Chưa thu hồi được hơn 52.000 tỷ đồng của ngân hàng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Cả nước còn tồn đọng gần 15.200 việc liên quan các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa thi hành án, với tổng số tiền trên 52.280 tỷ đồng.

Thông tin trên được đưa ra ngày 8/6 tại hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam với Bộ Tư pháp trong công tác Thi hành án dân sự (THADS) liên quan hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Một chấp hành viên phải “ôm” 120 vụ việc

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan THADS đã tổ chức thi hành xong 1.239 việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng (tăng 508 việc so với cùng kỳ năm 2015), tương ứng số tiền trên 8.120 tỷ đồng. Mặc dù kết quả THADS đã tăng lên 41% số việc và tăng trên 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015, song Bộ Tư pháp khẳng định, so với yêu cầu thì chưa đáp ứng. Trên toàn quốc, số việc còn tồn đọng chưa thi hành lên tới gần 15.200 việc, số tiền trên 52.280 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến kết quả đạt được chưa đạt mục tiêu mong muốn, trong đó khó khăn lớn nhất hiện nay là số vụ việc và số tiền còn phải thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng quá lớn, gồm 16.433 việc (tăng 2.042 việc so với cùng kỳ năm 2015), tương ứng với tổng số tiền gần 60.400 tỷ đồng. Hơn nữa, từ ngày 1/7/2015 (thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS có hiệu lực) trách nhiệm xác minh điều kiện, thông tin tài sản của người phải thi hành án chuyển sang cho chấp hành viên, dẫn đến quá tải công việc của cơ quan thi hành án, trong khi biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Cá biệt, có nơi do khối lượng công việc quá nhiều, một chấp hành viên phải tổ chức thi hành 120 vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng.

Nhiều ngân hàng buông lỏng kiểm soát

Cũng theo Bộ Tư pháp, người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối, chây ỳ việc thi hành án bằng nhiều cách, như thay đổi hiện trạng tài sản, không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án, di dời tài sản là động sản (xe máy, tàu thuyền, máy móc...).

Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo của một số tổ chức tín dụng, ngân hàng còn thiếu tính khoa học. Nhiều tổ chức tín dụng còn buông lỏng không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến khách hàng mất khả năng thanh toán; cán bộ tín dụng, ngân hàng thiếu kinh nghiệm khi tham gia vào hoạt động tố tụng và thi hành án.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị NHNN Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện đúng trình tự thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay. Phải cử người có năng lực, trách nhiệm để tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng từ giai đoạn xét xử đến giai đoạn thi hành án dân sự. Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đồng tình với Bộ Tư pháp, cho rằng ngay từ khâu thẩm định kiểm tra tài sản phải làm tốt, xây dựng quy trình kiểm tra giám sát ngay từ khâu đầu để tránh hậu quả về sau.

MỚI - NÓNG
Bệnh viện thiếu thuốc: Chúng ta tự làm khổ mình
Bệnh viện thiếu thuốc: Chúng ta tự làm khổ mình
TPO - Đại biểu Quốc hội phản ánh, có những người đặt câu hỏi, tại sao bao nhiêu năm không thiếu thuốc mà bây giờ lại thiếu thuốc? Chúng ta không thể đổ thừa hết cho COVID-19 hay chuyện này, chuyện kia, mà phải nhìn thấy rõ ràng chúng ta tự làm khó, tự làm khổ mình.