Đề nghị hủy quy định “trừng phạt” doanh nghiệp thủy sản

Đề nghị hủy quy định “trừng phạt” doanh nghiệp thủy sản
TP - Ngày 27/6, liên quan đến Thông tư quy định về chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thuỷ sản, TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Cục đã ra văn bản kiến nghị huỷ một số nội dung trái pháp luật.

> Văn bản trừng phạt, phí đè doanh nghiệp
> Thảm cảnh các đại gia thủy sản miền Tây

Trước đó, Tiền Phong có bài: “Văn bản trừng phạt, phí đè doanh nghiệp”, ra ngày 25/5, phản ánh nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp khó khăn trước những quy định mang tính “trừng phạt” được đưa ra tại Thông tư (số 55/2011/TT-BNNPTNT, ngày 3/8/2011). Sau đó, nội dung Thông tư 55 được Cục Kiểm tra văn bản QPPL kiểm tra, đối chiếu.

Tại Công văn 152/KTrVB (ra ngày 27/6/2013) do Cục trưởng Lê Hồng Sơn ký thông báo kiểm tra văn bản trên nêu rõ: Qua kiểm tra, chúng tôi thấy rằng một số nội dung của Thông tư 55 chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 31 Thông tư quy định: “Tạm ngừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu tương ứng nếu...Cơ sở có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 tháng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về chất lượng, an toàn thực phẩm”.

Với quy định như vậy thì khi có cảnh báo về chất lượng hoặc cảnh báo về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu đối với cơ sở có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự thì cơ sở sản xuất bị tạm ngừng xuất khẩu vào nước nhập khẩu tương ứng.

Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho rằng việc đưa ra quy định trên không có cơ sở và không phù hợp với quy định của Luật An toàn thực phẩm và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

“Đối chiếu với các quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản thấy không có nội dung nào quy định cho phép áp dụng biện pháp “tạm ngừng xuất khẩu” khi có cảnh báo về an toàn thực phẩm như quy định tại Điều 31 của Thông tư số 55. Hơn nữa, việc tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp xử lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Việc xử lý này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, việc làm của người lao động, khách hàng của doanh nghiệp. Vì vậy, biện pháp xử lý này cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kĩ lưỡng. Nếu thực sự thấy cần thiết phải kiến nghị để quy định trong Luật hoặc trong văn bản của Chính phủ chứ không phải quy định tại Thông tư 55”- Công văn 152/KTrVB nêu rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.