Bi kịch 'càng sửa, càng sai'

Bi kịch 'càng sửa, càng sai'
TP - Được mở đầu bằng câu "Nhân danh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam", song nhiều bản án mắc rất nhiều lỗi về chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Làm thế nào để hạn chế những lỗi này, đang là trăn trở của nhiều chuyên gia pháp luật.

"Đính chính" bản án hình sự?

Ngày 30-5-2011, TAND quận X mở tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Khánh Hùng về hành vi "mua bán trái phép chất ma túy". Bản án được tuyên cùng ngày đã mắc lỗi nghiêm trọng: xác định sai ngày bắt đầu thi hành án của bị cáo Hùng. Thay vì ngày 18-10-2010 (ngày bị cáo bị bắt tạm giam), phần Quyết định của bản án tuyên phạt bị cáo Hùng tám năm sáu tháng tù, "thời hạn tính từ ngày 18-2-2011".

Vì lỗi trên, bản án đã bị Viện kiểm sát kháng nghị. Sau khi có việc kháng nghị, Phó chánh án TAND quận X đã ký "Thông báo đính chính" để sửa sai.

Toàn văn "Thông báo đính chính" rất ngắn gọn: Xét thấy Bản án hình sự sơ thẩm số (...) cần đính chính lại một số chỗ như sau. Tại dòng thứ tám của phần Quyết định có ghi "Thời hạn tù tính từ ngày 18-02-2011". Nay đính chính lại "Thời hạn tù tính từ ngày 18-10-2010". Vậy TAND quận X xin thông báo để các quý cơ quan hữu quan được biết.

Không theo quy định pháp luật

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, không có quy định về việc "đính chính" bản án. Quy định về việc sửa chữa bản án sau khi tuyên chỉ có trong pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.

Đó là các Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, và Điều 167 Bộ luật Tố tụng hành chính 2010 (có hiệu lực từ 1-7 tới đây). Theo các điều luật này, không được sửa chữa bản án sau khi đã tuyên án, "trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai".

Các điều luật này cũng quy định thẩm quyền sửa chữa "do thẩm phán phối hợp với các hội thẩm nhân dân là thành viên HĐXX vụ án đó thực hiện", và "phải thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa".

Giả sử TAND quận X tham khảo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự và Tố tụng hành chính để ra "Thông báo đính chính" nêu trên, văn bản đính chính này vẫn sai quy định pháp luật (về thẩm quyền ra Thông báo, cũng như nơi nhận Thông báo).

Có được "đính chính" nhiều lần?

Những ai nghiên cứu hồ sơ vụ án Nguyễn Khánh Hùng sẽ nhận thấy, ngoài lỗi nghiêm trọng nêu trên, bản án sơ thẩm của TAND quận X còn mắc hàng loạt lỗi nghiêm trọng khác, ngay trong phần Quyết định là phần quan trọng nhất.

Về vật chứng, bản án này tuyên "Tịch thu tiêu hủy 01 gói niêm phong (bên trong có ma túy tổng hợp nhóm ATS 23,977 gam, Ketamin 16,413 gam)". Hồ sơ vụ án cho thấy CQĐT niêm phong tổng cộng 40,462 gam ma túy tổng hợp; tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị "tịch thu tiêu hủy 40,462 gam ma túy tổng hợp". Thế nhưng, trọng lượng ma túy tổng hợp bản án tuyên hủy (23,977 gam + 16,413 gam) chỉ có 40,390 gam.

Chưa hết, bản án tuyên "Tịch thu tiêu hủy 01 gói niêm phong bên trong đựng 01 dụng cụ tự tạo sử dụng ma túy". Hồ sơ vụ án cho thấy CQĐT niêm phong 02 bộ dụng cụ sử dụng ma túy tự tạo; tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị "tịch thu tiêu hủy 02 bộ dụng cụ sử dụng ma túy tự tạo". HĐXX để đi đâu mất 01 bộ dụng cụ sử dụng ma túy, mà không tuyên hủy?!

Bàn riêng về lỗi chính tả

Trong bản án của TAND quận X, có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa, phạm vi bài viết này không thể trích dẫn đầy đủ, chỉ xin nêu một số ví dụ.

Trong bản án, rất nhiều chữ phải viết hoa không viết hoa, trong khi chữ không được viết hoa lại viết hoa (chẳng hạn "tòa án nhân dân Quận X", chữ "tòa" không viết hoa, chữ "Quận" lại viết hoa). Nhiều chỗ viết tắt tùy tiện (chẳng hạn "DCB:0389 ngày 21-10-2010", đáng lý phải viết "Danh chỉ bản số 0389 ngày 21-10-2010"). Nhiều danh từ nước ngoài viết sai (chẳng hạn "khách sạn Blueđiamon", đáng lý phải viết "khách sạn Blue Diamond").

Đáng nói hơn, trong bản án có nhiều chỗ sai về ngữ nghĩa. Chẳng hạn, phần Xét thấy, bản án viết "cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục và giúp bị cáo cai nghiện". Không có quy định pháp luật nào cho phép áp dụng hình phạt tù để giúp bị cáo cai nghiện; viết như vậy, vừa không có căn cứ pháp luật, vừa không thể hiện tính nhân đạo đối với người nghiện.

Một số kiến nghị

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, cần có thêm quy định về việc sửa chữa bản án sau khi tuyên, với những quy định rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện (sai phạm không nghiêm trọng), về thời hạn, về thẩm quyền, về nơi nhận văn bản...

Các chuyên gia cũng cho rằng, TAND Tối cao cần có bộ quy tắc rõ ràng về viết hoa, viết tắt, viết danh từ nước ngoài, viết các đơn vị đo lường... để thống nhất áp dụng, nhằm hạn chế lỗi chính tả khi ra các bản án.

Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất là các thẩm phán phải có trình độ Việt ngữ, rộng ra là có một nền tảng văn hóa đạt đến mức nào đó. Nếu không có được điều này, việc phải đính chính bản án nhiều lần là không tránh khỏi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.