Từ đâu ra lắm cảnh sát rởm?

Từ đâu ra lắm cảnh sát rởm?
TP - Chỉ cần “đầu tư” vài trăm ngàn đồng, một cậu nhóc 16, 17 đã “hô biến” mình thành một cảnh sát, vác dùi cui đi chặn xe, vòi vĩnh tiền của người tham gia giao thông. Chuyện dễ xảy ra bởi những “công cụ hỗ trợ” này được bày bán công khai ngay giữa lòng Thủ đô...

> Đóng giả 141 để cưỡng đoạt tài sản
> Giả danh 141 chặn xe, thu tiền phạt trái phép

Cuối tuần qua, TAND quận Long Biên (Hà Nội) đã xét xử sơ thẩm bốn bị cáo giả danh cảnh sát cơ động, vòi vĩnh tiền người tham gia giao thông, gồm: Nguyễn Thanh Tùng (SN 1996, ở phường Gia Thụy, quận Long Biên); Nguyễn Thanh Hải (SN 1996, ở quận Hoàn Kiếm); Đỗ Mạnh Thắng (SN 1991, ở phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm) và Hoàng Trọng Hiệp (SN 1995, ở phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội).

Cả 4 bị cáo cùng bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản. Kết quả, các bị cáo bị phạt từ 12 đến 15 tháng tù.

Cũng với hành vi tương tự, năm 2010, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hai đối tượng (đều 16, 17 tuổi) ở địa bàn huyện Từ Liêm, khi họ đang giả danh cảnh sát cơ động, trấn tiền người đi đường.

Điều đáng nói, qua các vụ án kể trên, các đối tượng vi phạm đều khai nhận: “Do thấy việc mua bán quân phục, cùng các công cụ hỗ trợ trong ngành Công an dễ dàng, nên đã giả mạo lực lượng chức năng để phạm tội”.

Hai học sinh giả cảnh sát cơ động bị bắt giữ hồi tháng 11-2010
Hai học sinh giả cảnh sát cơ động bị bắt giữ hồi tháng 11-2010.

Để mục sở thị, PV Tiền Phong tìm đến phố Lê Duẩn (Hà Nội) mà nhiều người gọi là “phố quân dụng”. Sau câu hỏi: “Em cần mua ít đồ ngành Công an”, bà chủ quán tuôn một tràng: “Quần áo ba trăm một bộ; dây lưng công an trăm rưởi, quân đội trăm tám; giầy xịn của ngành ba trăm một đôi, giầy của tướng năm trăm, chị bán đồng hạng các kích cỡ...”.

“Thế chị có biển tên ngành không?”. “Cửa hàng chị cung cấp từ A đến Z, biển thì e phải đặt trước tiền và tên, cứ trăm rưởi một cái, tuần sau có”...

Một cảnh sát rởm khác bị phát hiện vào tháng 3-1012
Một cảnh sát rởm khác bị phát hiện vào tháng 3-1012.

Về việc này, thẩm phán Nguyễn Xuân Văn – Phó Chánh toà Hình sự, TAND TP Hà Nội, cho rằng, việc kinh doanh các mặt hàng quân dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều hành vi.

Trước hết, theo Nghị định 59/2006 của Chính phủ (Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện), khi các hộ kinh doanh tự ý mua, bán những sản phẩm này, hoàn toàn có thể truy cứu theo Tội kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS) hoặc Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS).

Bổ sung ý kiến trên, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Giả thiết, người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng, có thể xem xét họ về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Nếu chỉ là “hàng nhái”, có thể xem xét hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 156 (BLHS).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG