Lênh đênh mưu sinh viễn xứ

Lênh đênh mưu sinh viễn xứ
TP - Không phải ở đâu, xuất khẩu lao động cũng đổi đời. Đến những làng xuất ngoại dọc tỉnh, thành miền Trung lại nghe những tiếng thở buồn vì đời mưu sinh viễn xứ.

Bài 1: Cầm giấy tờ giả vươn khơi

Thôn Châu Thuận (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vốn nổi tiếng với thương hiệu nghề lặn đêm được xuất khẩu sang các nước Malaysia, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan... Nhưng bây giờ không còn cảnh tấp nập sau những chuyến đi tiền tỷ. Cả làng nhấp nhổm, lo âu trước tin tàu của ngư dân địa phương vừa bị phía nước bạn bắt giữ do không đảm bảo quy định khai thác hải sản. Hàng chục ngư dân làng chài ven biển này phải nhận quả đắng vì sập bẫy cò xuất ngoại khi vươn khơi.

Bị bắt vì giấy tờ giả

Tìm gặp chị Nguyễn Thị Tấn (43 tuổi), vừa có chồng và 2 con bị Malaysia bắt giữ, nghe đồn là bị lừa xuất khẩu. Chị Tấn đôi mắt thâm quầng, giọng khàn đặc: Có tin gì của chồng tôi à các chú? Gần tháng nay, tôi bặt vô âm tín, chẳng biết hỏi ai. Lần gọi duy nhất của anh Hồ Văn Sa, chồng chị là cách đây gần một tháng. Anh ấy mượn điện thoại của một ngư dân Việt Nam rồi điện nhanh về thông báo mình bị bắt.

Vừa ăn Tết âm lịch 2011 xong, anh Sa cùng hai con trai Hồ Văn Thạch, Hồ Văn Châu khăn gói lên tàu QNg 95599TS của thuyền trưởng Phạm Minh (27 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu) để làm chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Malaysia đánh bắt. Tàu có 14 thuyền viên. Khoảng hơn nửa tháng sau, ngày 6–3, chị Tấn nghe tin dữ, tàu anh Phạm Minh bị tàu tuần tra Malaysia bắt giữ vì không đủ điều kiện khai thác theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi vừa thông báo trường hợp tàu anh Phạm Minh bị bắt ở Malaysia hiện đang bị giam giữ tại đảo Migi. Trước mắt, ngành chức năng đang làm thủ tục để thuyền viên Ngô Văn Hiên (17 tuổi) chưa đủ tuổi quy định (18 tuổi) được trở về nước. Ông Hùng nói thêm: Qua tìm hiểu, tàu anh Minh bị cò lừa đảo thủ tục giấy tờ, không đúng theo yêu cầu của phía Malaysia nên bị bắt giữ.

Theo quy định, tàu xuất ngoại sang nước bạn phải đảm bảo các thủ tục pháp lý cần thiết: Giấy phép khai thác thủy sản; giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm; biên bản kiểm tra kỹ thuật hàng năm; sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá; tờ khai xóa đăng ký hoặc tạm ngừng đăng ký không đánh bắt tại vùng biển Việt Nam... với tiền chi phí tổng cộng trên dưới 15.000 USD. Bên cạnh đó, mỗi tháng đóng 30 – 45 triệu đồng tiền thuế cho phía Malaysia. Mỗi giấy phép khai thác có thời hạn 1 năm. Tàu cá khi hết hạn khai thác được phép làm thủ tục cấp lại và chỉ tốn 50% lệ phí ban đầu. Tùy theo sự phân định của đối tác Malaysia, các tàu sẽ được bố trí ngư trường tại những vùng đánh bắt khác nhau.

Chị Tấn kể: Tàu anh Minh cùng chồng chị được một người tên Danh ở Tiền Giang nhận làm thủ tục, giấy tờ. Cả gia đình lo vay mượn tiền 200 triệu đồng/1 người đi, cùng tiền chi phí cả ba bố con lên đến gần 1 tỷ đồng để hùn vốn đi với anh Minh. Giấy tờ được Danh nói là đã hoàn thành, cả tàu ra khơi, ai ngờ tới khi bị tàu tuần tra Malaysia kiểm tra mới tá hỏa đó là giấy tờ giả.

Hàng chục ngư dân làng chài Châu Thuận khác cũng sập bẫy cò. Theo ông Nguyễn Thành Nam, người trực Icom Gành Cả (Châu Thuận): Mấy năm nay, có khoảng 5-7 tàu bị cò lừa đảo giấy tờ nên bị phía nước bạn bắt giữ, tịch thu tài sản lâm cảnh khốn đốn.

Chị Tấn kể: Tàu anh Minh cùng chồng chị được một người tên Danh ở Tiền Giang nhận làm thủ tục, giấy tờ. Cả gia đình lo vay mượn tiền 200 triệu đồng/1 người đi, cùng tiền chi phí cả ba bố con lên đến gần 1 tỷ đồng để hùn vốn đi với anh Minh. Giấy tờ được Danh nói là đã hoàn thành, cả tàu ra khơi, ai ngờ tới khi bị tàu tuần tra Malaysia kiểm tra mới tá hỏa đó là giấy tờ giả.

Cầm đống hộ chiếu, các loại giấy tờ sang khai thác ở Malaysia, anh Nguyễn Văn Tiến (30 tuổi, thôn Châu Thuận) chua chát: “Giấy tờ giả hết đó! Khi đưa ra toà án bên Malaysia xét xử, phía bạn tuyên án giấy tờ của chúng tôi bị làm giả, không đúng quy định. Họ quyết định tịch thu tàu trị giá gần 2 tỷ bạc, cùng toàn bộ số hải sản gần 1 tỷ đồng. Lúc đó chỉ biết cắn răng mà chịu!”. Anh Tiến kể được một người tên Nguyễn Thành D., xưng đại diện Cty TNHH Thương mại và dịch vụ sản xuất K.N (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) nhận làm hợp đồng. Con tàu trước đó đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa được sơn lại màu xanh, in biển mới xuất bến sang Malaysia dịp cuối tháng 3 - 2009. Vài tuần đánh bắt ở xứ người, chưa kịp chuẩn bị cho ngày về, tàu anh Tiến cùng 15 thuyền viên bị phía nước bạn bắt vì giấy tờ không hợp lệ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng nói: Xã chỉ tuyên truyền, nhắc nhở các ngư dân địa phương đảm bảo giấy tờ hợp lệ khi xuất khẩu. Một phần do dân trí của ngư dân còn thấp nên dễ bị cò lừa. Các trường hợp bị lừa giấy tờ, chúng tôi hướng dẫn để họ làm đơn kiến nghị công an kiểm tra, làm rõ.

Chị Tấn mong ngóng tin chồng con trở về
Chị Tấn mong ngóng tin chồng con trở về.

Rủi ro vì đi không chính ngạch

Theo Nghị định 33 (năm 2010) của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, tàu thuyền Việt Nam khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam, phải đảm bảo điều kiện an toàn, kỹ thuật, tiêu chuẩn vùng hoạt động; giấy phép cho tàu cá đi khai thác ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (do Tổng cục Thủy sản cấp). Trường hợp tàu cá hoạt động tại quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định hợp tác nghề cá với Việt Nam, phải có hợp đồng lao động…

Làng Châu Thuận thêm nghèo sau những đợt ngư dân bị bắt bớ vì sập bẫy cò xuất khẩu lao động
Làng Châu Thuận thêm nghèo sau những đợt ngư dân bị bắt bớ vì sập bẫy cò xuất khẩu lao động.

Lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTVBVNLTS, Tổng cục Thủy sản) cho hay, nếu đảm bảo các điều kiện trên, có hợp đồng khai thác hải sản giữa công ty Việt Nam và phía Cty bên Malaysia, được ngành chức trách nước này cho phép, ngư dân có thể tham gia khai thác ở Malaysia. Tuy nhiên, đến nay chưa có tàu thuyền Việt Nam nào được cấp giấy phép đi khai thác ở Malaysia. Do đó không đảm bảo theo quy định pháp luật. Lãnh đạo cục này cũng cho hay: Sắp tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT sang làm việc với lãnh đạo đồng cấp Malaysia xúc tiến xây dựng hiệp định hợp tác khai thác thủy sản giữa hai nước.

Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục KTVBVNLTS tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương chưa tiếp nhận trường hợp tàu thuyền nào xin đăng ký cấp giấy phép đi khai thác ở Malaysia. Phần lớn ngư dân đi “không chính ngạch” tự hợp đồng với các công ty ở Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua các đơn vị này, hợp đồng với công ty tại Malaysia để được cấp phép đánh bắt nên ẩn chứa nhiều rủi ro, dễ bị lừa, không đảm bảo đầy đủ các thủ tục giấy tờ đúng quy định.

Theo các ngư dân, do nhận thức hạn chế nên họ dễ bị các đối tượng “cò mồi” nhận làm thủ tục giấy tờ với giá hàng trăm triệu đồng nhưng không đảm bảo quy định. Ông Trương Quang Tưởng - GĐ Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi cũng cho hay: Những năm qua, sở tiếp nhận nhiều thông tin về tàu cá địa phương bị phía Malaysia bắt giữ. Nhiều trường hợp ngư dân cho rằng họ đi theo hợp đồng nhưng bị lừa. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng cần sớm kiểm tra, xác minh các công ty, đối tượng này nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho ngư dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG