> Thủy sản Phương Nam rao bán hàng tồn kho
> Đề nghị hủy quy định “trừng phạt” doanh nghiệp thủy sản
Cty Bình An mỗi ngày tiêu thụ 60-70 tấn cá tra. ẢNH: SÁU NGHỆ. |
Nợ lớn
Suốt 8 tháng đầu năm ngoái, dư luận quan tâm vụ khủng hoảng nợ của Cty Cổ phần Thuỷ sản Bình An (Cty Bình An) ở TP Cần Thơ. Đến khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đứng ra trả nợ cho dân và cung cấp tín dụng để Cty Bình An tiếp tục hoạt động thì tình hình mới lắng dịu.
Ngày 18/6/2013, Cty Bình An tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2013 cho biết, 4 tháng cuối năm doanh thu chỉ đạt gần 54 tỷ đồng. Tính cả năm 2012, doanh thu gần 259 tỷ đồng, lỗ lên gần 855 tỷ đồng.
Cty Phương Nam, hồi tái cơ cấu đầu tháng 6/2013 chỉ còn 650 công nhân, nay đã tăng lên hơn 1.000 công nhân, tiêu thụ mỗi ngày 15-25 tấn tôm nguyên liệu. |
Năm nay, dư luận lại nóng với nợ nần của Cty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam (Cty Phương Nam) ở tỉnh Sóc Trăng. Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân cùng gia đình đi Mỹ, để lại món nợ công bố tại buổi tái cơ cấu bước đầu, ngày 13/6/2013 là 1.591 tỷ đồng; nợ 37 người bán nguyên liệu, hoá chất, bao bì hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, nợ nần nan giải nhất là kho sản phẩm tôm đông lạnh đem thế chấp vay 780 tỷ đồng nhưng kiểm tra thực tế, đã bán khoảng 20 tỷ đồng, chỉ còn lại khoảng 22 tỷ đồng nhưng khó bán.
Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Phương Nam, cho biết, sau khi tái cơ cấu, LiênVietPostBank chi nhánh Sóc Trăng mở hạn mức tín dụng cho vay 300 tỷ đồng để Cty Phương Nam sản xuất, kinh doanh. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu của Cty trong tháng 7 và 8 là 6,7 triệu USD, lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng.
Còn nhiều khó khăn
Cty Phương Nam hiện có thêm khoản nợ thuế VAT các đại lý hơn 18 tỷ đồng. Trưởng phòng nhân sự Cty Vương Nhật Bình cho biết, ngày 11/9, Cục thuế tỉnh Bạc Liêu đã phong tỏa tài khoản của Cty để cưỡng chế thu nợ đọng thuế VAT. Ông Võ Anh Hóa, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bạc Liêu, nói: “Chúng tôi phong tỏa tài khoản là đúng và nhiều cục thuế sẽ làm đối với Cty Phương Nam, vì nợ thuế VAT các đại lý bán tôm nguyên liệu”.
Ở tỉnh Cà Mau, cuối năm 2011, Cty CP Chế biến Thủy sản Biển Vàng của ông Phạm Tiến Dũng hợp đồng mua một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đang nợ lớn. Những doanh nghiệp được mua là Cty CP Thực phẩm Đại Dương, Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Việt Hải, Cty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Minh Châu, Cty Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Đại Dương Xanh Toàn Cầu.
Cty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Việt Hải ở Khu công nghiệp Hòa Trung tại xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau), từ khi bán cho ông Dũng thì cũng ngưng hoạt động đến nay. Cty CP Thực phẩm Đại Dương đang hoạt động cầm chừng, nợ lương công nhân.
Những doanh nghiệp đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng sau khi mua bán thì món nợ vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Minh Hải cũng chưa trả được. Đến giữa tháng 6/2013, theo các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, Cty Việt Hải còn nợ 118 tỷ đồng, lãi treo trên 46 tỷ đồng, Cty Minh Châu nợ quá hạn trên 108 tỷ đồng, lãi treo 50 tỷ đồng.
Mở thêm thị trường, tăng số lao động
Những doanh nghiệp được các ngân hàng tập trung giúp đỡ tái cơ cấu, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng hoạt động cũng đã có sự ổn định và dấu hiệu phát triển. Cty Bình An hồi giữa năm nay, chỉ có khoảng 500 công nhân, mỗi ngày chế biến 50 tấn cá tra nguyên liệu. Hiện đã có khoảng 700 công nhân, mỗi ngày chế biến 60-70 tấn cá tra nguyên liệu để xuất một tháng trên dưới 50 container loại 40 feet. Khi thị trường Mỹ không còn ưu đãi thuế suất bằng không như trước năm 2012, Cty Bình An duy trì thị trường EU, châu Á, Trung Đông, mở thị trường Brazil.
Cty Phương Nam, hồi tái cơ cấu đầu tháng 6/2013 chỉ còn 650 công nhân, nay đã tăng lên hơn 1.000 công nhân, tiêu thụ mỗi ngày 15-25 tấn tôm nguyên liệu. Quá trình tái cơ cấu rất gian nan, như Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Nguyễn Minh Trí cho biết, từ cuối năm 2012 đến đầu tháng 6/2013, các ngân hàng đã phải họp hơn 20 cuộc mới đi đến kết quả. “Còn nhiều khó khăn nhưng ngày cũng sáng thêm niềm hy vọng, các ngân hàng sẽ không mất hàng nghìn tỷ đồng”, ông Minh Trí nói.