> Xét xử cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng và đồng phạm
Cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền (55 tuổi). Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình) |
Các bị cáo nhận tội nhưng "phản pháo" nhau trách nhiệm
Hôm nay, TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền cùng 4 cán bộ dưới quyền về hành vi Huỷ hoại tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong ngày đầu xét xử, HĐXX lần lượt xét hỏi cả 5 bị cáo, gồm: Lê Văn Hiền (55 tuổi, cựu chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng), Nguyễn Văn Khanh (52 tuổi, cựu Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng), Phạm Xuân Hoa (58 tuổi, cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện), Lê Thanh Liêm (50 tuổi, em ông Hiền, cựu Chủ tịch xã Vinh Quang), Phạm Đăng Hoan (53 tuổi, cựu Bí thư xã Vinh Quang).
Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo Khanh đưa ra nhiều lời khai khác với những bị cáo còn lại. HĐXX cũng làm rõ vai trò, phân công cụ thể của từng bị cáo trong vụ án.
Về Thông báo số 225 phân công nhiệm vụ cụ thể của từng tổ tham gia cưỡng chế, trong đó tổ 2 do bị cáo Phạm Xuân Hoa phụ trách, có nội dung “tháo dỡ” được cho là nguyên nhân bắt nguồn việc hủy hoại nhà và tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý.
Bị cáo Hoa khai là người dự thảo thông báo này và bị cáo Khanh là người cuối cùng duyệt, chỉnh sửa và kí ban hành.
Bị cáo Hoa, Hoan và Liêm đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đã tự nguyện nộp tất cả 210 triệu đồng khắc phục hậu quả. Cả ba bị cáo này khai, đều khai thực hiện việc đôn đốc, phá dỡ nhà ông Quý, ông Vươn là do bị cáo Khanh chỉ đạo, trong đó có việc thuê máy xúc...
Cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình) |
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh khai, nhiều lời khai của 3 bị báo Hoa, Liêm và Hoan không đúng và nói là mình không ra lệnh hay giao cho Hoan, Liêm phá nhà hai tầng của ông Quý sáng 6/1/2012.
Trả lời HĐXX về việc gia đình bị cáo Khanh cùng văn phòng luật sư Hương Giang (bảo vệ cho bị cáo Khanh) và một số người hảo tâm đã góp tiền xây dựng ngôi nhà nhỏ cho vợ con ông Vươn, ông Quý ngay tại đầm làm chỗ ở tạm, bị cáo Khanh nói “đây chỉ là cử chỉ, tình cảm giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn”.
“Từ trước, tôi đều không đồng ý quan điểm cưỡng chế, thu hồi đầm của gia đình ông Vươn mà nên giao cho ông Vươn thuê tiếp... Tôi cũng không đồng ý phá nhà mà chỉ dỡ lều coi đầm khi tổ chức cưỡng chế”, bị cáo Khanh nói.
Bị cáo Khanh cũng cho rằng, các quyết định thu hồi đất của gia đình ông Vươn không đúng với pháp luật nên dẫn đến việc cưỡng chế sai và người chịu trách nhiệm chính là chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền.
Trả lời HĐXX về việc thấy cưỡng chế sai qui định, tại sao bị cáo không phản đối, mà còn làm Trưởng ban chỉ đạo, bị cáo Khanh nói, là tập thể quyết định và phân công nhiệm vụ nên phải làm.
Khi HĐXX xét hỏi, cựu Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền thừa nhận hành vi phạm tội của mình và “đổ” việc phá dỡ, huỷ hoại tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý là trách nhiệm của Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Văn Khanh. Ông Khanh không báo cáo nên ông Hiền không hay biết.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình) |
Xin giảm nhẹ tội cho bị cáo Khanh
Chiều cùng ngày, HĐXX xét hỏi 6 nhân chứng có mặt tại tòa và công bố lời khai của 4 nhân chứng vắng mặt có lí do. Nhân chứng Mai Công Nhìu khẳng định, nhìn thấy ông Hoa đôn đốc nhân viên dưới quyền phá dỡ nhà ông Vươn và ông Khanh chỉ đạo phá dỡ nhà hai tầng của ông Quý trong ngày 5/1/2012.
Tất cả các nhân chứng có mặt và không có mặt tại tòa đều khai là các bị cáo Khanh, Hoa, Liêm và Hoan đã chỉ đạo, đôn đốc việc phá nhà và hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý.
Ông Vũ Văn Đoàn, chủ máy xúc (sử dụng việc phá nhà ông Quý) nói, “đề nghị HĐXX cho xin lại cái máy xúc để gia đình còn làm ăn”. Hiện, máy xúc của ông Đoàn bị tạm giữ hơn một năm nay.
Ông Phạm Thanh Dương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng định giá, giải thích cụ thể các căn cứ pháp lí để định giá tài sản đã bị hủy hoại của gia đình ông Vươn, ông Quý.
Bị hại Đoàn Văn Vươn tại tòa. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình) |
Khi HĐXX xét hỏi, bị hại Đoàn Văn Vươn khai dốc hết vốn, vay mượn đầu tư nhiều từ quai đê lấn biển, xây kè, xây nhà ở, nhà kho, chuồng chăn nuôi, chòi canh... trong thời gian dài chưa kịp thu hồi vốn.
Ông Vươn không đồng ý với Hội đồng định giá toàn bộ tài sản của gia đình ông bị hủy hoại chỉ hơn 295 triệu đồng.
Theo ông Vươn, với thời giá hiện nay, giá trị toàn bộ đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông trị giá khoảng 60 tỉ đồng và hiện ông vẫn còn nợ khoảng 5 tỉ đồng.
“Gia đình tôi thiệt hại mỗi năm hàng tỉ đồng vì phải dừng đầu tư do quyết định thu hồi đất, yêu cầu dừng đầu tư của UBND huyện Tiên Lãng”, ông Vươn nói.
Về ngôi nhà nhỏ mới xây cho gia đình ông, ông Vươn nói, “tôi cảm ơn gia đình ông Khanh và văn phòng luật sư, vì tinh thần nhân văn, đã xây dựng căn nhà cho gia đình, vợ con tôi. Tôi xin đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tội cho ông Khanh, còn tăng nặng đối với 4 bị cáo còn lại”.
Ngày mai (9/4), HĐXX tiếp tục làm việc ngày thứ hai với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát và tranh tụng.