Thất thu lớn vẫn rình rang, lãng phí!

Thất thu lớn vẫn rình rang, lãng phí!
TP - Đó là nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10.

> Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế
> Tái cơ cấu: Chỉ nghe, chưa thấy?

Rình rang mít tinh, hội nghị

“Chúng ta cần lạc quan nhưng cũng cần phải thấy hết khó khăn để có phương cách chữa trị những điểm yếu. Có những con số tôi thấy vô lý và có vẻ như mâu thuẫn, ví như tăng trưởng GDP hơn 5%, nhưng hụt thu ngân sách nhà nước năm 2013 là hơn 63 nghìn tỷ đồng”- ông Quyền nói.

Theo đại biểu này, trong điều kiện kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đình đốn, dân mất việc làm thì phải siết chặt kỷ cương ngân sách. Càng khó khăn, kỷ cương càng phải thắt chặt, mới tạo ra sự đồng thuận, niềm tin của người dân.

“Chính phủ chỉ đạo tuyệt đối không khởi công công trình mới nếu không cân đối nguồn thu, nhưng các địa phương, bộ ngành vẫn bất chấp triển khai mà không bị kỷ luật, đây là vấn đề cần khắc phục nhưng Chính phủ lại nhận định, đánh giá chưa sâu sắc”- ông Quyền góp ý.

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế khó khăn, biên chế cũng không giảm, chi tiêu hành chính vẫn rất lớn và rất lãng phí ở nguồn lực, chi phí, tổ chức hội nghị, mít tinh.

“Chúng ta nói ra rả là không dàn trải, tập trung có hiệu quả nhưng thực tế có thời điểm nói không đi đôi với làm. Tôi đi giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thấy có nơi làm rất lãng phí, cười ra nước mắt”- ông Quyền nói tiếp.

Trả lời băn khoăn của một số đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Trong thảo luận có ý kiến là kinh tế vẫn tăng trưởng tại sao lại hụt thu ngân sách, tăng trưởng có thực chất không? Điều này có nhiều nguyên nhân trong đó có việc lập dự toán quá cao, đặt mục tiêu tăng 20% trong năm 2013. Chính sách giãn, hoãn thuế; giảm thuế do tiến trình hội nhập”.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng cũng có nguyên nhân chủ quan là thất thu. Khi kiểm tra tại Tây Nguyên, có tỉnh thất thu do gian lận rất lớn. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ việc thất thu lớn tại một số địa phương, xem trách nhiệm của hải quan, cục thuế địa phương, cơ quan công an ra sao.

 ĐB Đỗ Văn Đương
ĐB Đỗ Văn Đương .

  Ai cũng bảo ít nhất 30% công chức không làm việc, điều đó đúng. Báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ nói là chỉ có 1% thôi, cũng đúng. Đúng vì bình bầu, phân loại còn nể nang nhau. Với đội ngũ công chức tăng nhanh mà không hiệu quả như vậy lấy đâu ngân sách mà nuôi? Trong nghị quyết từng năm, nên có chỉ tiêu cụ thể như thu hồi bao nhiêu dự án bỏ hoang, giảm bao nhiêu phần trăm công chức. Nếu không, năm nào cũng vẫn bài ca cũ. Chân lý là cụ thể, không có chân lý trừu tượng

ĐB Đỗ Văn Đương

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho rằng, có thể giảm được hàng trăm công chức nếu sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập những đơn vị trên địa bàn. Tại Hà Tĩnh đang thừa giáo viên, trường học mà thiếu học sinh.

“Có cả nghìn giáo viên thừa dẫn đến lãng phí cả nghìn tỷ đồng”- ông Cự nói.

Theo đại biểu này, cái yếu của chúng ta hiện nay chính là công tác quy hoạch.

Ví dụ rừng, lẽ ra phải quy hoạch từ trước, nhưng đến nay cạn kiệt hết rồi, không còn gì để khai thác nữa thì mới mang ra bàn về quy hoạch. Hay như thủy điện, để xây dựng tràn lan khắp mọi nơi, hết chỗ xây rồi, đến giờ cũng mới đem ra bàn quy hoạch.

Quy hoạch thế là đi sau chứ đâu phải đi trước. Nếu chúng ta quy hoạch trước, thì làm gì có chuyện tỉnh nào cũng thấy có cảng biển, sân bay, làm gì có chuyện chỗ nào cũng xây thủy điện, hết sức lãng phí và gây nhiều hệ lụy.

Lập Ủy ban tái cơ cấu kinh tế?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với đại biểu quốc hội đoàn TPHCM bên lề kỳ họp ngày 24/10. Ảnh: Ngọc Thanh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với đại biểu quốc hội đoàn TPHCM bên lề kỳ họp ngày 24/10. Ảnh: Ngọc Thanh.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) năm 2013 và 2014 sẽ nâng trần bội chi, dẫn tới nợ công sẽ tăng gần hơn mức cho phép 65% GDP. Trong khi đó các DN vẫn khó khăn, số giải thể, phá sản tiếp tục tăng đến hết tháng 9 là hơn 42.000 DN. Để đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cần quan tâm tới cơ cấu lại khu vực dân doanh. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng cần nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay để có giải pháp thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, nếu không sẽ mãi luẩn quẩn.

“Chúng ta nói Việt Nam là điểm đến đầu tư, nhưng nhiều nhà đầu tư bắt đầu nản lòng vì đó là điểm đến cho công nghệ thấp, môi trường quản lý lỏng lẻo, chuyển giá, lao động rẻ tiền. Có hiện tượng gần đây khi Trung Quốc phát triển, giá lao động tăng lên, môi trường chặt hơn, người ta liền chạy qua Việt Nam. Nếu chúng ta là điểm đến du lịch thì tuyệt vời, còn nói là điểm đến đầu tư thì cần phải suy nghĩ”- ĐB Nghĩa băn khoăn.

Theo ĐB Nghĩa, vấn đề xử lý nợ xấu mới chỉ có một số giải pháp tạm thời, có tính chất chôn lấp, chưa có giải pháp ráo riết, triệt để. Cái cần giải phẫu thì phải làm quyết liệt, nếu chỉ “băng bó” thì không xong. Nếu chúng ta không đủ sức vượt lên một đẳng cấp, một mô hình tăng trưởng mới, thì sẽ không thể thoát ra sự luẩn quẩn hiện nay.

“Cần lập một Ủy ban quốc gia chuyên trách có sự tham gia của Quốc hội, các định chế tư vấn độc lập. Tái cơ cấu sẽ đụng đến rất nhiều lợi ích nên không thể để các tập đoàn tự làm, phải có bàn tay bên ngoài sắp xếp lại. Nếu không làm như vậy, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ sau tình hình vẫn không có gì thay đổi”- ông Nghĩa phát biểu.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị lập Ban chỉ đạo Tái cơ cấu nền kinh tế. Tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ nói “đạt được kết quả bước đầu”. Nhưng chúng tôi đi thực tế, thì các địa phương đều rất lúng túng và hầu hết mới triển khai trình duyệt các đề án.

“Triển khai như thế thì làm sao tái cơ cấu được. Chưa kể, các doanh nghiệp nhà nước không muốn cổ phần hóa đâu vì họ sợ mất lợi ích. Do đó, chúng ta tái cơ cấu mà để các đơn vị tự lập đề án thì chậm là đúng thôi, bởi vì muốn giữ lợi ích. Vì vậy, cần phải lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế, doanh nghiệp nhà nước thì mới đẩy nhanh việc thực hiện được”- ông Phúc đề xuất.

“Báo cáo rất hay, mục tiêu rất hay, tái cơ cấu và đột phá rất đúng, nhưng khổ cái là thiếu giải pháp thiết thực, cụ thể. Điều cử tri bức xúc là tại sao nhiều giải pháp nhưng nợ xấu cứ tăng, nợ công ngày càng lớn, bất động sản cứ trầm lắng, nhà xây lên lãng phí, cứu trợ 30.000 tỷ không giải quyết được gì”- ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nói.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh
ĐB Trần Thị Quốc Khánh.

  Quan chức cấp cao nhẽ ra phải là những người được các tổ chức đánh giá cao. Vậy mà được tín nhiệm giao trọng trách nắm giữ các nguồn lực lớn mà lại sẵn sàng dùng các nguồn lực nhà nước để làm những việc phi pháp, có tiền mua nhà cho bồ nhí như Dương Chí Dũng vừa qua. Thực trạng bức xúc lắm nhưng vấn đề phòng chống tham nhũng chúng ta chưa nghiêm. Hãy nhìn sang Trung Quốc, một Bí thư Tỉnh ủy lớn thế nhưng họ xử rất nghiêm nếu tham nhũng. Chúng ta đọc báo cáo tham nhũng toàn “đầu voi đuôi chuột” sao mà nghiêm được

ĐB Trần Thị Quốc Khánh

Đề cập vụ bác sỹ thẩm mỹ làm chết người rồi vứt xuống sông, ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) nhấn mạnh y đức, đạo đức xã hội đang xuống cấp là vấn đề rất đáng lo ngại, cần phải được quan tâm nhiều hơn.

“Bộ Y tế thực hiện thí điểm khám chữa bệnh theo yêu cầu, thí điểm xã hội hóa, nhưng đánh giá chất lượng có nhiều vấn đề. Trong ngành y tế thí điểm phải nghiêm túc, bài bản, không thể lấy sức khỏe và tính mạng con người thí điểm”- ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) phát biểu.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lo lắng bày tỏ, ở những nơi tình thương, lòng nhân ái của con người thể hiện rất cao như lĩnh vực Y tế, Giáo dục thì lại đang có rất nhiều vấn đề.

“Tính mạng con người chưa được tôn trọng. Một bác sĩ chưa có giấy phép mà ngang nhiên chữa bệnh như thế, đến khi xảy ra điều không mong muốn thì phi tang ngay, coi bệnh nhân như cỏ rác”- bà Khánh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.