Gần 400 tỷ đồng và chuyện VNA tiết kiệm

Gần 400 tỷ đồng và chuyện VNA tiết kiệm
TP - Câu chuyện tiết kiệm trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” của một doanh nghiệp nhà nước sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước khác phải suy nghĩ.

> Máy bay VNA hạ cánh khẩn cấp giữa đường
> Bí mật 5 hãng hàng không Việt Nam

Năm 2013, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) đăng ký với Bộ GTVT chỉ tiêu tiết kiệm 379,1 tỷ đồng. Đáng lưu ý, năm trước đó, VNA đã tiết kiệm được 376,8 tỷ đồng. Để đạt được những con số này, một doanh nghiệp nhà nước với đầy đủ sự cồng kềnh đặc trưng đã xoay xở thế nào? Cho đến nay, số lượng phi công người Việt theo cơ cấu đã đủ và có thể đảm đương với nhiều loại tàu bay hiện đại. Cùng với đó, số phi công nước ngoài (được thuê với giá cao hơn rất nhiều lần) đang dần được thay thế bằng phi công “nội”.

Cũng lần đầu tiên, VNA áp dụng chính sách không tuyển dụng thêm nhân sự. Tuy vẫn cồng kềnh với con số hơn 10 nghìn người, nhưng việc giảm hơn 200 lao động so với cùng kỳ năm ngoái được xem như một kỳ tích của một doanh nghiệp nhà nước.

Theo kế hoạch năm 2013, VNA dự kiến khai thác trên 112 nghìn chuyến bay, vận chuyển 14,4 triệu lượt khách. Sáu tháng cuối năm, doanh nghiệp này tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu và công tác cổ phần hóa đúng tiến độ.

Chuyện VNA tiết kiệm nhiên liệu có những điều nghe khó tin. Hiện, trước mỗi chuyến bay, các phi công phải mất thời gian nghiên cứu lộ trình và thời tiết cụ thể. Nếu trời mù quá hay mưa nặng hạt phải chọn phương thức điều khiển máy bay phù hợp. “Ngay cả việc điều khiển máy bay từ sân đỗ ra đường băng, phi công cũng phải ý thức trong việc vận hành động cơ để đạt hiệu quả tiết kiệm tối ưu nhất”, một lãnh đạo VNA nói.

Có những lúc, máy bay được điều hành linh hoạt lạ thường. Đến nỗi, lịch bay của phi công và tiếp viên điều chỉnh như thời chiến với mục đích tạo thuận lợi tốt nhất cho hành khách.

Tổng GĐ VNA Phạm Ngọc Minh có lần trong một cuộc gặp phi công, tiếp viên đã tâm sự: “Tôi cũng như ban lãnh đạo tổng công ty hơn ai hết, hiểu được nỗi trăn trở của anh em phi công khi phải tính toán tiết kiệm từng tấn nhiên liệu cho mỗi chuyến bay, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tôi thực sự cảm thông với nỗi vất vả của mỗi tiếp viên khi phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện cơ sở vật chất và dịch vụ chưa kịp nâng cấp đáp ứng yêu cầu. Tôi cũng rất chia sẻ với những người thân trong gia đình các anh chị em. Trong năm qua, các quyết định cắt giảm hay tăng chuyến đột xuất đã làm đảo lộn nếp sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ cũng dễ hiểu, nếu như việc xáo trộn đó sẽ gây ra sự không hài lòng từ phía người thân”.

Được biết, 6 tháng đầu năm nay, giờ bay trung bình của tiếp viên tăng 0,74% so với cùng kỳ (đạt 81,57giờ/tháng); phi công tăng 1,19% (đạt 73,17giờ/tháng).

Có lẽ VNA là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng mang nhiều dấu ấn nước ngoài nhất. Hầu như doanh thu hiện nay chủ yếu từ những đường bay quốc tế với 50 đường bay tới 28 điểm đến trên thế giới. Ngoài Việt Nam, VNA đang hoạt động kinh doanh tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ từ Châu Á tới Châu Âu, Châu Úc. Hình ảnh Bông sen vàng gắn với những điểm đến hấp dẫn trong nước hoặc khu vực xuất hiện khắp nơi trên đường phố Paris tráng lệ hay Nhà hát con sò Opera House ở Úc...

Đây cũng là một doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất mỗi khi biến động tỷ giá. Bởi vì, nhiều yếu tố đầu vào của doanh nghiệp được tính bằng ngoại tệ, đặc biệt là nhiên liệu bay. Chỉ cần một vài đồng ngoại tệ lớn biến động cũng làm chi phí tăng thêm hàng trăm tỷ so với kế hoạch ban đầu. Trong bài toán cân đối chi phí, VNA luôn phải đối mặt với vấn đề này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG