'Trục lợi từ hồ sơ đất của dân nghèo': Bí thư xã nói không, Chủ tịch bảo có

'Trục lợi từ hồ sơ đất của dân nghèo': Bí thư xã nói không, Chủ tịch bảo có
TP - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thừa nhận việc bán 45 suất đất cuối năm 2010 hoàn toàn không có chủ trương, trong đó có 30 suất do cán bộ nhờ đứng tên.

> Lộ diện nhiều cán bộ trục lợi từ hồ sơ đất của dân nghèo

Ngược lại, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức lại khẳng định việc cấp đất có chủ trương và được sự đồng tình của huyện.

Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức
Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức.

Tiền trảm, hậu tấu

Mở đầu cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) Cao Viết Đức khẳng định, việc bán 45 suất đất cuối năm 2010 là có chủ trương rõ ràng.

“Nói bán đất không có chủ trương là không đúng đâu. Chúng tôi đã họp, có biên bản và đang giao cho cơ quan điều tra. Ông Quyền (Bí thư Đảng ủy xã Phan Mạnh Quyền – PV) nói thủ tục cấp đất bằng miệng là nói sai”- ông Đức nói.

Theo Chủ tịch xã Cao Viết Đức, việc cấp bán 45 suất đất là đúng quy trình. Tuy nhiên, trước những chứng cứ PV Tiền Phong đưa ra để chứng minh việc cấp đất không đúng quy trình, ông Đức lại biện minh rằng, vẫn đúng quy trình nhưng không... đầy đủ.

Theo ông Đức, vì muốn có lợi nhuận cho địa phương, lãnh đạo xã Xuân Viên đã “đi ngược” quy trình.

Theo quy định, sau khi xét duyệt, tên những hộ dân được cấp đất sẽ được dán công khai tại UBND xã hoặc thôn 15 ngày để lấy ý kiến dân, sau đó mới tiến hành các thủ tục khác theo quy định. Tuy nhiên, xã Xuân Viên lại làm ngược quy trình theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”.

“Chúng tôi làm các thủ tục trước sau đó mới công bố trước người dân” - ông Đức nói. Về việc có đến 30 cán bộ mua lại hồ sơ của người nghèo, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho biết việc này phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Trả lời PV Tiền Phong tại sao các hộ dân khẳng định không hề ký vào bất cứ giấy tờ, thủ tục liên quan đến việc cấp đất nhưng hồ sơ vẫn được chấp nhận. Ông Đức lý giải vì... thương dân. “Ở địa phương, việc người nhà ủy quyền cho nhau đi làm thay là điều bình thường”- ông Đức nói.

Riêng việc UBND xã Xuân Viên lấy đất nông nghiệp của một số hộ dân nghèo thôn 8 để cấp bán khi chưa có quyết định thu hồi, bồi thường, Chủ tịch xã Cao Viết Đức thừa nhận do sơ suất của cán bộ khi đi đo đạc.

Chủ tịch tố Bí thư xã

“Sau khi đọc 2 bài báo đăng tải trên Tiền Phong, tôi giật mình vì có liên quan đến sự việc. Mong anh đừng đưa tên lên báo, chúng tôi thấy nhục nhã lắm”, một cán bộ tên T. nói.

Ba cán bộ tên T., C., và T. thừa nhận đã nhờ Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên Phan Mạnh Quyền kết nối với những hộ dân nghèo để nhờ họ đứng tên mua đất.

“Mọi việc thỏa thuận giữa chúng tôi với người dân trên tinh thần tự nguyện cả” – ông T. giải thích. Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong đề nghị ông T. làm rõ khoản tiền 2 bên thươ ng lượng, vị cán bộ này lại từ chối cung cấp. “Những suất đất đó chúng tôi mua lại cho con, em thôi. Không có chuyện mua đất trục lợi đâu” – vị cán bộ T. noi.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Cao Viết Đức, việc 3 cán bộ T., C., và T. nhờ Bí thư Đảng ủy Phan Mạnh Quyền mua lại hồ sơ của người nghèo là quan hệ cá nhân của ông Quyền.

“Anh Quyền có con muốn xin về công tác tại cơ quan của mấy vị trên nên tự đứng ra giúp đỡ cán bộ đó. Việc này cá nhân tôi hoàn toàn không biết. Mọi việc chờ kết luận của cơ quan điều tra” - ông Đức nói.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao những cán bộ cấp huyện, tỉnh lại có thể dễ dàng có được sự ưu ái của lãnh đạo xã Xuân Viên trong việc cấp bán đất tại xã? Việc này đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.