Lúa, cá lỗ nặng nông dân kiệt sức

Lúa, cá lỗ nặng nông dân kiệt sức
TP - Lúa rớt giá thê thảm đến mức nông dân băn khoăn không biết nên bán hay cho vịt ăn. Cá tra càng nuôi càng bế tắc và lỗ nặng. Chưa bao giờ người nông dân ĐBSCL thấy kiệt sức như lúc này.

> Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
> Người nuôi cá tra đang lỗ

Gạo xuất khẩu lỗ

Ông Võ Văn Năm, 71 tuổi, ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông (Bình Thủy, Cần Thơ) kể: thu hoạch xong 0,6 ha lúa IR50404 ngày 4/6 mà không bán được. Ông Năm than thở, lúa suốt xong bán tươi tại ruộng giá 3.000 - 3.200 đ/kg, phơi khô tại nhà 4.000 - 4.100 đ/kg, tuy nhiên chào mời vậy chứ không có người mua.

Ông Võ Văn Năm bên đống lúa chưa bán được. ẢNH: HOÀ HỘI
Ông Võ Văn Năm bên đống lúa chưa bán được. ẢNH: HOÀ HỘI.

Cùng phường Thới An Đông, ông Trần Văn Phước, 50 tuổi, thu hoạch 1,3 ha lúa IR50404 từ ngày 30/5, năng suất 7 tấn/ha, hơn 9 tấn lúa đang chất trong nhà chưa có người hỏi mua. Ở tỉnh Tiền Giang, bà Đặng Thị Bảnh, 55 tuổi, ở xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy), cho biết lúa tươi tại ruộng hiện nay, may lắm bán được 3.700 đ/kg.

Giá thành lúa hè thu Bộ Tài chính vừa công bố là 4.142 đ/kg, với giá thị trường đang diễn ra, nông dân lỗ nặng. Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Chính phủ cho mua tạm trữ vụ hè thu 1 - 1,5 triệu tấn gạo quy đổi, trong vòng 3 tháng, tuy nhiên vẫn khó hy vọng giá lúa gạo nhích lên.

Càng khó hy vọng lợi ích đến được với nông dân. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)Trương Thanh Phong thừa nhận: “Doanh nghiệp không có đội ngũ nhảy ra ruộng mua lúa với nông dân”. Doanh nghiệp mua qua thương lái, và lại mua gạo.

Ở ĐBSCL trong năm 2013, còn có vụ thu đông (vụ 3) mà Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ có thêm khoảng 0,6 triệu tấn gạo hàng hoá nữa. Tính ra, 5 tháng đầu năm đã xuất hơn 2,8 triệu tấn gạo và từ nay đến cuối năm, cần xuất hơn 5 triệu tấn gạo nữa mới tiêu thụ hết gạo hàng hoá ở ĐBSCL.

Cá tra kiệt sức

Giá cá tra ĐBSCL hiện nay 21.000 - 21.500 đ/kg (cá loại 1), người nuôi lỗ nặng dẫn đến nhiều hộ phải treo ao.

Ông Phạm Văn Thiện, nuôi cá tra gần 10 năm ở phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), cho biết, gia đình đã giảm diện tích nuôi đến 50% so với trước mà vẫn lỗ nên đành nghỉ luôn.

Ông Thiện kể, sau 6-8 tháng nuôi với giá thành 23.000 đ/kg, bán lỗ 1.500 đ/kg thì mỗi héc-ta lỗ mất 645 triệu đồng. “Hiện, số hộ nông dân nuôi cá tra ở vùng này đã giảm cỡ 70%. Chúng tôi nghỉ nuôi cá tra, chưa biết làm nghề gì để sống”, ông Thiện nói.

Ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 15/6/2013 đến hết ngày 31/7/2013.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, cho biết, giá cá tra nguyên liệu liên tục thấp hơn giá thành đã làm cho người nuôi kiệt sức. “Tình hình khốn khó hơn khi xuất hiện nhóm lợi ích thao túng để ép nông dân và cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu”, ông Vàng nói.

Theo ông Vàng, để cải thiện tình hình, cần thiết phải có các giải pháp tăng giá xuất khẩu và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, đây lại là bế tắc lớn nhất của hoạt động kinh doanh cá tra hiện nay.

Hồi giữa tháng 3/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 với mức thuế cao cho cá tra Việt Nam, tình hình đã khó khăn thì nay, Mỹ lại đang tính sẽ tăng thuế thêm 65% nữa.

Ông Nguyễn Văn Kề, GĐ Cty Chế biến XNK Thủy hải sản Hùng Cường ở tỉnh Vĩnh Long, cho biết, 5 tháng qua so với cùng kỳ 2012, sản lượng cá tra xuất khẩu giảm không đáng kể, nhưng giá lại giảm nhiều nên hiệu quả kinh doanh không cao. “Nếu thuế lại tăng thì xuất khẩu khó khăn chưa lường được”, ông Kề chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG