Thủ tướng: Tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh của Bộ Công Thương

Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: Như Ý.
Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: Như Ý.
TP - Là ngành xương sống của nền kinh tế, công tác hội nhập quốc tế được thực hiện rất tốt nhưng việc thực thi hội nhập, xây dựng các chiến lược phát triển, đang có nhiều bất cập. Bộ Công Thương đang quản lý hệ thống các đơn vị với hàng vạn công viên chức nhưng hoạt động kém hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu  “phải tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh  của Bộ Công Thương”.

Đây là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, định hướng và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương ngày 12/7.

Hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây bức xúc xã hội

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng nông sản và công nghiệp chế biến như cà phê, rau quả, hạt tiêu, dệt may, da giày, máy móc linh kiện, điện tử… có mức tăng khá với mức tăng trưởng 6% và 8,2%. 

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước đã có sự phục hồi sản xuất khi đạt mức tăng trưởng 3,3%. Đây là mức khá khích lệ nếu so với mức âm của 6 tháng trước đó. “Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm là nhiệm vụ hết sức nặng nề. 

Bộ Công Thương đã đề ra một loạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết và đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện một số cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành phát triển.

“Phải tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh của Bộ Công Thương. Không để tình trạng cán bộ đi ra đi vào nhiều quá mà không thấy hiệu quả đâu. Chúng ta tổ chức lại bộ máy để phục vụ phát triển. Nói mãi chả chịu làm. Phải tổ chức người nào việc nấy có hiệu quả, công việc của mỗi công chức trong một ngày một giờ”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đề cập đến hoạt động của ngành công thương thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sản xuất là quyết định tăng trưởng nên cần tập trung vào thúc đẩy sản xuất trong thời gian tới đồng thời cần lưu ý việc các chuỗi, tập đoàn bán lẻ gần đây bị nước ngoài thâu tóm. 


Bên cạnh đó, ngành công thương cần xây dựng các liên kết vùng theo ngành. Ví dụ ở Đồng bằng sông Cửu Long cần làm gì để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh thiên tai, xâm nhập mặn hiện nay. 

“Hội nhập quốc tế của Việt Nam sâu rộng, nhưng chuẩn bị chưa tốt. Kết quả khảo sát trong 10 nước ASEAN, nhiều DN được tham vấn trả lời không có sự chuẩn bị gì. Công tác hội nhập vừa qua chưa đem lại cơ hội. Hệ thống thương vụ ở nước ngoài hoạt động không đều, cần nâng cao hiệu quả. Xúc tiến thương mại có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả cũng còn nhiều vấn đề. 

Một số sản phẩm chỉ thu về tiền công, giá trị gia tăng đích thực để làm giàu cho đất nước lại không có. Chúng ta không quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ nên khi DN FDI họ vào DN trong nước không lọt được vào chuỗi cung ứng của họ”, người đứng đầu Chính phủ nói và khẳng định cần tạo cơ chế cho khối DN  tư nhân, làm sao để khối này phải là động lực phát triển, trừ một số ngành quan trọng như điện lực, lương thực.

Thủ tướng cũng cho rằng, quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây lộn xộn, bức xúc xã hội. Hoạt động quản lý thị trường cũng đang có vấn đề (QLTT). Tiêu biểu việc quản lý bán hàng đa cấp thiếu chặt chẽ, lộn xộn gây bức xúc cho xã hội. Có cả hệ thống QLTT nhưng vẫn xảy ra nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, thực phẩm bẩn…

“Nói mãi chả chịu  làm”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu bộ may hành chính.  Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công Thương có khoảng 30 cục, vụ; 10 đơn vị trên cục; 11 tập đoàn, tổng công ty; 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng với hàng vạn cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, bộ máy còn cồng kềnh,tính tương tác, hiệu quả công việc thấp.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cải cách hành chính, tạo nên sức sống mới để xuất nhập khẩu phát triển. Hiện ngành công thương quản lý nhiều doanh nghiệp (DN) lớn nhưng cổ phần hóa chậm, tỷ trọng vốn nhà nước ở nhiều công ty chiếm hơn 90%. Việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty như Bia Hà Nội, bia Sài Gòn… phải công khai minh bạch.

“Các đồng chí đề xuất cải cách thể chế, cơ chế chính sách, tổ chức thực thi, hệ thống thông tin đánh giá, báo cáo chính phủ . Cái gì tháo gỡ được, làm tốt hơn được thì nên đề xuất. Chúng ta hạn chế, chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp, hỗ trợ phát triển DN. Không thể như xảy ra những vụ việc như của Công ty CP Thép Thái Nguyên, Thủ tướng quyết định không thể tiếp tục bỏ thêm mấy nghìn tỷ nữa để ném tiền vào lò lửa”, Thủ tướng khẳng định.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Bia - Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hiện đang xây dựng phương án thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc Nhà nước sẽ nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ. “Hiện bộ đang thẩm định việc bán tiếp phần vốn nhà nước tại hai tổng công ty trên”, ông Tuấn Anh nói.


MỚI - NÓNG