Cần sớm thay thế biện pháp tạm giam

Cần sớm thay thế biện pháp tạm giam
TP - Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam vẫn còn một số bất cập trong các quy định về quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tuỳ tiện, trái pháp luật; quyền được xét xử công bằng; cần sớm áp dụng các biện pháp thay thế tạm giam…
Theo một kết quả nghiên cứu, chỉ 20% bị cáo ở Việt Nam có luật sư chỉ định
Theo một kết quả nghiên cứu, chỉ 20% bị cáo ở Việt Nam có luật sư chỉ định.

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp), tại Diễn đàn đối thoại chính sách “Hoàn thiện pháp luật về quyền con người”, diễn ra tại Hà Nội hôm qua.

Chỉ 20% bị cáo có luật sư

Để đảm bảo không bị bắt, giam giữ trái phép và tùy tiện, ông Nguyễn Văn Hoàn cho rằng cần phải quy định rõ hơn trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn, có hướng dẫn cụ thể về phạm vi áp dụng biện pháp tạm giam, chỉ áp dụng tạm giam trong những trường hợp thật sự cần thiết. Các biện pháp ngăn chặn khác như đặt tiền, tài sản bảo lãnh... để thay thế biện pháp tạm giam cần nhanh chóng áp dụng.

Ông Hoàn cũng cho rằng, những quy định liên quan chế định bào chữa đang có một số bất cập. Ông Hoàn nêu ví dụ, người bào chữa có được gặp gỡ đương sự nữa không nếu vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm?

“Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự cần được sửa theo hướng người bào chữa được thông báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để bảo đảm sự có mặt; đồng thời cần xác định rõ thủ tục giám đốc thẩm có phải là một giai đoạn tố tụng hình sự hay không để người bào chữa tham gia vào giai đoạn này”- ông Hoàn đề xuất.

Đánh giá qua một nghiên cứu về quyền bào chữa trong vụ án hình sự, ông Nicholas Booth (UNDP Việt Nam) nhận xét, việc thực hiện quyền này không nhất quán với quy định của pháp luật. Ông Nicholas Booth cho biết, chỉ có 20% bị cáo ở Việt Nam có luật sư được chỉ định. Sở dĩ tỷ lệ thấp do nhiều bị cáo không có khả năng thuê luật sư và thiếu luật sư ở ngoài các thành phố lớn.

“Đáng chú ý là có tình trạng lạm dụng quyền bào chữa như mời người tình nghi “làm việc với công an” mà không phải là bắt giữ. Có trường hợp thuyết phục người tình nghi từ chối luật sư, thay mặt bị can thông báo cho người nhà là bị can từ chối luật sư…” – ông Nicholas nói.

Để tăng cường quyền bào chữa, ông Nicholas đề nghị việc từ chối luật sư phải được thực hiện với sự có mặt của gia đình và luật sư, bỏ quy định về giấy chứng nhận bào chữa…

Phân biệt quyền con người và quyền công dân

Hiến pháp năm 1992 đã dành 34 điều (từ Điều 49 đến Điều 82) quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên các lĩnh vực, ghi nhận khá đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người và công dân.

Tuy nhiên, theo ông Bạch Quốc An, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sắp tới sẽ theo hướng làm rõ, phân biệt quyền con người và quyền công dân, đồng thời xử lý hài hoà mối tương quan giữa 2 quyền này. Sẽ bổ sung một số quyền quan trọng như quyền sống, quyền không bị tra tấn, nhục hình; quyền không bị xét xử 2 lần về cùng một tội phạm; quyền được hưởng an sinh xã hội...

Ông An cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về các trường hợp quyền công dân bị hạn chế hoặc tạm đình chỉ theo hướng các quyền và tự do của con người. Quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi luật do Quốc hội ban hành và trong luật phải chỉ rõ phạm vi, thời hạn, điều kiện và thủ tục chặt chẽ.

“Thực tế cho thấy, vấn đề thực thi rất quan trọng trong việc thực hiện quyền con người. Hiệu quả của quy định pháp luật sẽ bị giới hạn nếu không có cơ chế thực thi phù hợp”- bà Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam, nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG