Kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu NH tăng bởi kỳ vọng nợ xấu sẽ được xử lý (ảnh lớn), Thị trường chứng khoán bốc hơi cả ngàn tỷ trước thông tin "bầu" Kiên - thành viên sáng lập ACB bị khởi tố (ảnh nhỏ)
Cổ phiếu NH tăng bởi kỳ vọng nợ xấu sẽ được xử lý (ảnh lớn), Thị trường chứng khoán bốc hơi cả ngàn tỷ trước thông tin "bầu" Kiên - thành viên sáng lập ACB bị khởi tố (ảnh nhỏ)
TP - Trong đợt phục hồi cuối năm 2012, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn. Liệu rằng, nhóm cổ phiếu ngành này có tiếp tục "lên đời" trong năm 2013 khi những tồn tại trong hệ thống ngân hàng vẫn được xem là “mắt xích” yếu?

> Cổ phiếu ngân hàng hồi sinh?
> Cổ phiếu ngân hàng: Thăng trầm cùng đại gia

Phục hồi ấn tượng

Thị trường chứng khoán năm 2012 hứng chịu nhiều cú sốc từ những sự kiện liên quan đến các đại gia trong ngành tài chính. Hàng chục ngàn tỷ đồng bị bốc hơi và thị trường chao đảo bởi những đợt bán tháo kéo dài khi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên sáng lập Ngân hàng ACB bị khởi tố và ông Đặng Văn Thành từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank.

Bên cạnh đó còn kèm thêm những đợt lao đao khi xuất hiện tin đồn không mấy tích cực về các đại gia trong lĩnh vực ngân hàng và các lãnh đạo doanh nghiệp khác.

"Căn bệnh kinh niên” của nền kinh tế là nợ xấu luôn là mối ám ảnh của giới đầu tư. Habubank buộc phải sáp nhập vì thua lỗ bởi nợ xấu. Bên cạnh có 8 ngân hàng khác mất thanh khoản và bị kiểm soát đặc biệt. Trước hiện trạng “bề nổi” đó, cổ phiếu ngân hàng có một năm lao đao.

Tuy nhiên, cú huých bất ngờ vào tháng cuối năm đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng. Những phiên giao dịch trong tháng 12/2012 chứng kiến sự thăng hoa trở lại của hai chỉ số cùng với sự tăng điểm mạnh của nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng như ACB, CTG, VCB, SHB, MBB…. Sự hưng phấn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp toàn thị trường giữ được nhịp tăng điểm nhiều phiên liên tiếp trong 3 tuần gần đây.

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, sở dĩ cổ phiếu ngân hàng bùng dậy trong thời gian qua bởi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm tiền để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng tin là hệ thống ngân hàng không còn “giông tố” như trước khi Chính phủ vừa cho biết sẽ giảm tối đa việc hình sự hóa trong hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, giới đầu tư đặt niềm tin vào sự phục hồi trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản khi vấn đề nợ xấu được giải quyết. Sự kỳ vọng còn thể hiện khi hầu hết các tổ chức đều khuyên nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu trong trung hạn.

Yếu tố nào quyết định tăng giảm?

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng Việt Nam, nguyên nhân chính của việc TTCK Việt Nam không tốt so với các thị trường Asean kể từ tháng 5-2012 là do vấn đề nợ xấu của ngân hàng làm tổn thương nền kinh tế.

Theo tổ chức này, nợ xấu ngân hàng là vấn đề cấp bách cần được giải quyết để Việt Nam có thể khôi phục tăng trưởng mạnh trở lại và thị trường chứng khoán có thể tăng cao hơn.

Năm 2013, hệ thống ngân hàng trong nước vẫn bộn bề với công việc xử lý nợ xấu. Trong khi đó, vấn đề tái cấu trúc ngân hàng vẫn đang thực hiện “nửa vời” vì đề án xử lý nợ xấu đang trình Bộ chính trị nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều chi tiết cụ thể được công bố.

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy để xử lý nợ xấu sẽ phải mất nhiều năm và trải qua những quá trình hết sức phức tạp. Đối với Việt Nam, việc xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn do điều kiện cơ bản để xử lý nợ xấu thành công chưa hội đủ.

Cho đến nay, vẫn không thể biết tỷ lệ nợ xấu Việt Nam là bao nhiêu và khung pháp lý cho việc xử lý nợ vẫn chưa hình thành. Bên cạnh đó, rào cản từ lợi ích nhóm không hề nhỏ vì xử lý nợ xấu đồng nghĩa với ngân hàng phải chịu thua lỗ, doanh nghiệp buộc phải phá sản, bán tài sản thế chấp …

Báo cáo chiến lược 2013 của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, việc Chính phủ đang họp bàn về kế hoạch hành động nhằm xử lý nợ xấu và hỗ trợ bất động sản càng khuyến khích nhà đầu tư mua cổ phiếu.

VCSC cho rằng thị trường chứng khoán có thể tăng trong nửa đầu năm 2013 nhưng đợt tăng này kéo dài bao lâu vẫn tùy thuộc vào việc cải tổ hệ thống ngân hàng.

VCSC tỏ rõ quan điểm họ không mấy lạc quan về các mã ngân hàng vì giá cổ phiếu các mã này có lẽ vẫn chưa tính chiết khấu vấn đề giá trị tài sản sụt giảm do tình trạng nợ xấu chưa được báo cáo một cách chính xác.

Cùng chung quan điểm này, Chứng khoán Maybank Kimeng cho rằng, TTCK sẽ vẫn khó khăn trong năm 2013 cho tới khi vấn đề nợ xấu được giải quyết và tăng trưởng tín dụng được khôi phục trở lại. Như vậy, kịch bản thị trường đi ngang hay khởi sắc vẫn chưa thể có một câu trả lời chắc chắn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG