Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể cao hơn

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể cao hơn
TP - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể và nên ở mức cao hơn, vì tiến trình cải cách và hội nhập kinh tế của nước này đang đúng hướng và có khả năng đạt hiệu quả cao hơn, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), trao đổi với Tiền Phong.

> Cơ hội phát triển đầu tư, thương mại Việt - Mỹ
> DN nhà nước: Ưu đãi đủ kiểu, nhưng 'quên' nộp cổ tức

Theo ông, Việt Nam sẽ mất bao lâu để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay và cần làm gì để vượt qua?

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể và nên ở mức cao hơn. Nhiều vấn đề cốt lõi cần hành động, bao gồm sự chậm trễ ở cơ sở hạ tầng chủ chốt, thực hiện pháp luật không công bằng, bảo vệ sở hữu trí tuệ yếu kém, hối lộ và tham nhũng, gánh nặng về hành chính và nhiều vấn đề khác. Những vấn đề này trực tiếp ảnh hưởng sức cạnh tranh của Việt Nam và trực tiếp ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế.

Quốc hội nên tăng thêm quyền của các doanh nghiệp tư nhân theo Hiến pháp Việt Nam, họ sẽ được đối xử công bằng với khối doanh nghiệp Nhà nước. Điều này và các cải cách khác sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư và giúp tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, làm tăng GDP của Việt Nam.

 Theo ông Adam Sitkoff, Việt Nam nên tăng thêm quyền của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo ông Adam Sitkoff, Việt Nam nên tăng thêm quyền của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông có đề xuất cụ thể gì liên quan tăng trưởng GDP?

Hồi tháng 2/2011, Thủ tướng tuyên bố Chính phủ sẽ tập trung vào ổn định hơn là tăng trưởng. Amcham và nhiều tổ chức khác ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực đó. Hiện nay, quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi.

Qua nhiều năm, thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam phần lớn được gây dựng trên sự trông đợi về ổn định kinh tế và chính trị và Chính phủ đã làm tốt công việc của mình trong kiềm chế lạm phát.

Đổi Mới bắt đầu năm 1986, các cải cách phụ trợ và những quyết định chính sách liên quan thúc đẩy thương mại song phương Việt - Mỹ từ 1 tỷ USD tới 26 tỷ USD chỉ trong 11 năm.

Cùng thời gian này, thương mại của Việt Nam với thế giới nhảy vọt lên mức ấn tượng 730%. Đây là điều chứng tỏ cải cách và các quyết định tích cực có hiệu quả.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước đang đàm phán, với xuất khẩu và tăng GDP có tiềm năng lớn hơn các đối tác khác.

Nếu Việt Nam tận dụng được, TPP sẽ giúp khu vực tư nhân có cơ hội lớn hơn tiếp cận các thị trường chủ chốt, khuyến khích cạnh tranh, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng, và đem lại các lợi ích đáng kể cho Việt Nam, cho các công ty và người dân.

Việc Việt Nam tham gia TPP cũng rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ khi giúp thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và tạo nên các cơ hội và hoạt động kinh doanh tại đây.

Hiện nay, tình hình hoạt động của các công ty Mỹ tại Việt Nam thế nào?

Việt Nam đang trải qua một giai đoạn kinh tế đầy thách thức và nhiều quyết định của Chính phủ có vẻ như ít tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, so với trông đợi của chúng tôi. Các công ty và nhà đầu tư Mỹ nhận thấy có nhiều cơ hội ở Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng tôi cần thấy có những tiến triển thực sự trong cải thiện pháp lý, các mối tương quan về công nghiệp, phát triển nhân lực, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho sản xuất và thương mại.

Cộng đồng kinh doanh cũng cần thấy nỗ lực nghiêm túc hơn nữa trong tổ chức thủ tục hành chính và chống tham nhũng. Thêm vào đó, cần có nhiều bằng chứng cho thấy thiện chí của Chính phủ muốn cải cách hệ thống doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động thiếu hiệu quả.

Chính phủ cũng cần đảm bảo rằng các luật lệ mới không gây hại đến môi trường kinh doanh và danh tiếng của Việt Nam. Chính phủ có thể và nên hành động để đưa lại niềm tin vào môi trường kinh doanh và đảm bảo là Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn và cạnh tranh cho đầu tư nước ngoài.

Cảm ơn ông.

Phương Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG