Mã số công dân: Vì dân hay vì cơ quan quản lý?

Mã số công dân: Vì dân hay vì cơ quan quản lý?
TP - “Tôi chưa nói ai quản lý, tư pháp hay công an, nhưng phải gom dữ liệu dân cư về một đầu mối, đảm bảo người dân chỉ phải đăng ký một lần, trong đó đăng ký hộ tịch là gốc”.

> Chuyển Cục Kiểm soát thủ tục hành chính về Bộ Tư pháp
> Sẽ thống nhất một mã số công dân

Đó là ý kiến của ông Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp) khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh việc xây dựng Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư, do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Mỗi công dân một mã số

Ông Trần Thất cho biết: Hiện mỗi công dân phải sử dụng hơn 20 loại giấy tờ. Nếu mỗi người khi sinh ra được cấp ngay một số định danh cá nhân để tham gia mọi quan hệ hành chính trong suốt cuộc đời, điều này sẽ mang lại tiện ích to lớn cho người dân và cơ quan quản lý. Đất nước ta có khoảng 87 triệu dân, nếu quản lý bằng phương pháp thủ công thì rất khó và thiếu chính xác. Do vậy, mỗi công dân cần phải có một mã số theo mình suốt cuộc đời.

Nếu mỗi công dân có một mã số, nó không chỉ phục vụ cho việc quản lý con người (hộ tịch, hộ khẩu, CMND…) mà nó còn phục vụ cho nhiều ngành, như ngành thuế (mã số thuế), ngành y tế (bảo hiểm y tế)… Mã số công dân còn giúp cho việc đơn giản hóa thủ tục tra cứu và chính xác hóa thông tin cá nhân. Thực tế một cá nhân chứng minh được nhân thân của mình thì phải cần nhiều loại giấy tờ.

Ông đánh giá như thế nào về dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an đang thí điểm?

Tôi cho rằng dự án của Bộ Công an thực hiện việc định danh công dân không chính xác. Họ (công an) xuống tổ dân phố nhờ phát tờ khai cho mỗi gia đình. Trong gia đình thường người ta giao cho một người khai cho những người còn lại.

Do vậy, một người khai thì khó chính xác mấy chục thông tin của một cá nhân, dẫn đến tâm lý họ thường khai cho xong chuyện và nộp lại cho tổ dân phố. Căn cứ vào những tờ khai đó, cơ quan công an nhập vào máy mà không biết rằng nó có chính xác với các giấy tờ khác? Ví dụ con tôi khai tôi sinh ngày, tháng, năm…nhưng nó không nhìn thấy giấy khai sinh của tôi sẽ có chuyện khai bừa cho xong.

Cho nên, tôi dám khẳng định cái dữ liệu của ngành công an hiện nay đang làm là không chính xác. Chúng ta đã có nhiều dữ liệu không chính xác rồi, giờ lại thêm một dữ liệu không chính xác nữa thì lại càng rối thêm, chưa kể là rất tốn kém.

“Làm lợi cho dân”

Thí điểm cấp chứng minh thư theo mẫu mới của Bộ Công an. Ảnh: Lê Dương
Thí điểm cấp chứng minh thư theo mẫu mới của Bộ Công an. Ảnh: Lê Dương.
 

Có ý kiến cho rằng, trong việc quản lý công dân hiện nay, mạnh bộ ngành nào nơi đó làm, không chỉ gây tốn kém ngân sách mà còn gây phiền hà cho dân. Ý kiến của ông ra sao?

 Tất cả đều là công cụ quản lý của nhà nước thì phải thống nhất quản lý và đứa bé chỉ phải khai báo một lần cho mãi mãi về sau”.  

Đề án của Bộ Tư pháp đang xây dựng là để tránh việc bộ, ngành nào cũng lấy cơ sở dữ liệu của mình. Ví dụ hộ tịch thì đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử riêng, nhưng đến anh công an thì lại đăng ký hộ khẩu, CMND riêng… Cuối cùng, anh nào cũng làm dữ liệu riêng của mình, bắt người dân phải đi đăng ký nhiều lần - như thế là không cải cách thủ tục hành chính, làm lợi cho dân. Hơn nữa, càng nhiều dữ liệu thì càng vênh nhau cho nên phải tập trung vào một cơ sở dữ liệu. Tôi chưa nói ai quản lý, tư pháp hay công an, nhưng phải gom về một đầu mối, đảm bảo người dân chỉ phải đăng ký một lần, trong đó đăng ký hộ tịch là gốc.

Một đứa trẻ sinh ra không thể chưa đăng ký khai sinh xong lại phải đi đăng ký dữ liệu dân cư, rồi lại đi đăng ký hộ khẩu. Tất cả đều là công cụ quản lý của nhà nước thì phải thống nhất quản lý và đứa bé chỉ phải khai báo một lần cho mãi mãi về sau.

Ông nghĩ sao nếu các bộ, ngành vẫn quyết xây dựng dữ liệu cho riêng mình, không gom dữ liệu về một đầu mối?

Tôi cho rằng đó là cách làm lỗi thời, anh nào cũng muốn quản lý riêng là không ổn. Cùng một con người, anh nào cũng muốn quản lý riêng thì không những không chính xác về dữ liệu, mà còn gây phiền hà cho người dân và tốn kém ngân sách nhà nước.

Tôi đã chứng kiến có trường hợp khi người dân đăng ký khai sinh họ tên, ngày tháng năm sinh thế này, nhưng đến khi làm hộ khẩu vì một lý do nào đấy họ khai vênh đi một chút, đến khi làm CMND họ khai vênh đi một chút, cuối cùng không ngành nào chịu điều chỉnh cho người ta.

Mà rõ ràng người ta sinh ra đăng ký khai sinh là gốc rồi, hộ khẩu hay CMND đều phải lấy khai sinh làm gốc. Thế nhưng, do cách làm tắc trách đó, dẫn đến có những cháu khi đi thi đại học, giấy khai sinh một đường, CMND một nẻo, nên không được thi. Do vậy, quản lý công dân ở đây là phục vụ người dân, chứ không phải là cai trị.

Cảm ơn ông!

Số định danh cá nhân ở một số nước

Malaysia áp dụng số định danh cá nhân từ năm 1991, gồm 12 con số, theo định dạng: YYMMDD-SS-###G. Nhóm YYMMDD là năm-tháng-ngày sinh; SS là nơi sinh...

Singapore cấp thẻ căn cước cho tất cả công dân nước này và người thường trú đến từ nước ngoài. Thẻ này được dùng cho hầu hết trường hợp định danh, kể cả việc xác nhận truy cập cổng thông tin điện tử của chính phủ...

Ở Thái Lan, mã số xác định dân số được Cục Quản lý tỉnh thuộc Bộ Nội vụ cấp từ năm 1976, gồm 13 con số, cấp cho người dân mới sinh hoặc khi đủ tư cách công dân.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.