lần cô hiện thực hóa ước mơ ấy.
Năm nay cô còn vận động được cháu ngoại 13 tuổi và chị gái là Huỳnh Thị Kiều Miên (78 tuổi) cùng đi xuyên Việt. |
Ngày 7 -5 -2004, lần đầu tiên cô đi xuyên Việt trên một chiếc xe đạp được thiết kế chẳng khác gì xe thồ với lỉnh kỉnh những bát đĩa xoong nồi. Tay và chân trái bị liệt nên mỗi vòng xe trở nên nặng nhọc hơn.
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhiều khi gặp đèo dốc cao cô phải dắt bộ từng bước nhưng chưa bao giờ cô có ý định bỏ cuộc dở chừng. Với cô Kiều Thu, mỗi lần vượt qua đèo dốc là một lần vượt qua chính mình. Chiều ngày 27 - 7 -2004, người chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa đã tới Hà Nội để viếng Lăng Bác Hồ.
Năm 2010, cô trở thành Đại sứ niềm tin của tổ chức Hành trình xanh. Giờ đây hình ảnh của người phụ nữ nhỏ bé, mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng 6 lần đạp xe xuyên Việt trở thành biểu tượng niềm tin của nhiều bạn trẻ.
Cô Huỳnh Thị Kiều Thu tại lễ xuất quân đi bộ xuyên Việt. |
“Cô Thu là nguồn động viên tinh thần rất lớn. Tuy tuổi đã cao nhưng cô vẫn và rất yêu đời. Mỗi khi có bạn nào bị rộp chân, hay không ăn được cơm thì mọi người đều bảo: "Hãy nhìn cô Kiều Thu kia kìa" - Mai Hà một thành viên Hành trình xanh chia sẻ.
Cô Kiều Thu nói: “Bất ngờ lắm khi được ban tổ chức mời làm đại sứ niềm tin. Mặc dù khi ấy cô vừa mắc bệnh ung thư phổi, cứ 15 phút lại ho và không đi được nhưng cô vẫn quyết tâm lên đường”.
Có lần, trong chặng đường dài hơn 200km từ TPHCM ra Phan Thiết (Bình Thuận). Đã 10 giờ đêm mà các bạn tình nguyện viên vẫn chưa đạp xe tới nơi. Không đi được, cô bắt các bạn khiêng võng tới gần lối ra vào. Hễ có bạn nào về đến nơi là cô gọi lại hỏi han,
săn sóc.
Nhưng có lẽ với con người tràn đầy nghị lực ấy thì 6 lần đạp xe xuyên Việt, 6 lần được ra Bắc gặp Bác Hồ là chưa đủ. Năm nay cô lại quyết tâm đi bộ xuyên Việt trong chương trình “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, ngày ngày cô đều đặn tập thể dục. Không chịu thua kém các tình nguyện viên, ban ngày cô đứng lên ngồi xuống 3 lần, mỗi lần 300 cái. Ban đêm lại tiếp tục 3 lần như vậy nữa. Gặp tôi, cô khoe: Bây giờ đi lại ổn rồi. Nếu cho đứng tấn cô cũng đứng được 15 phút.
Năm nay cô còn vận động được cháu ngoại 13 tuổi và chị gái là Huỳnh Thị Kiều Miên (78 tuổi) cùng đi xuyên Việt.
“Đêm trước giờ lên đường mà cô rạo rực, khó ngủ quá”. Và hôm nay cô đã cùng đoàn Hành trình xanh xuất phát lên đường. “Năm ngoái đã không được đạp xe rồi, năm nay nhất định cô sẽ đi bộ xuyên Việt”.