141 TP Hồ Chí Minh những ngày đầu tấn công tội phạm

141 TP Hồ Chí Minh những ngày đầu tấn công tội phạm
Lực lượng tấn công tội phạm vận dụng mô hình 141 của Công an Hà Nội ở TP HCM không chỉ bắt “nóng” các tên cướp giật, trộm cắp, ma túy… trên đường phố mà còn kiểm tra đối tượng nghi vấn mang theo vũ khí, hung khí để kịp thời ngăn chặn tội phạm có thể xảy ra.

“Công an TP Hồ Chí Minh vận dụng mô hình lực lượng 141 của Công an Hà Nội bằng việc Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập 34 tổ Cảnh sát cơ động (CSCĐ) có nhiệm vụ phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm và Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm trên các địa bàn, tuyến đường trọng điểm trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh” - Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh đã cho biết như vậy trong buổi họp báo “thông báo về tình hình kết quả công tác năm 2012 và triển khai công tác năm 2013 của Công an TP Hồ Chí Minh” vào chiều 21/12.

Theo đó, các tổ CSCĐ đã chính thức ra quân từ ngày 20/12 và hoạt động xuyên suốt từ nay cho đến hết đợt cao điểm tấn công tội phạm (15/3/2013) nhằm bảo vệ bình yên cho người dân đón Tết dương lịch và Tết cổ truyền dân tộc. Sau đó sẽ tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế tại TP Hồ Chí Minh để hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Lực lượng này không chỉ bắt “nóng” các tên cướp giật, trộm cắp, ma túy… trên đường phố mà còn kiểm tra đối tượng nghi vấn mang theo vũ khí, hung khí để kịp thời ngăn chặn tội phạm có thể xảy ra. Song song đó thì Kế hoạch 218/KH-CATP-PV11 về “tăng cường phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng” mà Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai từ ngày 23/11/2012 vẫn tiếp tục được thực hiện.

Ba giải pháp phòng chống tội phạm của kế hoạch này là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của Công an để đấu tranh với các băng nhóm cướp giật, trộm cắp tài sản trên đường phố; cương quyết xử lý tận gốc các cơ sở kinh doanh tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và phát huy tối đa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để làm được như vậy, Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an các quận, huyện thường xuyên kiểm tra hành chính các cơ sở, dịch vụ “nhạy cảm” có liên quan đến mua bán hàng gian như tiệm vàng, tiệm cầm đồ, cửa hàng mua bán laptop, điện thoại di động… và buộc các cơ sở phải làm cam kết không mua bán hàng gian. Nếu phát hiện người bán có nghi vấn thì phải báo ngay với cơ quan Công an để theo dõi, xử lý.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về thủ đoạn, phương thức gây án, cách nhận biết kẻ gian cũng được Công an TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh để người dân cảnh giác và có ý thức hơn trong việc góp sức cùng lực lượng Công an đẩy lùi tội phạm. Kết quả, qua 19 ngày (từ ngày 1 đến 19/12) triển khai Kế hoạch 218/KH-CATP-PV11, lực lượng Công an đã khám phá 188 vụ phạm pháp hình sự, trong đó án cướp giật, trộm tài sản khám phá 127 vụ, bắt 186 tên. Với những giải pháp mang tính quyết liệt, được thực hiện lâu dài và căn cơ nói trên, hy vọng không bao lâu nữa địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ yên bình như sự bình yên của người dân Hà Nội từ khi có lực lượng 141.

Công an tóm gọn tên cướp
Công an tóm gọn tên cướp.

Theo Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh, trong năm 2012, toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 5.001 vụ phạm pháp hình sự (PPHS), giảm 7,16% so với năm 2011. Lực lượng Công an các cấp đã khám phá 3.675 vụ, bắt 4.679 tên (đạt 73,48%; tăng 4,51% so với cùng kỳ). Tuy số vụ án giảm nhưng hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm và gây án nghiêm trọng chiếm đến hơn 20% số vụ PPHS và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê, tội phạm có tổ chức trong thanh niên nhập cư thất nghiệp. Riêng về án cướp giật tuy có giảm 11,54% nhưng tính chất, mức độ phạm tội thì rất táo bạo và dã man đã gây hoang mang trong quần chúng nhân dân trong thời gian vừa qua.

Về tình hình mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy nổi lên hoạt động của các băng nhóm có yếu tố nước ngoài, vận chuyển ma túy tổng hợp (“hàng đá”) từ Trung Đông về TP Hồ Chí Minh qua cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện 13 vụ, thu giữ khoảng 50kg “hàng đá”. Còn tính chung toàn TP Hồ Chí Minh, cơ quan Công an đã điều tra, khám phá 1.723 vụ (tăng 31 vụ so với năm 2011), bắt 3.425 tên. Về án kinh tế, phát hiện 1.277 vụ vi phạm chủ yếu là buôn lậu, mua bán hàng giả, hàng cấm… gây thiệt hại khoảng 1.691 tỷ đồng… Riêng về tai nạn giao thông đường bộ Công an TP Hồ Chí Minh đã kéo giảm trên cả ba mặt về số vụ (888 vụ, giảm 13%), số người chết và bị thương.

“Tuy có giai đoạn tình hình an ninh trật tự có diễn biến phức tạp (nhất là tình trạng cướp giật) nhưng đều được Công an TP Hồ Chí Minh tập trung giải quyết kịp thời nên nhìn chung trong năm 2012, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn được giữ vững và ổn định” - Đại tá Lê Anh Tuấn khẳng định.

Từ các vụ án, CATP xác định phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp giật như sau:

1. Đối tượng cướp giật thường sử dụng xe phân khối lớn, rảo quanh các tuyến đường, khi phát hiện “con mồi” sẽ áp sát, giật tài sản rồi bỏ chạy.

2. Lợi dụng đêm khuya, khu vực ít người qua lại, các đối tượng sẽ chặn đầu xe nạn nhân (thường là phụ nữ đi một mình) để cướp giật.

3. Lợi dụng sơ hở của người sử dụng điện thoại trên đường phố hoặc mang tài sản có giá trị (dây chuyền, bông tai, giỏ xách, laptop) để tiếp cận gây án.

4. Đeo bám những người vừa rút tiền từ các ngân hàng đến địa điểm thuận lợi (phía trước vắng người, có đường quẹo) thì tăng tốc, kè sát nạn nhân giật túi đựng tiền rồi nhanh chóng tẩu thoát. Nếu bị truy đuổi, đồng bọn sẽ cản địa gây khó khăn cho người truy bắt. Nhiều trường hợp đối tượng cản địa còn giả bộ hỏi han nhằm kéo dài thời gian và làm nạn nhân mất tập trung trong việc tri hô nhờ người đi đường hỗ trợ.

5. Đối tượng còn đóng giả xe ôm hoặc đứng chờ người quen ở góc phố, khi phát hiện “con mồi” sẽ đeo bám đến đoạn đường thuận tiện thì ra tay. Có vụ đối tượng mặc quần áo giả tài xế taxi, nhân viên bảo vệ khách sạn khiến nạn nhân dễ sơ hở.

6. Gần đây có băng tội phạm từ 8 đến 10 tên (có cả nữ) đi xe phân khối lớn chạy lòng vòng. Khi phát hiện “con mồi”, chúng cho một số xe cản đầu nạn nhân dàn cảnh một vụ đụng xe nhằm làm nạn nhân mất cảnh giác để đồng bọn áp sát trộm cắp, giựt dọc.

PHÒNG NGỪA BẰNG CÁCH NÀO?

Để góp phần phòng chống tội phạm cướp giật, CATP đề nghị người dân lưu ý:

1. Không dừng, đậu xe nơi tối vắng, nếu phải qua khu vực này nên đi từ hai người, cảnh giác khi có đối tượng nghi vấn. Đề nghị các địa phương trang bị thêm đèn chiếu sáng ở các đường hẻm tối, vắng.

2. Không sử dụng ĐTDĐ khi đi đường, trường hợp cần thì đậu xe trên lề và chú ý quan sát xung quanh.

3. Nếu có nhu cầu vận chuyển tiền với số lượng lớn, nhất thiết phải dùng xe chuyên dụng hoặc ôtô, taxi và bố trí đủ người canh giữ, bảo vệ khi đưa tiền lên, xuống (các ngân hàng đều có dịch vụ chuyển tiền).

4. Khi đi đường, người đeo dây chuyền, vòng vàng cần cài kín nút áo cổ, không để lộ trang sức ra ngoài. Nếu mang túi xách, nên bỏ vào cốp xe (nếu có) hoặc móc chặt vào xe, ràng buộc kỹ càng.

5. Trên đường đi nếu phát hiện đối tượng nghi vấn bám theo thì chạy chậm sát lề đường hoặc tấp vào nơi có đông người.

6. Khi rút tiền từ các ngân hàng hoặc điểm ATM, nên có người đi cùng và quan sát, cảnh giác trước khi rời các địa điểm trên.

7. Khi bị cướp giật phải tri hô để được hỗ trợ, đồng thời cố gắng ghi nhớ nhân dạng đối tượng, loại xe, biển số... và đến ngay cơ quan công an gần nhất trình báo.

8. Đề nghị người dân đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tố giác tội phạm. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn cướp giật hãy thông báo ngay cho công an địa phương hoặc Cảnh sát 113 và hỗ trợ lực lượng công an trong việc xác minh, truy bắt đối tượng.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Điểm lại những chuyên án ma túy lớn do Bộ Công an triệt phá năm 2024
Điểm lại những chuyên án ma túy lớn do Bộ Công an triệt phá năm 2024
TPO - Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an với quan điểm, phương châm “không chỉ đánh khúc giữa”, bắt giữ toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong năm 2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án và thu giữ lượng lớn ma túy, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc chiến chống lại tội phạm.