Tết sớm ở Cổng Trời

Chợ tình của người Mông ở Mường Lống
Chợ tình của người Mông ở Mường Lống
TP - Đứng trên đỉnh Cổng Trời đã nghe tiếng loa cất lên bản nhạc đượm âm hưởng núi rừng chào đón năm mới. Cả thung lũng báo hiệu mùa xuân đang đến. Đó đây, thấp thoáng sắc màu sặc sỡ của bao chàng trai, cô gái Mông tự tình bên khu chợ Huồi Tụ và Mường Lống thuộc huyện vùng cao Kỳ Sơn, Nghệ An.
Chợ tình của người Mông ở Mường Lống
Chợ tình của người Mông ở Mường Lống.

Chợ tình dưới chân núi

Ông Hờ Bá Chù, người từng có vai vế trong cộng đồng người Mông Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: “Cuối năm có hai phiên chợ đó là: ngày 15 và 30 tháng Chạp âm lịch. Lên Kỳ Sơn chưa vào Mường Lống thì chưa phải đi Kỳ Sơn, vào Mường Lống chưa đón tết với người Mông thì chưa phải đi Mường Lống…”.

Càng về trưa, chợ Mường Lống người càng đông. Xa xa ngoài trung tâm mua bán hàng hóa là khu vực chợ tình dành cho các đôi trai gái xe duyên. Chợ tình của Mường Lống không giống như những chợ tình nơi khác. Chợ thường diễn ra dịp đầu xuân và cuối năm.

Mỗi lần đến chợ phiên ngày giáp Tết không ai nhủ ai, trai gái trong các bản làng tự tìm đến chợ và được chia làm hai nhóm, nam và nữ. Để tỏ bày tình cảm của mình với người bạn tình, hai nhóm sẽ dùng quả bóng (quả còn) làm bằng len thổ cẩm hoặc quả cam được nướng qua lửa cho dẻo rồi ném qua ném lại. Nếu cặp nào yêu nhau thì chỉ cần ném đi ném lại quả còn với nhau nhiều lần thay lời tỏ tình…

Anh Lầu Bá Tểnh, một thanh niên Mông cho biết, nếu khi nào chàng trai ném quả còn sang phía cô gái mình yêu thích và cứ thế được cô gái ném trả lại thì có nghĩa là chàng trai tỏ tình đã được cô gái ưng thuận, sau cuộc chơi thế nào đôi trai gái đó cũng nên vợ nên chồng.

Và cứ thế, ngoài khu vực Mường Lống còn có Huồi Tụ, Nậm Cắn… nhiều điểm chợ tình kiểu này diễn ra dưới chân các triền núi của phủ người Mông.

Chị Mùa Y Zếnh một thiếu nữ đến từ bản Mường Lống 2 tâm sự: nhà có 3 chị em gái, hai chị đầu cũng nhờ đi chợ tình mà đã lấy được chồng từ hai năm trước. Còn Zếnh đi chợ tình lần này cũng muốn kiếm được một chàng trai núi rừng tâm đầu ý hợp để đầu xuân theo chàng về làm vợ.

Để chợ tình vui nhộn, một số nam thanh niên còn mang theo cassete mở loa hết cỡ với điệu nhạc của đồng bào Mông hoặc nhạc của nước bạn Lào đượm chất núi rừng. Mỗi khi nhóm thanh niên tổ chức chợ tình, người dân địa phương đứng xem và nhiệt tình cổ vũ.

Sắc màu thổ cẩm

Để xuống chợ, trai gái người Mông thi nhau mặc những bộ quần áo, váy đẹp nhất, đội chiếc ô, chiếc mũ cũng đẹp nhất. Vì thế, từ chợ Huồi Tụ đến chợ Mường Lống những ngày áp Tết này không màu sắc nào át nổi sắc màu thổ cẩm của đồng bào Mông.

Chợ thổ cẩm của đồng bào Mông, Kỳ Sơn (Nghệ An)
Chợ thổ cẩm của đồng bào Mông, Kỳ Sơn (Nghệ An).

Chị Vừ Hoa Phượng tâm sự, quan niệm của đồng bào Mông nơi đây là con gái mỗi khi xuống chợ ngày Tết, nếu trang phục những bộ váy trong mình quấn khăn váy bằng vải thổ cẩm càng dày bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, vì để người khác đập mắt đến biết ngay cô gái ấy thế nào cũng con nhà giàu có.

Chợ Huồi Tụ và chợ Mường Lống nằm cách nhau chỉ một Cổng Trời (cửa ngõ ra vào phủ người Mông). Chị Lầu Y Khư, một người có thâm niên trong làng nghề dệt thổ cẩm tâm sự, xưa nay hầu hết phụ nữ Mông đều biết thêu, dệt thổ cẩm. Vì thế, khắp các bản làng Mường Lống, Huồi Tụ ở đâu cũng có người làm nghề này.

Để dệt nên những tấm thổ cẩm may váy, áo, khăn, mũ… chị em phải mua nguyên liệu từ Lào về rồi mới dệt thành sản phẩm của mình. Riêng một số chị em ở bản Mường Lống 2 thì chỉ dệt nên những tấm hoa văn bán cho “nậu” nhập sang nước bạn Lào, sau đó “nậu” lại nhập thành phẩm váy, áo, khăn, mũ từ Lào về đây bán cho bà con.

Chị Lầu Y Chư cho biết, mỗi ngày làm nhanh thì cũng thêu được một tấm hoa văn, bán với giá 50- 80 nghìn đồng. Chỉ với cái nghề này thôi nhưng gia đình chị Chư đã có thể sống sung túc.

Chị Lầu Y Zếnh ngồi trên đống thổ cẩm của mình nơi cổng chợ đon đả mời khách mua hàng cho biết, giá mỗi cái mũ con gái 300 nghìn đồng, tấm váy quấn quanh người 400 nghìn đồng, áo nữ 300 nghìn đồng. Còn trọn bộ trang phục nữ Mông gồm: váy, áo, mũ, khăn…loại tốt bán với giá rẻ nhất cũng phải hơn hai triệu đồng. Nói rồi chị Zếnh còn hướng dẫn tôi cách trang phục của người Mông như thế nào là đẹp và mặc thế nào cho phù hợp với ngày tết, ngày xuân, lễ hội.

Bà Vừ Chư Xê, một người dân đến từ Huồi Tụ cho hay, phụ nữ Mông cũng siêng năng và khéo tay chẳng thua kém bất cứ phụ nữ dân tộc nào. Chị em người Mông cũng giống như phụ nữ Thái, luôn biết trồng bông dệt vải. Khi đi lấy chồng biết làm cho mình những chiếc váy đẹp, làm nệm bông lau cho bố mẹ chồng nằm êm ấm trong những ngày đông giá rét. Bí quyết làm nên những tấm thổ cẩm đẹp góp sắc màu cho ngày xuân của đồng bào Mông luôn là “ẩn số”.

Ẩm thực miền rừng

Nam thanh, tú nữ thì quây quần bên khu chợ tình, phụ nữ quây quần bên dãy hàng thổ cẩm, còn cánh mày râu Mông xuống chợ lại quây quần bên khu chọi bò, đá gà và nhất là khu ẩm thực.

Phiên chợ ngày cuối năm góc nào người ta cũng nghe mùi thơm của thịt nướng pha lẫn men rượu nếp cẩm của đồng bào Mông. Khoảng 9 giờ sáng, mùi thịt gà nướng bắt đầu thoang thoảng từ các lò than bay lên thơm nức.

Thịt gà đen nướng đang trở thành hồn ẩm thực của đồng bào Mông miền tây Nghệ An
Thịt gà đen nướng đang trở thành hồn ẩm thực của đồng bào Mông miền tây Nghệ An.

Ông Lầu Giống Tủa, một người dân xã Mường Lống vừa nâng chén rượu lên vừa tâm sự, món ăn ngon nhất của người Mông mỗi lần chợ phiên ngày cuối năm là thịt gà nướng. Gà ở đây chủ yếu là giống gà đen (hay có nơi còn gọi là gà ác). Loại gà này thích nghi nhất với miền đất Kỳ Sơn, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Nậm Càn… là khu vực có độ cao nhất ở Nghệ An (khoảng 1.500m so với mực nước biển).

Đã là con trai Mông, mỗi lần xuống chợ, thế nào cũng phải thưởng thức cho được chén rượu và mấy miếng thịt gà đen nướng. Ngoài thịt gà nướng, phiên chợ ngày áp tết còn đủ các món nhậu khác như thịt “bò giàng”, thịt bò nướng, lợn nướng và thậm chí có cả thịt lợn rừng, nhím… nướng rất ngon.

Chị Lương Thị Mai, một người chuyên bán hàng ẩm thực, quê tận thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn nhưng mỗi dịp cuối năm chị lại thuê xe chở hàng vào đây để bày bán. Chị cho biết, các món nhậu mà cánh mày râu người Mông, Thái, Khơ Mú và cả người Kinh khoái khẩu nhất ở đây vẫn là món gà đen nướng.

Mặc dù góc nào cũng có quầy hàng ẩm thực nhưng quầy chị Mai thường đông khách hơn, vì kỹ thuật nướng gà và các loại thịt khác của chị có nhiều kinh nghiệm hơn. Vì thế mới sáng sớm tinh mơ, khi người dân chưa kịp đặt chân xuống chợ thì mẹ con chị Mai đã đỏ lửa lò chuẩn bị phục vụ khách hàng.

Chị Mai tiết lộ kinh nghiệm: Trước khi cho lên lò nướng, thịt gà thường được chặt nhỏ ra từng miếng, bỏ một số gia vị như hạt cay bấc (hạt tiêu), chút mì chính rồi phải thêm ít muối, trước khi nướng thịt lò than phải đỏ rực thì thịt mới ngon.

Đã xuống chợ và ngồi thưởng vài món ăn của người dân nơi đây không ai trách cứ đắt hay rẻ. Mỗi đĩa đồ nướng như thịt gà 50 đến 60 nghìn đồng, thịt bò 40 đến 50 nghìn và thịt lợn 50 nghìn đồng. Gặp người quen hay khách lạ người Mông thường cạn với nhau chén rượu, với cái bắt tay nồng ấm để bày tỏ tình thân ái và chúc sức khỏe dịp ngày năm hết, tết đến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.