> Phải ưu tiên trả nợ lương người lao động khi phá sản
Sao lại có chuyện như vậy?!
Trên các diễn đàn mạng, đã và đang có hàng loạt bài viết phân tích những điều kém khả thi của Luật Phá sản hiện hành. Từ mở thủ tục phá sản hồ sơ thế nào, điều kiện ra sao, đến thành lập tổ quản lý - thanh lý tài sản, rồi phân loại chủ nợ có hay không có tài sản bảo đảm, rồi đến định giá tài sản bảo đảm... tất cả các khâu đều nhiêu khê, phức tạp, không lường trước được thời gian sẽ kéo dài bao lâu.
Chuyện “hậu phá sản” cũng được bàn nhiều: Nên hay không nên cấm chủ doanh nghiệp phá sản đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp một đến ba năm?
Hiện dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) đang được TAND Tối cao soạn thảo. Dự kiến quý III năm nay sẽ trình Quốc hội, và có thể được ban hành vào đầu quý IV.
Về đợt sửa đổi lần này, nhiều chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tính “khả thi”. Đối với Luật Phá sản, họ cho rằng tính khả thi trước hết thể hiện ở khâu nhân sự, tức là phải làm rõ đội ngũ cán bộ chuyên viên như thế nào mới có thể thực thi các thủ tục phá sản.
Dễ thấy một đội ngũ như vậy hiện nay chưa sẵn sàng. Ngay cả thẩm phán các tòa dân sự, kinh tế, hầu như chưa mấy ai rành về Luật Phá sản. Đó là về lý thuyết, còn kinh nghiệm hầu như bằng không.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Phá sản, vai trò của cá nhân thẩm phán rất quan trọng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Luật Phá sản (sửa đổi) được thông qua, thì việc trước tiên cần làm là phải bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ thẩm phán, để họ nắm thật vững những quy định của luật này.
Nhóm nhân sự thứ hai cần được bồi dưỡng, tập huấn là các chấp hành viên của các đơn vị thi hành án dân sự, và cán bộ của các công ty đấu giá tài sản. Đây là những người sẽ sát cánh cùng thẩm phán thực hiện các thủ tục cần thiết giúp cho một doanh nghiệp đang cần phá sản được toại nguyện.
Bên cạnh đó, cần có một đội ngũ chuyên về định giá tài sản. Những người này có thể của hiệp hội các ngân hàng, hoặc của Bộ Tài chính. Họ không chỉ có kiến thức, mà còn phải có kinh nghiệm, có quy chế làm việc rõ ràng và chặt chẽ, để có thể nhanh chóng định giá chính xác tài sản của doanh nghiệp đang muốn phá sản hoặc tài sản bảo đảm phía các chủ nợ đang nắm giữ.
Khi được đào tạo và tổ chức tốt, đội ngũ nhân sự trên đây sẽ giúp các doanh nghiệp, ngân hàng... thực thi một cách nhanh chóng các thủ tục phá sản doanh nghiệp. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, đội ngũ này sẽ giúp làm lành mạnh nền kinh tế, từ đó có cơ hội tốt cho việc tái sinh hàng loạt doanh nghiệp mới.