Tóm tắt vụ án “Hai nghìn ngày oan trái”

Bi thương lại đến với nhân vật “Hai nghìn ngày oan trái”

Bi thương lại đến với nhân vật “Hai nghìn ngày oan trái”
TP - Sau sáu năm yêu nhau, dự định ngày 20/12 Âm lịch, cô giáo Nguyễn Thị Ánh và anh L. sẽ tổ chức đám cưới, vậy mà Ánh lại đột ngột quyên sinh, khiến thầy cô, bè bạn và người thân rất đỗi bàng hoàng.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh (SN 1982) chính là con gái đầu của anh Nguyễn Sỹ Lý (nhân vật bị tù oan 5 năm trong phóng sự dài kỳ gây sự chú ý đặc biệt của dư luận đăng trên báo Tiền Phong cách đây 20 năm, ở xóm Bình Hiếu, xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn, Nghệ An) và vợ là chị Nguyễn Thị Len.

Sau Ánh, vợ chồng anh Lý còn có hai người con là Nguyễn Thị An (SN 1989), Nguyễn Sỹ Vượng (SN 1991).

Chắc bạn đọc báo Tiền Phong thế hệ cách đây hơn 20 năm còn neo lại trong lòng ít nhiều nỗi khổ của anh Nguyễn Sỹ Lý với gần 2.000 ngày oan trái mà người bạn tù Cao Tiến Mùi đã cất công đi làm sáng tỏ. Những ân oán đã được thời gian hóa giải.

Do cần cù làm lụng, kinh tế của vợ chồng anh Lý ngày càng khá lên, ba người con của anh chị ăn học đến nơi đến chốn. Năm 2000, Nguyễn Thị Ánh vào trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Năm 2004, Ánh tốt nghiệp, được nhà trường giữ lại giảng dạy tại trung tâm ngoại ngữ và hiện đang học tiếp cao học.

Thương bố mẹ vất vả, Ánh đưa em gái Nguyễn Thị An vào TP Hồ Chí Minh nuôi ăn học, và nay An đang học năm thứ hai ĐH Giao thông. Nguyễn Sỹ Vượng hiện ở với vợ chồng anh Lý, đang học lớp 12 và chuẩn bị đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Những hiếu thảo, chăm ngoan của các con cùng với tình yêu thương của người vợ đã bù đắp rất nhiều cho anh Lý - một người từng làm công tác giảng dạy tại ĐH Tây Nguyên và sau khi được minh oan thì chân bị bại liệt phải ở nhà làm “trợ lý” cho vợ.

Nhưng một lần nữa đau thương lại đổ xuống cuộc đời anh Nguyễn Sỹ Lý. Chiều muộn ngày 7/12, vợ chồng anh Lý nhận được tin sét đánh: Cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Ánh đã treo cổ tự vẫn tại phòng trọ ở phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Bất ngờ vì chỉ trước đó hơn 30 phút, Ánh còn gọi điện về nói cười với mẹ, bàn chuyện chuẩn bị để bố mẹ bay vào TP Hồ Chí Minh tổ chức đám cưới cho Ánh vào ngày 20/12 Âm lịch.

Người chồng tương lai của Ánh là anh L. (SN 1978, quê Thanh Hóa), một giáo viên THPT tại TP Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Sỹ Lý cho biết, L. kể hôm đó L. và Ánh đi chụp ảnh cưới, do ảnh bị bạn bè chê xấu nên Ánh định chụp lại song anh L. không đồng ý.

Hai người cãi nhau, rồi L. đi ngủ (L. và Ánh ở cùng phòng trọ). Đến chiều, anh L. ngủ dậy đã thấy Ánh treo cổ ở cửa sổ bằng dây điện của máy vi tính. Anh L. hô hoán rồi đưa Ánh đi bệnh viện nhưng Ánh đã vĩnh viễn ra đi không để lại một lời trăng trối.

Cơ quan CA vào cuộc, niêm phong nhà trọ và khám nghiệm tử thi pháp y, song đến nay gia đình anh Nguyễn Sỹ Lý vẫn chưa được thông báo kết quả.

Hiện gia đình anh Nguyễn Sỹ Lý rất bức xúc và đặt nhiều nghi vấn về cái chết của con gái mình. Liên tiếp nhiều cuộc điện thoại từ bạn bè, thầy cô của Ánh ở TP Hồ Chí Minh điện về chia sẻ cùng gia đình anh và bày tỏ băn khoăn về cái chết của cô giáo Nguyễn Thị Ánh.

Anh Nguyễn Sĩ Lý mái tóc như bạc nhiều thêm, mắt đỏ hoe vì nhiều ngày khóc thương con, nói trong nghẹn tắc: “Tôi linh cảm cái chết của con tôi không bình thường, nhưng hóa giải vấn đề lại không đơn giản”.

Rồi anh đến bàn thờ thắp hương “Thôi con có linh thiêng thì mách bảo với bố mẹ, mách bảo với các nhà chức trách hoặc bạn bè, thầy cô để làm sáng tỏ cái chết của con, như bố ngày xưa bị oan trái cuối cùng cũng được người bạn tù Cao Tiến Mùi tìm ra lẽ phải”.

Tóm tắt vụ án “Hai nghìn ngày oan trái”

Tết Nguyên đán 1983, Nguyễn Sỹ Lý về quê ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp Nghệ An thăm vợ con và bố mẹ. Sau khi mượn con dao găm chọc tiết lợn và nồi để nấu bánh chưng xong, đêm 30 ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố Lý) mang nồi đi trả.

Tay cầm đèn pin, ông Huỳnh lỡ chiếu vào mặt anh em Bùi Văn Lai và Bùi Văn Vinh (quê xã Nghĩa Xuân). Bị Lai chửi và đá văng đèn, ông Huỳnh kêu các con ra, nhưng anh em Lai bỏ chạy.

Do đêm tối Vinh chạy trước nấp vào bụi, Lai chạy sau. bất ngờ Vinh từ trong bụi lao ra, Lai tưởng là con ông Huỳnh phục đã đâm một dao hiểm. Khi biết mình đâm nhầm em, Lai bắt xe ô tô chở em lên Bệnh viện Quỳ Hợp cấp cứu nhưng Vinh đã tắt thở sau đó.

Để chạy tội của mình, Lai báo với công an con ông Huỳnh đâm em mình. Lần lượt các con ông Huỳnh bị bắt, trong đó có Nguyễn Sỹ Lý. Qua một thời gian dài không lấy được lời khai như nhận định, nhưng do tù tội quá khổ sở Lý đã nhận tất cả để bố già và các em  ra tù. Và tòa án đã tuyên Lý 17 năm tù.

Trong tù, Lý quen Cao Tiến Mùi (quê Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ) bị tù vì trộm một bao phân đạm. Lý mang chuyện oan trái kể cho Mùi nghe. Ra tù trước, Mùi đi điều tra vụ án.

Bùi Văn Lai đã viết giấy (được chủ tịch xã lúc đó đóng dấu) công nhận mình đâm nhầm em. Giấy này được phô tô gửi ra TANDTC, sau đó, Chánh án TANDTC đã ra quyết định “Tha ngay Nguyễn Sĩ Lý”. 

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.