> Ba năm, bồi thường 23 tỷ đồng
> Người dân vẫn bị gây khó khi Nhà nước bồi thường
Ông Nguyễn Trung Hải - trú tại huyện Cần Giờ, đại diện cho các chủ hàng trên - cho biết toàn bộ số bạch tuộc này là do người dân ở huyện Cần Giờ đánh bắt tự nhiên và gom lại, chuyển lên TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ. 23g ngày 27/5, các chủ hàng nhận được thông báo xe hàng bị cảnh sát môi trường Hải Dương tạm giữ tại thị xã Chí Linh vì không có giấy kiểm dịch.
Ngay trong sáng 28/5, gần chục hộ dân đã bay từ TP.HCM ra Bắc để giải quyết và cho rằng công an giữ lô hàng là không đúng các quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng không có biện pháp bảo quản khiến toàn bộ lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc bị hư hỏng, bốc mùi hôi thối, không thể tiêu thụ được nữa.
Theo ông Hải: “Từ ba năm nay chúng tôi vẫn vận chuyển bạch tuộc ra miền Bắc và một số lần bị kiểm tra nhưng chưa lần nào bị bắt giữ. Theo thông tư số 32/2012 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thủy sản không phải kiểm dịch nếu không xuất xứ từ vùng có dịch. Đến nay tại TP.HCM chưa có nơi nào công bố bạch tuộc có dịch nên Công an Hải Dương không thể giữ hàng của chúng tôi với lý do không có giấy kiểm dịch”.
Ông Nguyễn Quang Hưng, lái xe tải được thuê chở lô hàng bạch tuộc trên, cho biết khi đang chở hàng từ sân bay Nội Bài đi Móng Cái, qua thị xã Chí Linh (Hải Dương) thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Sau khi kiểm tra giấy tờ xe đầy đủ, không vi phạm giao thông, cảnh sát giao thông đã giao xe hàng cho Phòng Cảnh sát môi trường với lý do hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy kiểm dịch.
Cảnh sát môi trường yêu cầu ông Hưng đưa xe về bãi của Công ty TNHH Trường Giang tại quận Ngô Quyền, TP Hải Dương. Tại đây ông Hưng yêu cầu cơ quan công an lập biên bản tạm giữ xe, hiện trạng hàng hóa nhưng đại diện Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương không đồng ý.
Cũng theo ông Hưng, đến khoảng 4g ngày 28/5, khi lô hàng bắt đầu có biểu hiện hư hỏng vì không được bảo quản thì Phòng cảnh sát môi trường yêu cầu ông Hưng nhận lại xe và ký vào biên bản nhận xe, nhận hàng.
“Lúc đó tôi chỉ ký nhận xe và ghi rõ không thừa nhận nội dung trong biên bản vì công an giữ xe, giữ hàng mà không lập biên bản. Tôi thấy hàng đã chảy nước, bắt đầu bị hỏng nên cũng không nhận hàng và gọi điện cho chủ hàng ra giải quyết” - ông Hưng nói.
Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương, cho biết cơ quan chức năng không tiến hành tạm giữ lô hàng này mà chỉ đưa về bãi đỗ để xác minh, tìm hiểu rõ nguồn gốc vì lô hàng không có giấy kiểm dịch và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Về căn cứ mà các chủ hàng nêu ra rằng bạch tuộc không xuất xứ từ vùng có dịch nên không cần phải có giấy kiểm dịch, ông Thái trả lời: “Chúng tôi căn cứ vào các thông tư phối hợp của Bộ Công an kiểm tra hàng lậu nên vẫn phải kiểm tra lô hàng này. Hôm nay (31/5), chúng tôi đã có cuộc họp liên ngành về việc này, Chi cục Thủy sản tỉnh đã có văn bản khẳng định lô hàng này phải có giấy kiểm dịch”.
Về trách nhiệm của công an khi để lô hàng bị hỏng, ông Thái cho biết sau khi kiểm tra lô hàng trong khoảng hai giờ, đến 1g15 ngày 28/5, công an đã có văn bản trả xe và giao hàng cho chủ xe quản lý. “Việc lái xe nói 4g mới trả là việc của họ, chúng tôi đã có văn bản trả rồi. Vì vậy trách nhiệm quản lý hàng là của lái xe” - ông Thái nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến 10g ngày 28/5, bãi gửi xe của Công ty TNHH Trường Giang mới nhận được thông báo của Phòng cảnh sát môi trường về việc trả xe. Đến chiều 31/5, lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc vẫn đang được lưu giữ tại bãi xe và đã bốc mùi hôi thối. Phòng cảnh sát môi trường vẫn chưa đưa ra cách giải quyết cuối cùng về yêu cầu bồi thường thiệt hại của các chủ hàng.
Theo Thân Hoàng
tuoitre.vn