Chỉ cần giải quyết được 1/3 nợ xấu là quá tốt

Chỉ cần giải quyết được 1/3 nợ xấu là quá tốt
TP - Cty Khai thác Quản lý Tài sản (VAMC) có nhân sự cấp cao giỏi chuyên môn, có cơ chế giám sát chặt chẽ, nhưng không dễ đạt mục tiêu xử lý 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu vào cuối năm nay, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trao đổi với Tiền Phong.

> Cty mua bán nợ xấu không phải chiếc đũa thần
> Công ty xử lý nợ xấu đi vào hoạt động

Khó đạt mục tiêu

Theo ông, sự ra đời của VAMC (hoạt động từ ngày 26/7) sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế khi chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận Cty này không phải là công cụ xử lý nợ xấu triệt để?

Nợ xấu của Việt Nam là vấn đề rất lớn và vô cùng hệ trọng vì phải giải quyết được nó, kinh tế mới phát triển được. Nợ xấu đang gây tắc cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Mỗi quốc gia có một cách tiếp cận: Nợ ở Việt Nam có một đặc điểm khác biệt là cơ cấu nợ có tới 70% là rơi vào các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cần nhìn nhận VAMC ra đời chỉ thêm một kênh, chứ không thể giải quyết được tất cả nợ xấu. Để giải quyết triệt để nợ xấu cần phải làm từ 3 phía. Với doanh nghiệp, phải làm bài toán tự tiết kiệm chi phí, cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết, chặn nợ xấu. Với ngân hàng, phải cơ cấu lại nợ xấu xem đâu là khoản đến từ cho vay lỏng lẻo xuất phát từ đạo đức cán bộ ngân hàng, đâu là từ cơ chế, chính sách (phần này, VAMC đóng vai trò chủ đạo). Còn với nợ xấu của DNNN như các công trình cho vay cấp vốn theo chỉ định, các khoản nợ từ chính sách hay gặp thiên tai địch họa, phải tính toán, xem xét cấp vốn từ ngân sách để xử lý thế nào.

Chỉ cần giải quyết được 1/3 nợ xấu là quá tốt ảnh 1
 

Với sự ra đời của VAMC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2013 sẽ giải quyết được 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu và xong cơ bản vào năm 2015. Phân tích của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế lại chỉ ra VAMC khó đạt được mục tiêu đó?

 “Doanh nghiệp Việt Nam vốn tự có ít mà chủ yếu vay vốn ngân hàng, cho nên việc giải quyết vay vốn tiếp thông qua xử lý sớm nợ xấu càng trở nên cấp bách. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, anh nào cũng ngắc ngoải, thậm chí như cờ đô-mi-nô, chết như ngả rạ…” 

TS Cao Sỹ Kiêm

VAMC thực hiện mua nợ theo 2 phương thức: Mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Phương thức mua thứ hai là mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Tức là các đối tượng bán nợ cho VAMC thỏa thuận một mức giá trên cơ sở VAMC thuê công ty định giá độc lập. Cần lưu ý trong chức năng và nhiệm vụ, VAMC chỉ mua những khoản nợ từ 3 tỷ đồng trở lên, có tài sản thế chấp, có thể khắc phục rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM). Việc mua bằng trái phiếu đặc biệt thực chất là một hình thức tiếp vốn khi toàn bộ khoản nợ ghi sổ chuyển sang VAMC thì không trả bằng tiền mà bằng trái phiếu do NHNN phát hành. Từ đó như một giấy thông hành, các NHTM được dùng trái phiếu đó để lấy nguồn vốn thông qua kênh tái cấp vốn của NHNN.

Còn nói không xử lý được triệt để thì cũng đúng vì nếu không xử lý được, sau 5 năm, các khoản nợ trên đã về VAMC có thể được trả lại cho các NHTM (hằng năm, các ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho khoản nợ). Chưa kể, với một lượng nợ xấu lớn như hiện nay thì bán cho ai trong bối cảnh khó khăn chung này? Các tổ chức nước ngoài cũng không mặn mà vì họ cũng đang khó khăn, chưa kể không rõ luật lệ mua bán của ta sẽ thế nào. Nói chung, mục tiêu xử lý 40.000- 70.000 tỷ nợ xấu hết năm nay khó khả quan.

Không dễ xin - cho

Ông vừa đề cập 70% cơ cấu nợ thuộc các tập đoàn, DNNN. Đây là điểm khiến người ta e ngại, VAMC có đủ minh bạch trong hoạt động không, hay sẽ là một kênh ưu ái để xử lý các khoản nợ xấu cực lớn của những NHTM với những khoản vay hiện đã nằm “đắp chiếu”?

VAMC hoạt động trên phương thức kinh doanh, 500 tỷ vốn điều lệ là tiền lấy từ ngân sách nhà nước nên có nhiệm vụ phải bảo toàn, thậm chí còn đặt mục tiêu lợi nhuận nếu có. Tôi không nghĩ sự ưu ái nào đó dễ xảy ra, nhất là với những khoản nợ xấu lớn từ các tập đoàn, tổng công ty đã bị liệt vào danh sách không thể sống lại vì các khoản vay đó, ví như từ Vinashin, giờ làm gì còn tài sản, còn bán cho ai.

Chưa kể, các quy trình mua bán nợ của VAMC đều thể hiện qua hồ sơ (tài sản nợ, tài sản thế chấp, được mua thế nào, giá bao nhiêu) với một Hội đồng thẩm định nợ, thẩm định giá gồm rất nhiều thành phần từ đại diện NHNN, Bộ Tài chính, công an, Viện Kiểm sát. Rồi hoạt động hằng năm của VAMC đều phải kiểm toán và báo cáo Kiểm toán Nhà nước xem xét.

Thực chất, ngay khi bàn, Chính phủ, Quốc hội đã đi đến thống nhất phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ VAMC. Trước đây, NHNN cũng “hung hăng” lắm, đề xuất đòi cấp vốn tới 100.000 tỷ, nhưng Quốc hội thấy không thể làm liều. Tin tưởng thì cũng có mức độ chứ không “ào” một cái ngay được.

Bộ Tài chính công bố dự thảo về cơ chế hướng dẫn chế độ tài chính với VAMC, trong đó nhấn mạnh ngoài mua nợ xấu, còn được góp vốn để đầu tư ra ngoài dưới các hình thức tiền gửi, cung cấp tài chính cho khách hàng có khả năng trả nợ… Đây có phải sự ưu ái lớn dành cho VAMC, liệu có tạo ra cơ chế xin - cho với doanh nghiệp đang cần vốn?

Thực ra, xây dựng cơ chế cho VAMC phải theo thông lệ và điều này cũng nằm trong những tiêu chí chung. Việc VAMC được gửi tiền và được góp vốn cũng không có gì bất thường. Còn muốn biết có phải xin - cho hay không thì phải công khai hóa, và phải có cơ chế giám sát. Quan trọng là kỷ cương của đội ngũ giám sát. Nói chung là phải rất công tâm khi thực hiện. Hiện, đội ngũ nhân sự cấp cao của VAMC cũng là so bó đũa chọn cột cờ, đều là những chuyên gia trong việc xử lý nợ xấu của các NHTM quy tụ lại như một đội phản ứng nhanh, mong là họ sẽ xử lý tốt.

Doanh nghiệp chờ xem

VAMC ra đời với sứ mệnh xử lý nợ xấu cho nền kinh tế khiến người ta nhớ lại cách đây 10 năm, công ty mua bán nợ và tài sản doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính ra đời để mua bán nợ nần, tái cơ cấu doanh nghiệp yếu kém. Tuy nhiên, những gì DATC làm được cho đến nay lại khá khiêm tốn. Cá nhân ông thấy thế nào?

Ngay từ đầu khi doanh nghiệp đó ra đời, tôi đã thấy lem nhem vì nó chỉ giải quyết mua lại tài sản của những doanh nghiệp sắp phá sản, ví như đáng 100 tỷ, anh chỉ đàm phán mua vài ba chục tỷ rồi xử lý, bổ sung này kia, bán lại cao hơn thu lời. Năm năm hoạt động mà chỉ giải quyết được chục ngàn tỷ đồng là quá thấp và cũng chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. VAMC không phải thế, nó hướng đến những cái đích cao hơn và phương thức mua bán cũng khác hơn.

Vào lúc này, doanh nghiệp thực sự muốn và trông chờ gì vào VAMC, theo ông?

Họ đang kỳ vọng rất nhiều nhưng theo kiểu này, tôi nghĩ niềm tin của họ chỉ có mức độ. Họ sẽ nhìn xem VAMC hành động thế nào, có thực sự giải quyết được những khó khăn về vốn không. Chính sách thắt chặt tín dụng mấy năm qua có 2 mặt. Một là nó như liều thuốc đắng “giã” rất nhanh lạm phát giảm xuống, nhưng đồng thời lãi suất vay 20-30% cao ngất ngưởng cả năm đã “hủy diệt” doanh nghiệp nhanh hơn. So với cách đây 3 năm, hiện chỉ còn một nửa, tức 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhưng dù sao, chỉ cần VAMC giải quyết được 1/3 nợ xấu là quá tốt rồi, có những điều doanh nghiệp phải tự giải quyết.

Cảm ơn ông.

Theo Nghị định 53, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu hơn 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC và NHNN dự kiến Cty này sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu (khoảng 4-5 tỷ USD, tương đương 60-70% tổng nợ xấu) với tỷ lệ thu hồi ước đạt 20-40%. NHNN kỳ vọng VAMC sẽ xử lý được khoảng 40.000 – 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013. Ông Nguyễn Hữu Thủy - Tổng giám đốc VAMC cho hay, sẽ mua nợ ngay khi đi vào hoạt động vì Cty đã có số liệu cụ thể từng món nợ.

 

Khánh Huyền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).