Ông trưởng khoa thừa nhận toàn bộ sai phạm
> Vụ mua dễ bệnh án tâm thần: Con sâu làm rầu nồi canh
> Vụ mua, bán bệnh án tâm thần: Rõ ràng có sai phạm
> Muốn 'tâm thần xịn', chi tám triệu đồng?
> Bệnh án tâm thần, mua là có
Thông tin trên được ông Phạm Công Lạng, Giám đốc BV Tâm thần Hải Dương cho biết, tại buổi làm việc với báo Tiền Phong chiều qua (21-1). Cùng làm việc có ông Nguyễn Huy Viết, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính-Kế toán BV.
Tạm đình chỉ Trưởng khoa Khám bệnh
Ông Phạm Công Lạng nói: “Ngay sau khi Tiền Phong đăng bài báo “Bệnh án tâm thần, mua là có”, ngày 16-1 Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu BV kiểm tra, xử lý vụ việc. Phía công an tỉnh cũng đã cử cán bộ đến BV nắm tình hình.
Trong ngày, lãnh đạo BV lập tức họp khẩn cán bộ chủ chốt, ra quyết định tạm đình chỉ công tác bác sỹ Ngô Lê Phong (Trưởng khoa Khám bệnh, người bị phản ánh mua bán giấy chứng nhận tâm thần - PV) để yêu cầu giải trình.
Ông Phong đã thừa nhận sai phạm như báo Tiền Phong phản ánh và cho biết, sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật của cấp trên”.
Bác sỹ Phong nói gì về việc nhận tiền của người nhà bệnh nhân để bán giấy chứng nhận tâm thần?
Việc này, anh Phong cũng đã thừa nhận là có. Toàn BV chúng tôi rất sốc. Sai sót này là quá rõ và là bài học xương máu cho toàn thể cán bộ nhân viên BV.
Tiền Phong tìm ra việc này là quá đúng rồi, bản thân chúng tôi cũng giật mình. Làm sao lại có chuyện bác sỹ vòi tiền để làm hồ sơ sai lệch như vậy. Người bác sỹ phải đặt lương tâm lên hàng đầu chứ.
Việc cán bộ sai đến đâu chúng tôi sẽ xử lý nghiêm đến đây. Nhưng cũng xin nói thêm, bác sỹ Phong là người có chuyên môn vững, thuộc diện cán bộ “nguồn” của BV, lại là con liệt sỹ, hiện sống với mẹ già. Nói thật, mấy ngày gần đây anh Phong suy sụp rất nhanh, có dấu hiệu trầm cảm, chúng tôi chỉ sợ anh ý nghĩ quẩn...
“Tôi hứa là không cầm tiền”
Trong bài điều tra của Tiền Phong, bác sỹ Phong nói phải đưa 1 triệu đồng để “cảm ơn” Giám đốc BV Tâm thần Hải Dương, thực tế ra sao?
Anh Phong nói thế thôi chứ không đưa tiền cho tôi. Tôi xin hứa với các anh đúng là như thế. Trong bản giải trình của anh Phong cũng khẳng định không đưa tiền cho giám đốc.
Nhưng trong bản chứng nhận tâm thần có chữ ký, con dấu của ông, chỉ sau khi bác sỹ Phong vào phòng ông ít phút.
Cái này thuộc về quy trình, tôi phải ký, không ký thì lại bị cho là thủ tục hành chính rườm rà.
Theo quy trình, chúng tôi giao cho bác sỹ phòng khám, khi có bệnh nhân đến xin xác nhận tâm thần và có giấy giới thiệu của địa phương (đã có xác minh ban đầu rồi) thì anh có quyền khám và kết luận, sau đó trình lãnh đạo ký duyệt.
Nếu thấy nghi ngờ, lãnh đạo mới khám lại hoặc yêu cầu khám lại, vì đã giao quyền cho bác sỹ khám bệnh rồi. Anh làm và anh phải chịu trách nhiệm.
Còn trường hợp bệnh nhân Thành ở huyện Nam Sách, gia đình họ tố phải chi 8 triệu đồng để mua bệnh án, BV đã kiểm tra chưa?
Sau khi báo phản ánh, chúng tôi đã rà soát lại hồ sơ và tìm ra được bệnh nhân này. Tôi phải khẳng định, bệnh nhân này có bị tâm thần. Sau khi được yêu cầu giải trình, bác sỹ Phạm Văn Thân thừa nhận có sai phạm là cho bệnh nhân điều trị ngoại trú không báo cáo với lãnh đạo BV, nhưng không nhận là đã nhận tiền. Xử lý cán bộ phải căn cứ vào chứng cứ cụ thể mới xử lý được.
“Bệnh án chỉ có giá trị tham khảo”
Ông nghĩ sao nếu những bệnh án tâm thần này rơi vào tay những đối tượng hình sự?
Với những đối tượng thanh thiếu niên, những đối tượng có biểu hiện làm bệnh án tâm thần để trốn tránh pháp luật, chúng tôi để ý kỹ hơn. Chứ không ai nghĩ một cháu bé 4 tuổi làm bệnh án để trốn tránh pháp luật gì đâu.
Còn tất cả những người vi phạm pháp luật, mặc dù anh có bệnh án hay không nhưng sau đó đều phải giám định, ra hội đồng.
Lúc đó, bệnh án chỉ có giá trị tham khảo thôi, chúng tôi phải xem xét tất cả hồ sơ, từ nhân chứng của gia đình, của địa phương, của cơ quan y tế... nói chung là tất cả những chứng cứ để chứng minh người đó có phải tâm thần không. Chứ không phải cứ có bệnh án thì được coi là tâm thần.
Hơn nữa, kể cả xác định đúng người đó là tâm thần thì vẫn phải tiếp tục xem xét xem lúc phạm tội họ có tỉnh táo không. Nếu lúc phạm tội, người này hoàn toàn tỉnh táo, làm chủ được hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trung bình mỗi năm, BV tham gia giám định cho bao nhiêu trường hợp người vi phạm pháp luật có dấu hiệu tâm thần?
Khoảng 30 đến 40 trường hợp, trong đó trọng án như giết người, cướp của rất ít. Nhân vụ điều tra của Tiền Phong, Bộ Y tế đã yêu cầu chúng tôi rà soát lại toàn bộ số liệu, bệnh án từ năm 2003 đến nay.
Thực ra văn bản của Bộ chúng tôi chưa nhận được, chúng tôi mới được Giám đốc Sở Y tế thông báo như vậy.
Trở lại trường hợp của bác sỹ Phong, với những sai phạm như trên mức kỷ luật sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong dự thảo báo cáo gửi Sở Y tế Hải Dương, chúng tôi đề nghị cách chức bác sỹ Phong. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng phải do Sở quyết định.
Cảm ơn ông!
Công Minh - Hoàng Long
Thực hiện