‘Cuộc chiến’ chống chuyển giá, chuyện giờ mới kể

‘Cuộc chiến’ chống chuyển giá, chuyện giờ mới kể
Các ông lớn quốc tế là những nhà kinh doanh lọc lõi, DN của họ có đội kế toán giỏi, giấy tờ sổ sách đầy đủ và kín kẽ. Bên cạnh họ luôn có một bộ máy tư vấn là các luật sư, chuyên gia tài chính trình độ quốc tế… Vì thế, phát hiện sai phạm đã khó nhưng buộc họ quy thuận càng khó hơn.

‘Cuộc chiến’ chống chuyển giá, chuyện giờ mới kể

> Các ông lớn FDI 'qua mặt' kiểm toán quốc tế?

> Phải cảnh cáo các ông lớn FDI chuyển giá 

Các ông lớn quốc tế là những nhà kinh doanh lọc lõi, DN của họ có đội kế toán giỏi, giấy tờ sổ sách đầy đủ và kín kẽ. Bên cạnh họ luôn có một bộ máy tư vấn là các luật sư, chuyên gia tài chính trình độ quốc tế… Vì thế, phát hiện sai phạm đã khó nhưng buộc họ quy thuận càng khó hơn.

Có nhiều sự phi lý dễ nhận thấy trong bức tranh lãi lỗ của FDI song để kết luận đó là chuyển giá thì không dễ chút nào. Phát hiện chuyển giá, đối đầu với những nhà kinh doanh, chuyên gia tư vấn luật, tài chính quốc để buộc những ông lớn thừa nhận vi phạm là cuộc đấu trí kiên trì, đầy khó khăn.

Lần vết: giấu đầu hở đuôi

Sau loạt bài hàng trăm doanh nghiệp FDI chuyển giá được phản ánh trên báo VietNamNet, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính chia sẻ, có những vụ việc thanh kiểm tra, hồ sơ chuẩn bị phải kéo dài hàng năm trời.

Ông Nam cho biết, để “bắt lỗi” được Tập đoàn dệt may Hualon Coporation, đoàn thanh tra Tổng cục thuế phải huy động mấy nghìn DN dệt may trong nước gửi dữ liệu giá về. Sau đó, phải mất khá nhiều ngày để các cán bộ thanh tra tổng hợp, phân tích để cho ra dữ liệu giá so sánh độc lập. Từ đó mới tìm ra được điểm bất hợp lý, phi thị trường trong giá bán sản phẩm cho công ty liên kết của Hualon.

‘Cuộc chiến’ chống chuyển giá, chuyện giờ mới kể ảnh 1
 

Từ những dữ liệu ban đầu, cuộc thanh tra mới phát hiện ra vụ chuyển gia của DN này khi mua một dây chuyền thiết bị dệt cũ kỹ, lạc hậu với giá chỉ khoảng 400.000 USD mà nâng khống 40 lần lên 16 triệu USD.

Vị lãnh đạo Tổng cục Thuế nói: “Chúng tôi phải căn cứ trên các định mức về kỹ thuật, các tiêu chuẩn công nghệ để xác định sự bất hợp lý. Cùng 1 máy như vậy, nhập từ các nước G7 giá chỉ có ngần này mà tại sao, anh nhập từ Đài Loan, lại có giá cao vô lý như vậy”.

“Vốn liếng” để các cán bộ thanh tra kiểm tra về chuyển giá bắt bài DN bắt đầu từ những chi tiết giấu đầu hở đuôi tương tự như vậy.

Chẳng hạn như ở vụ chuyển giá của 17 DN Đài Loan chế biến trà ở Lâm Đồng, những tính toán giá đầu ra, đầu vào trái khoáy đã được đoàn thanh tra truy xét tận nơi.

“7 kg chè tươi mới sản xuất ra được 1kg chè khô. Giá thị trường năm đó là 40.000 đồng/kg chè tươi. Tính ra, riêng nguyên liệu cho 1 kg chè khô đã là 280.000 đồng. Vậy cớ sao, các vị DN lại bán cho công ty liên kết giá chè khô chỉ có 140.000 đồng. Có ai đi kinh doanh mà lại mua cao, bán thấp bằng 1 nửa giá thành như thế không?”, ông Nam kể.

Hay như ở vụ việc chuyển giá ngàn tỷ của Keangnam Vina, điểm phí lý là tại sao, khi ngân hàng lãi suất trung bình chỉ có 5-7% mà anh lại đi vay tới 12% từ ngân hàng của Tập đoàn mẹ. Có mấy DN lại đi vay lãi cao để tự mình gây lỗ? Tuy nhiên, ngay sau khi có tin sẽ thanh tra, Tập đoàn này đã chủ động sửa lại.

Theo người đứng đầu ngành thuế, hầu hết DN vi phạm chuyển giá đều không thể biện minh cho bài toán kinh doanh vô lý, kể cả khi họ thuê các luật sư nước ngoài “bào chữa”. Sau khi đấu tranh, các DN đã buộc phải thừa nhận hành vi liên kết, chuyển giá và chấp hành án truy thu thuế.

Con số truy thu có thể lớn hơn nhiều

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Trưởng ban Cải cách thuế, Tổng cục Thuế - vị “tổng quản” chiến dịch chống chuyển giá của DN FDI, tiếc nuối: “Đáng lẽ, con số truy thu thuế còn lớn hơn rất nhiều”.

Ông cho biết: “Theo luật, chúng tôi chỉ thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong thời hạn 5 năm, từ năm 2007 đến nay. Trong khi đó, có những DN đến Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước, khai lỗ liên tục với số lớn. Vây là, mặc nhiên DN được công nhận hàng chục tỷ báo lỗ từ năm 2006 trở về. Nếu thanh tra thuế giai đoạn trước năm 2006, hẳn số điều chỉnh về giá chuyển nhượng còn cao hơn”.

Bên cạnh đó, các khoản tiền thuế và phạt đều được tính theo tỷ giá USD của thời điểm chuyển giá. Ví dụ, truy thu thuế của năm 2007 thì phải tính theo tỷ giá USD năm 2007, tỷ giá khi đó chỉ mười mấy ngàn đồng. Nếu tính theo tỷ giá hơn 21.000 đồng bây giờ, các DN phải nộp thuế lớn hơn nhiều con số hiện nay”.

‘Cuộc chiến’ chống chuyển giá, chuyện giờ mới kể ảnh 2
 

Tới đây, ngành thuế sẽ mạnh tay hơn khi đang điều tra chuyển giá ở hơn 40 doanh nghiệp FDI. Cây gậy pháp lý vừa được bổ sung là cơ chế thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết đã được quy định trong Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ 1/7 vừa qua. Theo đó, khi cơ quan thuế đã có thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết, các doanh nghiệp FDI có vi phạm sẽ không thể chối cãi và sẽ phải chịu ấn định giá của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, chống chuyển giá đang gặp rất nhiều khó khăn do các hành vi ngày càng phức tạp, tinh vi. Các doanh nghiệp FDI lớn có những công ty tư vấn tài chính uy tín với những chuyên gia về chuyển giá giỏi, kinh nghiệm hỗ trợ.

Trên thế giới, trung bình một cuộc thanh tra chống chuyển giá kéo dài từ 18 tháng đến 24 tháng, đặc biệt có cuộc kéo dài đến 13 năm và không quốc gia nào khống chế thời hạn của một cuộc thanh tra về giá chuyển nhượng nhưng tại Việt Nam, thời gian thanh tra dài nhất cũng chỉ được phép trong 70 ngày, theo Luật Thanh tra.

Việt Nam đã trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài với hàng loạt chính sách ưu đãi thuế thông thoáng. Trong khi đó, tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm, khai báo nộp thuế đúng và đầy đủ ở nhiều DN FDI chưa cao. Vì vậy, việc hậu kiểm, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách lại trở thành một nhiệm vụ nặng nề mà ngành thuế phải đảm nhận. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia về thuế, chế tài xử phạt về chuyển giá cần nặng hơn, thay vì chỉ phạt như hành vi kê khai sai thuế hiện nay.

Theo Phạm Huyền
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG