Thống đốc và những chuyến đi

Thống đốc NHNN thay mặt ngành Ngân hàng trao tặng 15 tấn gạo và quà cho bà con nhân dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tháng 9/2013
Thống đốc NHNN thay mặt ngành Ngân hàng trao tặng 15 tấn gạo và quà cho bà con nhân dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tháng 9/2013
TP - Hơn 900 ngày kể từ khi nhậm chức (8/2011), tính trong số các tư lệnh ngành, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang giữ vị trí “quán quân” với dày đặc các chuyến đi và đặt chân tới hơn 50 tỉnh thành.

Có lãnh đạo địa phương mới đây làm việc còn phải thốt lên: Từ trước đến giờ, chúng tôi chưa thấy “đời” Thống đốc nào đi nhiều như thế.

Đi và quyết

Ngồi ghế nóng ngân hàng, những tưởng phải chôn chân với những biến động hằng ngày của vàng, tỷ giá, lãi suất và vô số vấn đề phức tạp của ngành, nhưng trái lại, vị Thống đốc đương nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - ông Nguyễn Văn Bình đã phá cách, chọn lối điều hành riêng: vừa song song chủ động đến làm việc tại các địa phương vừa giữ chắc trận địa ở nhà.

Lúc cả đồng bằng sông Cửu Long, người nuôi tôm cá tra đang gần như ngã khụyu, hàng làm ra không bán được, doanh nghiệp (DN) thủy sản lao đao, tháng 8/2013, Thống đốc Bình cùng các “sỹ quan” vụ, cục nóng về tín dụng và lãnh đạo các NHTM lớn kéo quân vào Tây Nam bộ. Kiểm tra cho thấy bản thân người nông dân đã hết sạch sành sanh toàn bộ cơ nghiệp vốn liếng bao năm làm ăn.

Đi vào Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, lắng nghe lấy ý kiến tư vấn, Thống đốc Bình quyết: lập tức giảm lãi, miễn lãi cho các hộ khó khăn, rồi đề xuất trình Chính phủ khoanh nợ cho nông dân trên diện rộng; với những hộ nuôi và hợp tác xã “chấp chới” phá sản, Thống đốc kêu lãnh đạo các ngân hàng lắng nghe rồi về tìm cách gỡ, khoanh nợ, cho vay mới, cứu cho bằng được (Hiện các đề xuất này đã được Chính phủ chấp thuận).

Quãng tháng 4/2013 đến với các tỉnh Tây Nguyên với câu chuyện xóa nghèo, từ kiến nghị của Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai liên quan đến cây cà phê với băn khoăn về việc muốn tái canh, trồng mới nhưng cần lượng vốn lớn, thời gian cho vay dài và lãi suất thấp, nghe “thủng” chuyện, phân tích kỹ càng, Thống đốc quay sang vị Chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp “phán” luôn: ngân hàng lo xây dựng cơ chế và chuẩn bị NHNN sẽ về xin với Thủ tướng xin nguồn để tái cấp vốn lãi suất thấp. Không hứa suông, lập tức về, Thống đốc chỉ đạo làm liền. Tại cuộc làm việc vừa rồi khi vào với Tây Nguyên, ông tuyên bố: 12.000 tỷ vốn cho tái canh cà phê đã sẵn sàng.

Thống đốc và những chuyến đi ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Như ý

Những ngày cuối tháng 9, cơn bão số 10 tàn phá miền Trung, thiệt hại nhất là Quảng Bình khi hàng ngàn héc ta rừng cao su mất trắng, những vuông tôm, đầm cá tan hoang trôi ra biển. Lên đường vào làm việc với tỉnh hai tuần sau bão, nghe tình hình, trước tình cảnh toàn bộ vốn vay của DN nuôi trông thủy sản lớn của tỉnh bị bão lũ cuốn trôi, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng phải “rà” từng món vay. “Giãn nợ, hoãn lãi cái gì làm được là làm ngay. DN thực sự tốt và mất vốn do bão lũ, phải tạo điều kiện cho vay mới “rót vốn” hồi sinh trở lại”- Thống đốc nói.

Tương tự, đi lên Tây Bắc, biết đất nghèo không thể hỗ trợ suông bằng lời hứa, Thống đốc kêu các ngân hàng lớn cùng vào cuộc. Thay vì cho những báo cáo tại hội nghị khô cứng, các cuộc ký kết tay đôi giữa ngân hàng với DN diễn ra liền. Cả ngàn tỷ rót vốn vào trồng rừng, khai khoáng và nhất là hai thủy điện tiềm năng Sơn La, Lai Châu nhằm phát huy thế mạnh của vùng và nâng cao đời sống bà con.

Bài học rút ra

Lần giở lại lịch đi suốt 2 năm qua của Thống đốc Bình, thấy điểm đến là các tỉnh khó khăn (nổi bật là 3 Tây: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), một số tỉnh miền Trung nơi bão lũ đi qua và các thành phố lớn nóng về tín dụng như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Cũng bắt nguồn từ những chuyến đi này, không ít cơ chế, chính sách tín dụng ra đời và được dư luận đồng tình ủng hộ, quan trọng tất cả đều từ thực tiễn cơ bản “chuẩn” không cần… chỉnh.

Nói về cảm nhận các chuyến đi, Vụ trưởng Vụ tín dụng Nguyễn Viết Mạnh kể: “Lần nào trước khi đi công tác, Thống đốc cũng chỉ đạo Vụ tín dụng phải nắm tất cả vướng mắc. Tuy nhiên khi đến thực tế có nhiều diễn biến khác, nhưng thường là Thống đốc nắm bắt và xử lý rất nhanh. Ví như từ những chuyến đi về với ĐBSCL hay Tây Nguyên, Thống đốc có ý tưởng từ đó đề xuất trình Chính phủ quyết định xây dựng mô hình kinh tế mới như cánh đồng mẫu lớn, chuỗi liên kết ngân hàng - doanh nghiệp - hộ sản xuất.

Vụ trưởng chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng thì nhận xét: “Mặc dù đi công tác khắp các tỉnh, thành phố nhưng Thống đốc không hề bỏ trận địa ở nhà, liên tục cập nhật những diễn biến về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản hệ thống để rồi luôn đưa ra những chỉ đạo sát sao”. Hỏi chị rút ra điều gì từ những chuyến đi cùng? Nữ Vụ trưởng này tư lự: “Chúng tôi học được rất nhiều từ thực tiễn địa phương và rút ra nhiều ý kiến nếu được giải đáp ngay tại địa phương thì đã không có nhiều câu hỏi trên nghị trường Quốc hội về ngành ngân hàng đến vậy”.

“Câu chuyện hay sự việc nào ông nhớ nhất trong các lần đi thực tế?”- Phút suy ngẫm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Kỷ niệm thì có nhiều, nhưng một kỷ niệm khá ấn tượng. Đó là lần về thăm Hợp tác xã Ngọc Tiên, huyện Cờ Đỏ nuôi cá tra tại Cần Thơ, trong lúc trao đổi chuyện làm ăn vốn liếng, vay mượn ngân hàng ngay tại lán giữa đồng của HTX, một xã viên lớn tuổi đến bên tôi rồi nói: “Cha mẹ, con cái còn chả cho nhau tiền, tiền vay ngân hàng làm sao mà không trả cho được. Lúc này, chỉ mong ông Thống đốc có cách gì cho chúng tôi được hoãn, được giãn nợ có cơ hội phục hồi sản xuất, có tiền sinh sống rồi để trả nợ vay”. Suy nghĩ của người nông dân ấy thật đơn giản nhưng chân thành. Điều đó đã theo tôi mỗi khi làm chính sách có liên quan đến nông dân đến tận giờ” .

Liên quan đến vấn đề thanh tra, giám sát, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa điềm đạm chỉ ra qua tiếp cận với từng địa phương, Thống đốc phát hiện và chỉ đạo ra quyết định 780 cho các ngân hàng cơ cấu lại nợ khiến hàng ngàn DN vốn không được tiếp cận vốn tín dụng và chịu lãi phạt thì nay được “cứu”, tiếp cận bình thường.

Hỏi trong các chuyến đi ấy có lần nào doanh nghiệp “tố” ngân hàng? Ông Nghĩa khẳng định: DN chỉ kiến nghị về vay vốn, không có ai tố ngân hàng gây khó dễ. Ngay cả lần làm việc ở Đà Nẵng lần do ông Nguyễn Bá Thanh chủ trì, khi ấy có DN kêu ca phàn nàn không tiếp cận được vốn, (lúc mới nghe ai cũng thấy hoảng) Thống đốc rất điềm tĩnh hỏi xem vay của ngân hàng nào, rồi lập tức cho gọi giám đốc ngân hàng đó đứng lên rồi hỏi. Hóa ra, DN được ngân hàng cho vay kinh doanh thép nhưng lại đi buôn bất động sản. Hơn thế ngân hàng đã cho vay cả tín chấp rồi. Nghe xong thế là thôi, không ai thắc mắc nữa.

Cũng theo vị Chánh thanh tra, nhờ đi đến các vùng khó khăn mà thay vì hạn chế mở các phòng giao dịch, năm qua, Thống đốc đã cho cơ chế khuyến khích ngân hàng mở tín dụng ở tỉnh nghèo. Nhớ bữa làm việc tại Đắk Nông ngày 5/4 vừa qua, khi chủ tịch tỉnh này kiến nghị NHNN cho mở thêm phòng giao dịch ở mấy huyện khó khăn, Thống đốc Bình đáp liền: “Ngân hàng nông nghiệp cứ xem xét và trình, nếu đủ điều kiện và sẵn sàng mở ở vùng sâu vùng xa phục vụ bà con nông dân, nhắm mắt tôi cũng ký liền”.

Từ góc độ Vụ trưởng trợ lý, ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhìn nhận: với nhiệt huyết của một nhà kinh tế, trách nhiệm của một Ủy viên T.Ư Đảng và thành viên Chính phủ, hơn 2 năm qua Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cùng Ban lãnh đạo NHNN và các NHTM liên tục triển khai đoàn công tác đến 58 tỉnh thành để lắng nghe ý kiến phản ánh từ cơ sở, cùng các lãnh đạo chính quyền địa phương bàn bạc các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Dấu ấn lớn nhất trong góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, đó là Thống đốc đã chỉ đạo ngành ngân hàng cùng chủ động tích cực xúc tiến các hoạt động đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm, địa bàn còn nhiều khó khăn như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Những sáng kiến và đóng góp của Thống đốc tại các địa phương đã sớm triển khai ngay vào cuộc sống giải quyết ngay được những bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra.

MỚI - NÓNG