Cốc Cốc chọi Google: 'Nổ' và hoang tưởng?

Cốc Cốc chọi Google: 'Nổ' và hoang tưởng?
Nổ, nhảm nhí, thậm chí hoang tưởng. Đó là những gì nhiều người nói về ba chàng trai sáng lập website tìm kiếm Cốc Cốc, những người tuyên bố sẽ cạnh tranh với “gã khổng lồ” Google!

Cốc Cốc chọi Google: 'Nổ' và hoang tưởng?

Nổ, nhảm nhí, thậm chí hoang tưởng. Đó là những gì nhiều người nói về ba chàng trai sáng lập website tìm kiếm Cốc Cốc, những người tuyên bố sẽ cạnh tranh với “gã khổng lồ” Google!

Cốc Cốc chọi Google: 'Nổ' và hoang tưởng? ảnh 1

Mấy hôm trước giám đốc của một công ty công nghệ có tiếng trên thị trường và là đối tác của Google tại Việt Nam cho biết, anh thực sự “choáng” khi đại diện của Cốc Cốc gọi, mời anh sang làm... nhân viên bán hàng. Nhiều nhân viên giỏi của anh cũng nhận được lời mời từ Cốc Cốc.

Ba cựu sinh viên Nga và cỗ máy tìm kiếm Việt

“Tôi không tin lắm về việc Cốc Cốc có thể thắng được Google, nhưng có vẻ như họ đang có rất nhiều tiền và rất “hăng máu” tham gia cuộc chơi”, vị giám đốc nọ nhận xét. Theo đánh giá của anh, việc đại diện Cốc Cốc dám bốc máy gọi, mời giám đốc một số công ty công nghệ có tiếng về làm vị trí bán hàng bình thường, cho thấy họ khá tự tin về tiềm lực tài chính.

Với những người trong ngành thì đây là điều thật sự bất ngờ, bởi phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của Việt Nam đều gặp phải khó khăn lớn về vốn, họ thường phải gõ cửa khắp nơi để có được tiền tài trợ. Một câu hỏi được đặt ra: Những người sáng lập ra Cốc Cốc là những đại gia lắm tiền nhiều của hay họ có một nhà đầu tư hùng mạnh phía sau?

Cuộc gặp gỡ với 3 chàng trai sáng lập ra Cốc Cốc (Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc đã đưa ra đáp án: họ chỉ là 3 cựu sinh viên du học ở Nga về và có cùng một ước mơ xây dựng “cỗ máy tìm kiếm” made in Vietnam. Mọi chuyệnđều bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ trong ký túc xá của trường Đại học tổng hợp Mátxcơva (Nga) khi cả ba học cùng một khóa. Có chung niềm đam mê, sở thích, nên đến năm cuối của đại học, cả ba quyết định đầu quân cho công ty công nghệ Nigma.ru của Nga.

Năm 2008, họ về Việt Nam tìm hiểu thị trường tìm kiếm tại Việt Nam và lên kế hoạch thuyết phục các nhà đầu tư rằng, đây là thị trường rất tiềm năng. Trong quãng thời gian học tập tại Nga, các nhà sáng lập của Cốc Cốc đã phát hiện ra rằng, chất lượng tìm kiếm của Google phiên bản tiếng Việt không tốt bằng tiếng Nga. Tuy thế, người dân Nga chủ yếu vẫn sử dụng trang tìm kiếm trong nước như Yandex. Không có lý do gì mà người Việt lại không có một trang thay thế Google trên chính sân nhà! Lập luận này thôi thúc họ đi đến quyết định xây dựng trang tìm kiếm Cốc Cốc.

Sau 2 năm tìm kiếm, thuyết phục, giữa năm 2010, họ nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ một quỹ đầu tư mạo hiểm. danh tính của quỹ này đến nay vẫn còn là một ẩn số, nhưng Nguyễn Thanh Bình khẳng định, 15 triệu USD tiền đầu tư của họ hoàn toàn là một con số thực. “Cách đây 1 năm, khi wada.com chính thức ra mắt thì chi phí đầu tư đã lên tới 10 triệu USD. Riêng đối với Cốc Cốc, chi phí để đặt máy chủ, trả lương nhân viên cao… nên con số 15 triệu USD cho 2 năm qua không có gì là ảo”, anh lý giải.

Nguyễn Thanh Bình cho biết, khi khởi nghiệp cách đây 2 năm, công ty chỉ có 3 người sáng lập. Ở thời điểm đó, Cốc Cốc chưa có tên tuổi, lại chưa chứng minh được thực lực của mình nên việc tuyển dụng, mời người tài gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi từng mời 3 ứng viên đến để tuyển dụng vào 1 ngày, nhưng đáng tiếc là không có ai đến cả”, anh nhớ lại. Sau bài học đầu tiên đó, các sáng lập viên của Cốc Cốc buộc phải thay đổi hướng tuyển dụng: Mời bạn bè, những người có cùng chí hướng về làm việc, từ đó “tạo hiệu ứng lan tỏa”. Nhờ vậy, đến nay Cốc Cốc đã có khoảng 300 nhân sự, trong đó có nhiều kỹ sư là những lập trình viên giỏi từng làm việc cho Facebook, Google… hai năm qua, nguồn lực của Cốc Cốc chỉ dành để xây dựng cỗ máy tìm kiếm. Cái tên Cốc Cốc mới trở thành điểm nóng cách đây một tháng khi họ ra mắt trang Tìm kiếm CocCoc.com.

Hoài bão, ước mơ có đủ làm nên nghiệp lớn?

Con đường mà những chàng trai sáng lập của Cốc Cốc đang theo đuổi là xây dựng bộ máy tìm kiếm tương tự như Google và tất nhiên tham vọng của họ là có thể dần thay đổi thói quen sử dụng công cụ tìm kiếm của người Việt. Ngoài tiền của nhà đầu tư, thứ duy nhất mà các chàng trai Cốc Cốc đang sở hữu - như họ nói - là lòng nhiệt huyết và đam mê công nghệ của tuổi trẻ. Nhưng chỉ có vậy, liệu họ có đưa được Cốc Cốc tiến sâu vào thị trường tìm kiếm tại Việt Nam và được đông đảo cộng đồng mạng sử dụng?

Câu trả lời của hầu hết những người am hiểu thị trường là: “Không thể”, bởi Google hiện đang nắm giữ tới 95% thị trường tìm kiếm tại Việt Nam. Thậm chí có người còn giễu cợt rằng, có hai cách để Cốc Cốc có thể phát triển tại Việt Nam. Một là Google đóng cửa (giống như Facebook chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ khi Yahoo!360 đóng cửa). Hai là Chính phủ chặn Google. Nhưng xác suất xảy ra 2 khả năng trên là rất ít.

Trước Cốc Cốc, Xalo hay Timnhanh đã sớm phải đầu hàng. Năm năm trước, Nguyễn Xuân Tài, Giám đốc dịch vụ Tìm kiếm của Socbay cũng đã “tuyên chiến” với Google. Theo tạp chí Forbes, mặc dù chưa có lợi nhuận, nhưng Tài và các nhà đầu tư mạo hiểm cho rằng, họ sẽ đạt đến điểm hòa vốn trong vòng 3 năm khi tập trung vào lĩnh vực tìm kiếm trên di động - lĩnh vực mà Google chưa thể thống trị tại thị trường Việt Nam.

Với lập luận đó, Nguyễn Xuân Tài đã từ chối đề nghị mua lại của Google và cho rằng, đại gia này mới chỉ đưa ra mức giá bằng một nửa giá trị thực của Socbay. Rút cuộc, Google chẳng cần mua lại Socbay mà vẫn có thể chiếm lĩnh gần như trọn vẹn thị trường tìm kiếm tại Việt Nam. Còn Socbay dù vẫn trung thành với dịch vụ tìm kiếm, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, thời vàng son của họ đã qua.

Được nhắc nhở về bài học của người đi trước, sáng lập viên của Cốc Cốc, Nguyễn Đức Ngọc cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thất bại của các công ty trên là do họ chưa sẵn sàng về mặt tài chính để phát triển cỗ máy tìm kiếm lâu dài, đội ngũ nhân lực vào thời điểm đó còn hạn chế về trình độ kỹ thuật… Rồi anh tự tin khẳng định, Cốc Cốc đáp ứng được cả hai yếu tố đó. Mặc dù vậy, Ngọc thẳng thắn thừa nhận, nhược điểm của Cốc Cốc là tốc độ vẫn còn chậm và sẽ mất một thời gian nữa để hoàn thiện.

Mọi nhận định hay dự đoán vào thời điểm này đều quá sớm. Nhưng có một điều các nhà sáng lập Cốc Cốc khẳng định dứt khoát: nếu thành công và được Google trả giá cao thì họ cũng sẽ không bao giờ “bán mình” cho Google. họ muốn giữ một website tìm kiếm thuần Việt, giống như thương hiệu dầu gội đầu Mỹ Hảo. Thay vì châm biếm, tại sao người tiêu dùng không tạo cho những người trẻ ấy cơ hội thử sức?

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG