'Dân chơi' mới trên thị trường bán lẻ VN

'Dân chơi' mới trên thị trường bán lẻ VN
Với sức hấp dẫn của một thị trường đông dân, nhiều đại gia bán lẻ quốc tế lên kế hoạch mở chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Một số nhà kinh doanh bất động sản, ngân hàng trong nước cũng quyết định 'rẽ ngang' sang lĩnh vực này.

'Dân chơi' mới trên thị trường bán lẻ VN

> Đẳng cấp ông chủ mới của Phở 24
> Ly cà phê đắng Tonkin

Với sức hấp dẫn của một thị trường đông dân, nhiều đại gia bán lẻ quốc tế lên kế hoạch mở chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Một số nhà kinh doanh bất động sản, ngân hàng trong nước cũng quyết định 'rẽ ngang' sang lĩnh vực này.

Ngày càng nhiều
Ngày càng nhiều "tay chơi" mới trên thị trường bán lẻ. Ảnh: Anh Quân.

Nhận định về thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều công ty nghiên cứu thị trường đều cho rằng đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng khi doanh số bán ra luôn tăng ở mức hai con số. Báo cáo mới đây của Kantar Worldpanel cũng cho thấy, tốc độ tăng của lĩnh vực tiêu dùng Việt Nam cao nhất trong 11 nước châu Á.

Lãnh đạo một công ty kinh doanh siêu thị đánh giá, ngành bán lẻ Việt Nam đang gặp khó khăn trong ngắn hạn do sức mua giảm, song với một thị trường còn non trẻ và dân số 90 triệu người, Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng.

Nhiều nhà đầu tư ngoại gần đây tuyên bố sẽ chi hàng triệu đôla mở siêu thị tại Việt Nam như Auchan, Aeon, bên cạnh một số nhà khai thác hiện tại như Big C, Metro, Parkson, Lotte...

Tổng giám đốc một công ty tư vấn bất động sản trong nước cũng tiết lộ có đại gia bán lẻ đang âm thầm khảo sát khắp khu Đông và Nam TP HCM để chuẩn bị cho kế hoạch mở siêu thị trong 2-3 năm tới. Hay như trong chuyến làm việc của hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam vừa qua, chiếm đông đảo nhất vẫn là các ông chủ ngành bán lẻ, siêu thị.

Không chỉ vậy, lĩnh vực bán lẻ còn thu hút một số đại gia sẵn sàng đầu tư tay ngang. Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) - đơn vị kinh doanh bất động sản cho biết có kế hoạch mở 70-80 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc tới năm 2015 và biến lĩnh vực bán lẻ thành hướng đi chiến lược của tập đoàn. Bước đầu, đại gia bất động sản này đã đưa vào hoạt động hai siêu thị Ocean Mart Hà Đông và Ocean Mart Thăng Long.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Mạnh Duy - Giám đốc Vận hành Công ty Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) cho biết, chính vì đang có sẵn mặt bằng nên tập đoàn "tự tin" trong việc hoàn thành kế hoạch xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ là cơ hội để đầu tư vào bán lẻ với chi phí thấp.

Ocean Group lấn sân sang bán lẻ qua việc khai trương siêu thị tại Hà Đông. Ảnh: ORC
Ocean Group lấn sân sang bán lẻ qua việc khai trương siêu thị tại Hà Đông. Ảnh: ORC.

Ngoài Ocean Group, Tập đoàn Sơn Hà đang kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng, thép không gỉ cũng đã mở đại siêu thị đầu tiên mang tên Hiway tại Hà Đông (Hà Nội), khởi đầu cho việc lấn sân sang ngành nghề mới.

Nhận định về xu hướng có thêm nhiều đại gia chen chân vào thị trường, ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị cho hay, điều này xuất phát từ chính sức hút của ngành. Hiện siêu thị dần trở thành kênh mua sắm không thể thiếu với người dân. Trong khi đó, Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE nhận xét, chính việc Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển cho mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đã tạo "cú hích" cho các nhà đầu tư.

Theo văn bản này, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại... Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Dự báo đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm khoảng 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. "Đây là nhân tố để thu hút các nhà đầu tư", CBRE nhấn mạnh.

Tuy nhiên, quá trình đầu tư siêu thị tại Việt Nam không chỉ một màu hồng. Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn mới đây thông tin việc ra mắt hệ thống siêu thị thứ hai có thể bị lùi lại, dù ở thời điểm khai trương siêu thị thứ nhất, ông tuyên bố sẽ mở thêm hai hệ thống Hiway trong năm 2012. Thậm chí, một tên tuổi trong ngành bán lẻ Nhật Bản là Family Mart cũng vừa bán toàn bộ cổ phần trong liên doanh siêu thị với tập đoàn Phú Thái, trong bối cảnh bị lỗ tại thị trường Việt Nam.

Trên quan điểm người đã làm nghề siêu thị lâu năm, ông Vũ Vĩnh Phú cũng khẳng định đây là thời điểm rất thách thức, doanh nghiệp "chỉ mong hòa là may". Ông chỉ ra những khó khăn trong ngành như không dễ thu hồi vốn trong thời gian ngắn, mà hiện nay vốn lại là cái khó nhất với doanh nghiệp. "Khi sức mua kém, doanh nghiệp phải kiên trì mới có thể trụ vũng trong ngành, nếu không sẽ phải rút địa điểm hoặc chuyển sang mục đích khác", ông nói.

Bên cạnh đó, việc gây dựng thương hiệu trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt khi có nhiều đối thủ cạnh tranh. "Dựng một siêu thị chỉ mất 6 tháng, nhưng giữ được một siêu thị tốt phải mất 10 năm", vị này nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Phú cho rằng nếu một doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì vẫn có cơ hội phát triển, kể cả đó là những nhà đầu tư đang lấn sân, nhưng cần một chiến lược đúng đắn. "Các nhà đầu tư lúc này không nên mở ồ ạt mà cần có quy hoạch, phương án kinh doanh thấu đáo và phải có sự điều tra nghiên cứu thị trường, nguồn hàng và đào tạo nhân lực nghiêm túc trước khi quyết định tham gia thị trường", ông khuyến cáo.

Cũng thừa nhận bán lẻ đang là ngành nghề cạnh tranh cao, nhất là khi sắp tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế, song lãnh đạo Ocean Retail xác định "doanh nghiệp Việt Nam sẽ hiểu khách hàng Việt Nam nhất". Đồng thời, ông cũng tự tin vào ngành nghề mới mẻ này.

"Chúng tôi đang triển khai một cách cẩn trọng để không thu được lợi nhuận cao ngay nhưng sẽ có mức lợi nhuận nhất định phát triển doanh nghiệp theo đúng hướng", vị này nói.

Theo Huyền Thư
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG