Hàng hóa “khuyết tật” phải bồi thường
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay: Đường giao thông bản chất là một sản phẩm, hàng hóa, vì người tiêu dùng phải bỏ tiền để trả chi phí xây dựng thông qua các trạm thu phí.
“Đường bị hằn lún không đảm bảo chất lượng, theo ngôn ngữ pháp lý gọi là hàng hóa có khuyết tật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Theo quy định (tại Khoản 3 Điều 17, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa), người dân có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại tiền hoặc phải làm lại đường mới đảm bảo chất lượng, an toàn”, ông Hùng nói.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT ghi nhận nhiều thành công về đảm bảo ATGT, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ... Hằn lún vệt bánh xe được xem là hạn chế, cần khắc phục. Bộ GTVT đặt mục tiêu, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý triệt để hiện tượng này.
Ông Hùng cho biết, nếu không giải quyết được ở mức độ hòa giải (theo Khoản 7, Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành), người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Cơ sở để người tiêu dùng khởi kiện là sản phẩm không làm đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã công bố. Điều này cũng gần với khẳng định: Đường hỏng do nhà thầu thi công ẩu, không tuân thủ tiêu chuẩn, quy trình (do Bộ GTVT đưa ra gần đây).
Đại diện người dùng trực tiếp đường giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho biết: Vừa qua, các doanh nghiệp vận tải, chi hội các tỉnh phản ứng rất mạnh với hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. “Anh em yêu cầu Hội kiến nghị trực tiếp với Bộ GTVT khẩn trương sửa chữa các đoạn đường bị hằn lún để đảm bảo an toàn. Về luật có thể kiện, nhưng trước hết để Bộ GTVT và các doanh nghiệp xây dựng thực hiện các biện pháp hành chính”, ông Thanh nói.
Căng sức làm, dân kiện đành chịu thua
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Bộ GTVT đã ra quy định, nếu đường lún quá 2,5 cm (bắt đầu gây nguy hiểm cho người đi đường). Khi đó, các bên bắt buộc phải tiến hành sửa chữa. Các nhà thầu (của dự án dùng vốn ngân sách) phải bỏ tiền túi sửa trong 4 năm bảo hành; nhà đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) phải bảo hành trọn đời dự án; lún quá 2,5 cm, không sửa sẽ bị buộc dừng thu phí. Ông Đông cho biết, Bộ GTVT có trách nhiệm giám sát thực hiện quy định này đồng thời khuyến khích người dân báo tin về các đường dây nóng của Bộ nếu đường lún quá 2,5 cm mà không ai sửa.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, đường lún có nghĩa sản phẩm bị lỗi, nhưng đây là vấn đề phức tạp, chưa thể xử lý ngay nên cần sự thấu hiểu của cả người tiêu dùng. “Khi đường lún, chủ đầu tư bị dừng thu phí, thời gian dừng bị trừ vào tổng thời gian được thu phí. Nghĩa là họ bị mất doanh thu, người đi đường không phải trả phí. Đây cũng là cách để đền bù cho người đi đường và chịu phạt”, ông Huyện nói.
Ông Nguyễn Đức Thế Thảo, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty Trùng Phương, chủ đầu tư dự án Quốc lộ 1A đoạn qua Thừa Thiên - Huế cho hay: Dự án của công ty có 2.100 m2 lún hơn 2,5 cm (đã sửa), nhiều đoạn khác lún nhẹ đang được theo dõi. “Hằn lún là điều không ai muốn. Vừa qua, các cơ quan chức năng cho tôi thu phí nhưng đường lún, tôi xin hoãn để sửa cho phẳng. Chúng tôi cam kết giữ mặt đường lún dưới 2,5 cm, mức đảm bảo an toàn giao thông như công bố. Cuối cùng, nếu dân vẫn kiện, yêu cầu giảm giá đồng loạt, kể cả dự án dùng ngân sách (người dân nộp tiền sử dụng theo phí bảo trì tính trên đầu phương tiện - PV), chúng tôi cũng sẵn sàng”, ông Thảo nói.
Đường dây nóng phản ánh hằn lún mặt đường của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT): 04.3942 0658, 0915 379 596, 0917 759 596. Tổng cục Đường bộ: 0903 479 808, 0912 131 455.