Chị Nguyễn Thị Tâm tại bệnh viện.. |
Theo phản ánh của một số người về trường hợp của chị Nguyễn Thị Tâm (1975, trú An Ngãi Đông, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) bị chồng cũ là anh Nguyễn Anh (1968) và gia đình chồng đánh đập phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, chúng tôi đã tìm đến phòng bệnh nơi chị đang điều trị để tìm hiểu sự việc.
Trong dòng nước mắt, chị Tâm kể: Vào ngày 12-9, khi chị đang bán trái cây ngoài chợ An Ngãi Đông thì chồng chị tìm ra chợ và gây hấn. Trước thời điểm này hơn 1 tháng, chị Tâm đã chủ động làm đơn ly hôn mà nguyên nhân chủ yếu khiến chị không thể tiếp tục chung sống với Nguyễn Anh là do: “Con người này nóng tính lắm, mỗi lần có việc gì trong gia đình là nhất nhất theo ý của mình, nhiều lúc nói điều gì sai cho bản thân tôi mà tôi nói lại là bị đánh, chửi. Nhiều lần nhịn nhục rồi nhưng bây giờ không nhịn được nữa nên làm đơn ly hôn và đã được tòa án giải quyết”.
Hôm ấy, gia đình anh Nguyễn Anh có công việc (đám hỏi) cho một người thân, chị Tâm vì nặng tình nghĩa và nghĩ vì con cái sau này cưới hỏi không ai đến nên chị cũng đến chung vui. Không ngờ, khi đi về chợ bán hàng tai họa ập đến khi anh, chị, em chồng tới đây chửi mắng và nói “không có tư cách bước vào dòng họ Nguyễn”.
Cô em chồng lên giọng nạt nộ, nên trong cơn bực tức vì bị mọi người xỉ vả, chị đã đánh em chồng một cái và nói: “Mi không có quyền gì mà chửi ta, nếu ta ở trong nhà thì là chị mi còn bây giờ ta đã ly hôn mi không có quyền chửi ta”.
Phản kháng của chị đã bị mấy anh, chị em chồng cầm hung khí đánh tới tấp vào người khiến chị gãy tay, chảy máu đầu và sưng toàn bộ vùng mặt. Sau khi đánh chị xong, bà Nguyễn Thị Liên (chị chồng) và Nguyễn Tranh, Nguyễn Tám (em chồng) vẫn chưa hả dạ nên đổ hết gian hàng trái cây của chị ra đường, khiến người dân buôn bán quanh khu vực rất phẫn nộ. Bị đánh, máu chảy ướt sũng chiếc áo khoác đang mặc, chị biết nguy hiểm đến tính mạng nên chạy thoát thân lên trạm xá Hòa Sơn nhờ các y, bác sĩ băng bó.
Trên đường chạy đến trạm xá, người em dâu và em út của chồng đã chạy xe theo và giúp đỡ chị đến trạm xá khâu vết thương. Do vết thương quá nặng, trạm xá chỉ sơ cứu ban đầu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu, nhưng rồi bệnh viện này chỉ tiếp nhận xong là chuyển lên Bệnh viện Đà Nẵng.
Tất cả những dụng cụ, hung khí mà gia đình Nguyễn Anh dùng đánh chị được người dân và các tiểu thương buôn bán quanh khu vực cất giữ để làm tang chứng khi cơ quan điều tra cần đến.
Người nhà chăm sóc chị Tâm tại bệnh viện cho biết: “Thấy em tôi nhiều lúc bị đánh đập nên gia đình chúng tôi rất xót xa, vì sự chịu đựng có giới hạn nên bên gia đình tôi khuyên nó ly hôn, không thể chung sống với một người như vậy suốt đời”.
Chị Tâm cũng cho biết: “Khi ly dị, tòa án chia tôi nuôi một đứa con nhỏ nhất còn hai đứa lớn chia cho chồng tôi nuôi, tôi không đòi hỏi bất cứ tài sản nào và tòa cũng chấp thuận. Nhưng vì con cái không thể chia tách nhau, chồng tôi lại nói cứ để 3 đứa bên nhà (nơi vợ chồng tôi sống bây giờ là nhà chồng) nên hằng ngày tôi phải có trách nhiệm cho cháu ăn và đưa đón đi học. Thế nhưng chị chồng tôi là bà Nguyễn Thị Liên cấm tôi: “Từ nay, mi không được bước vào mảnh đất của dòng họ này nữa", mặc dù tôi chỉ tới gặp con mình".
Không chỉ bị gia đình chồng dọa nạt, người chồng sống chung suốt bao nhiêu năm qua cũng ra tay hành hạ chị. Chị Tâm kể: “Chồng tôi đã đánh tôi nhiều lần gây thương tích nhưng chưa lần nào tôi mời chính quyền tới giải quyết. Nhưng lần này cả tôi và gia đình đều không chịu được nữa…”.
Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật cần được các cơ quan chức năng can thiệp và xử lý để phụ nữ được bảo vệ và có quyền bình đẳng trong cuộc sống, tránh bị tổn thương về thể xác và tinh thần.
Theo Công an Đà Nẵng