'Đại gia' khai thác gỗ chối bỏ sai phạm

'Đại gia' khai thác gỗ chối bỏ sai phạm
TP - Theo công an, việc khai thác, chế biến gỗ của Cty Lâm nghiệp Trầm Hương và Cty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu 2 đơn vị trên khắc phục, song mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Một loạt sai phạm

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an cho rằng, hoạt động khai thác và chế biến gỗ của Cty Lâm nghiệp Trầm Hương và Cty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa nhiều năm qua đã ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Các hoạt động này đã tác động xấu đến hệ động thực vật, làm cạn kiệt tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, xói mòn, suy thoái nguồn nước ngầm và phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường…

Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Cty Lâm nghiệp Trầm Hương và Cty Lâm sản Khánh Hòa được giao khai thác 14.000m3 gỗ rừng tự nhiên (mỗi Cty 7.000m3 gỗ) cùng hàng ngàn mét khối gỗ rừng trồng.

Tuy khai thác lượng gỗ lớn, nhưng cả hai Cty đều không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) cho dự án khai thác gỗ rừng tự nhiên, không có cam kết bảo vệ môi trường cho dự án khai thác gỗ rừng trồng và trồng rừng, không đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chuyển giao chất thải nguy hại cho cá nhân không đủ điều kiện quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy.

Ngoài ra, 2 đơn vị thành viên của Cty Lâm nghiệp Trầm Hương là Cty CP Chế biến Lâm sản Trầm Hương và XN Chế biến lâm sản cũng có sai phạm về cam kết bảo vệ môi trường, chuyển giao chất thải nguy hại sai quy định… Theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP, mỗi hành vi sai phạm trên bị phạt từ 15 triệu đồng đến 300 triệu đồng.

Công văn mâu thuẫn của Cty Trầm Hương

Ngày 14-6, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo 2 Cty trên có kế hoạch khắc phục các hành vi vi phạm như đã nêu.

Đến ngày 25-6, ông Bùi Phước Kiệt (Giám đốc Cty Lâm nghiệp Trầm Hương) đã ký văn bản gửi UBND tỉnh, cho rằng trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi lập các dự án, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng rừng, không đề cập đến nội dung phải lập báo cáo ĐGTĐMT.

Tuy nhiên, ông Kiệt đã mâu thuẫn, khi chính tại công văn này, ông Kiệt lại nêu các đối tượng phải lập báo cáo ĐGTĐMT theo Nghị định 29/2011/NĐ-CP và Thông tư 26/2011/TT-BTNMT.

Một điểm khác, theo ông Kiệt, Cty Lâm nghiệp Trầm Hương không phải lập báo cáo ĐGTĐMT, vì hằng năm đơn vị không có dự án trồng trên 1.000 ha rừng, không khai thác gỗ theo dự án thuộc phương án khai thác nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Tuy nhiên, theo Điều 10, Thông tư 26/2011/TT-BTNMT, việc khai thác gỗ của Cty Lâm Nghiệp Trầm Hương, cũng như của Cty Lâm sản Khánh Hòa với quy mô 7.000 m3/năm thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐGTĐMT.

Ngoài ra, chính công văn của Cty Trầm Hương đã dẫn Luật Bảo vệ phát triển rừng và nhiều nghị định, thông tư, trong đó có các điều khoản về bảo vệ môi trường trong khai thác gỗ và trồng rừng.

Nhưng, ông Kiệt lại cho rằng, “chưa có văn bản hướng dẫn nào của các Bộ, ngành liên quan về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong khai thác gỗ và trồng rừng”.

Do vậy, đến nay Cty Trầm Hương chưa lập báo cáo ĐGTĐMT, chưa có kế hoạch khắc phục vi phạm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.