SCIC giữ lại Vinamilk, thoái vốn Bảo Việt

SCIC giữ lại Vinamilk, thoái vốn Bảo Việt
Theo đề án tái cơ cấu, SCIC sẽ đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp đang mang lại khoản cổ tức khổng lồ và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp.

Thủ tướng vừa ký phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2015, có hiệu lực từ 2/12.

Theo đó, SCIC sẽ nắm giữ và đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp, gồm Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dược Hậu Giang và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.

ggggg
SCIC sẽ thoái vốn tại 376 doanh nghiệp, trong đó có những đơn vị đáng chú ý như Vinaconex, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần FPT...

Đây là 4 doanh nghiệp đang mang lại hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm cho SCIC. Như tại Vinamilk, với tỷ lệ sở hữu 45% (hơn 375 triệu cổ phiếu) tính tại 30/6/2013, 9 tháng đầu năm SCIC đã thu được hơn 1.400 tỷ đồng cổ tức. Dược Hậu Giang cũng mang lại gần 100 tỷ đồng thông qua hơn 28,3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Tại FPT Telecom và Tái bảo hiểm quốc gia, SCIC lần lượt sở hữu 50% và 40% vốn.

Tổng công ty cũng sẽ nắm toàn bộ vốn tại 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, Công ty Khai thác và chế biến đá An Giang và công ty Đầu tư và kinh doanh khoáng sản Vinaconex. 24 doanh nghiệp sẽ do SCIC nắm cổ phần chi phối và 2 doanh nghiệp được cổ phần hóa nhưng vẫn nắm giữ cổ phần là Công ty Thương mại, du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên, công ty Khoáng sản Lai Châu.

Ngược lại, SCIC sẽ thoái vốn tại 376 doanh nghiệp, trong đó có những đơn vị đáng chú ý như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong...

Mục tiêu đến 2015, danh mục đầu tư vốn của SCIC sẽ còn không quá 100 doanh nghiệp. Phương án tái cơ cấu và kế hoạch bán vốn sẽ được tổng công ty ban hành hàng năm để đạt được tiến độ trên.

Trước đó, trả lời VnExpress.net, ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc SCIC cho biết từ 2006 đến 2013, đơn vị này đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp. Danh mục đầu tư sau khi đã thoái vốn tại thời điểm 30/9/2013 đạt hơn 14.000 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. Theo giá thị trường ước đạt 71.000 tỷ đồng.

Cũng theo đề án, vốn điều lệ của SCIC đến năm 2015 sẽ tăng lên 50.000 tỷ đồng, việc điều chỉnh tăng vốn sẽ được Bộ Tài chính thẩm định, xem xét trong tháng 12/2013. Trong điều lệ thành lập năm 2005, vốn ban đầu của SCIC chỉ là 5.000 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2013, tổng tài sản của SCIC đã tăng gấp 13 lần so với thời điểm thành lập, tổng vốn chủ sở hữu lên hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG